|
Quang cảnh một phiên tòa. (Ảnh TAND huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam) |
Cần những biện pháp, chế tài mạnh mẽ
Để thực hiện cuộc cách mạng văn hóa ở nước ta, Đề cương về văn hóa năm 1943 yêu cầu phải nắm vững “ba nguyên tắc vận động”, đó là: dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa. Dân tộc, khoa học, đại chúng ngày nay đã khẩu hiệu, trở thành tính chất, đặc trưng của nền văn hóa Việt Nam - một nền văn hóa thấm đẫm tinh thần dân tộc, giàu bản sắc do nhân dân sáng tạo với khát vọng không ngừng vươn đến Chân - Thiện - Mỹ, hướng đến tiến bộ, văn minh.
Tuy nhiên, riêng lĩnh vực văn hóa pháp đình (VHPĐ) hiện nay đã phát sinh một số bất cập, ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của chốn công đường. Trên thực tế, nhiều nơi đã diễn ra không ít các hành vi không văn minh như người tham gia phiên tòa có lời lẽ thô lỗ, mạt sát, thiếu tôn trọng đối với người khác trong quá trình tố tụng… nhưng tiếc rằng biện pháp chế tài xử lý chưa đủ mạnh để răn đe.
Trước những hành vi xâm phạm, ảnh hưởng đến VHPĐ, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Ủy ban Thường vụ Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ, điều quan trọng hàng đầu vẫn là quy định pháp luật, các hành vi của những người có liên quan phải trên cơ sở pháp luật, dựa trên các quy tắc, kể cả những quy định bất thành văn. Mọi người đến Tòa đều phải học tập, rèn luyện, phải nhìn, để ý, xem xét xung quanh, chứ không được có bất kỳ hành động phá phách nào.
Cùng với đó, Nhà nước phải có quy định, biện pháp giữ gìn VHPĐ nhằm giữ gìn kỷ cương, trật tự, giữ gìn cho mọi hoạt động tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật. Tại Tòa, người dân tuy được làm những gì mà pháp luật không cấm, nhưng cần hiểu rõ và chấp hành những quy định cấm tại chốn pháp đình để đảm bảo VHPĐ. Không những thế, chúng ta phải có thể chế, thiết chế, bộ máy giữ gìn trật tự. Trong trường hợp người nào vi phạm, kể cả cán bộ Nhà nước vi phạm thì đều phải xử lý một cách công bằng.
“Chúng ta phải có giải pháp đạt đến sự công bằng đầy đủ, toàn diện, khách quan, không thiên lệch để bảo đảm VHPĐ và có lẽ đến một lúc nào đó mặc dù VHPĐ là phạm trù đạo đức nhưng được nâng lên thành luật thì lúc đó chúng ta có cơ sở để xem xét trách nhiệm của tất cả các chủ thể có liên quan, áp dụng được các biện pháp chặt chẽ hơn, tác động mạnh mẽ hơn, làm gương cho người khác. Chúng ta cần pháp luật hóa, văn bản hóa, thể chế hóa đối với quy phạm đạo đức thì sẽ tạo ra những điều kiện tốt hơn, tăng cường thêm nữa các thiết chế đảm bảo trật tự, công bằng, nghĩa là nâng cao VHPĐ”, ông Lưu Bình Nhưỡng đề xuất.
Hoan nghênh việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội gần đây thông qua Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa nhấn mạnh, đây là biện pháp hết sức cần thiết.
Trước đây, mặc dù cảnh sát hỗ trợ tư pháp đã làm tốt chức năng của mình, nhưng vì thiếu quy định cụ thể nên chỉ có thể xử lý hành vi gây rối, quấy rối trật tự công cộng, còn trong ứng xử pháp đình chưa được xử lý kịp thời. Với Pháp lệnh này, thẩm phán/cơ quan tố tụng được giao thẩm quyền trục xuất đối tượng có hành vi không văn minh ra khỏi nơi xét xử, nên ông Phạm Văn Hòa hy vọng tình hình tới đây tại chốn pháp đình sẽ trở nên nghiêm minh, lịch sự hơn.
Ông Hòa đánh giá, Pháp lệnh đã quy định thống nhất và chi tiết, tạo cơ sở pháp lý để xử lý nghiêm minh những hành vi cản trở hoạt động tố tụng; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong tố tụng và ý thức chấp hành pháp luật, phòng ngừa những vi phạm có thể xảy ra; nâng cao uy tín của cơ quan nhà nước, bảo đảm sự tôn nghiêm của Tòa án, bảo đảm sự tôn trọng của cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với cơ quan tiến hành tố tụng; tạo điều kiện giải quyết các vụ việc nhanh chóng, hiệu quả, đúng pháp luật.
Tuy nhiên, theo ông Hòa, trong thực tiễn, cũng không nên áp dụng Pháp lệnh một cách cứng nhắc, cực đoan mà phải xem xét cụ thể từng khía cạnh, công tâm, vô tư, nhất là trong trường hợp thẩm phán không giữ được cương vị “cầm cân nảy mực”, gây bức xúc cho những người tham gia phiên tòa. Cũng cần biết rằng, nếu đương sự không hài lòng với Hội đồng xét xử (HĐXX), với thẩm phán có quyền được làm đơn khiếu nại, thay đổi HĐXX/thẩm phán, tất nhiên quyền này phải được thực hiện phù hợp, phải có lý do chính đáng để thay đổi, không phải vì lý do cá nhân.
“Căn cứ vào Pháp lệnh, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao (TANDTC) phối hợp với các cơ quan tố tụng khác sớm ban hành nội quy trong thực hiện tố tụng, đảm bảo VHPĐ được thực hiện khách quan, công tâm, vô tư. Tất cả chúng ta thận trọng, khách quan trong ứng xử, trong hoạt động của mình khi tham gia tố tụng thì hoạt động xét xử, VHPĐ sẽ thành công tốt đẹp”, ông Phạm Văn Hòa khẳng định.
Xử lý nghiêm những hành vi cản trở hoạt động tố tụng
Còn theo Phó Chánh án Thường trực TANDTC Nguyễn Trí Tuệ, ngay từ khi cơ quan Tòa án của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, chúng ta đã không ngừng hoàn thiện, củng cố tổ chức, thẩm quyền của cơ quan xét xử và cũng đã xây dựng nhiều quy định hướng tới việc phải nâng cao VHPĐ.
|
Phó Chánh án thường trực TANDTC Nguyễn Trí Tuệ. |
Để giữ gìn tính tôn nghiêm và quyền uy của tư pháp, trên cơ sở các bộ luật tố tụng, Chánh án TANDTC đã ban hành hai Thông tư liên quan là Thông tư số 01/2014/TT-CA ngày 28/4/2014 ban hành Nội quy phiên tòa và Thông tư số 02/2017/TT-TANDTC ngày 28/7/2017 ban hành Quy chế tổ chức phiên tòa.
Cụ thể, Thông tư số 01 đã nêu 10 quy định về nội quy phòng xử án. Chẳng hạn, khi vào phòng xử án, mọi người đều phải chấp hành việc kiểm tra an ninh của lực lượng có trách nhiệm bảo vệ phiên tòa. Nghiêm cấm mang vũ khí, hung khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, đồ vật cấm lưu hành, truyền đơn, khẩu hiệu và tài liệu, đồ vật khác ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của phiên tòa vào phòng xử án, trừ vật chứng của vụ án phục vụ cho công tác xét xử hoặc vũ khí, công cụ hỗ trợ được người có thẩm quyền mang theo để làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa;
Mọi người trong phòng xử án phải đứng dậy khi HĐXX vào phòng xử án và khi tuyên án, trừ trường hợp đặc biệt được phép của chủ tọa phiên tòa. Chỉ những người được HĐXX cho phép mới được hỏi, trả lời hoặc phát biểu… Người vi phạm nội quy phòng xử án thì tùy trường hợp có thể bị chủ tọa phiên tòa cảnh cáo, phạt tiền, buộc rời khỏi phòng xử án, bị bắt giữ hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Tại Thông tư số 02, Điều 3 nhấn mạnh nội quy phòng xử án bao gồm nội quy phiên tòa theo quy định tại Điều 256 Bộ luật Tố tụng Hình sự, Điều 234 Bộ luật Tố tụng Dân sự, Điều 153 Luật Tố tụng Hành chính và các quy định sau đây: HĐXX, kiểm sát viên, thư ký phiên tòa, người tham gia tố tụng và người tham dự phiên tòa phải ngồi đúng vị trí trong phòng xử án; Thẩm phán, hội thẩm và thư ký phiên tòa phải mặc trang phục xét xử theo đúng quy định; Tòa án ghi âm, ghi hình, ghi hình có âm thanh về diễn biến phiên tòa được thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng.
Người vi phạm nội quy phòng xử án thì tùy từng trường hợp có thể bị chủ tọa phiên tòa buộc rời khỏi phòng xử án hoặc khu vực xét xử, xử phạt vi phạm hành chính, tạm giữ hành chính. Trường hợp hành vi của người vi phạm nội quy phiên tòa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì HĐXX có quyền khởi tố vụ án hình sự…
Mới đây nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Đây là cơ sở pháp lý để xử lý nghiêm minh những hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong tố tụng và ý thức chấp hành pháp luật, phòng ngừa những vi phạm có thể xảy ra; nâng cao uy tín của cơ quan nhà nước, bảo đảm sự tôn nghiêm của Tòa án, bảo đảm sự tôn trọng của cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với cơ quan tiến hành tố tụng; tạo điều kiện giải quyết các vụ việc nhanh chóng, hiệu quả, đúng pháp luật.
Để triển khai thi hành Pháp lệnh, trước hết, TANDTC sẽ tăng cường tuyên truyền để người dân chấp hành, thực hiện nghiêm Pháp lệnh; việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng chỉ là giải pháp cuối cùng.
Đồng thời, sẽ hướng dẫn cụ thể hơn một số nội dung của Pháp lệnh, trong đó có Nội quy phòng xử án được quy định tại Thông tư 01, 02 của Chánh án TANDTC. Nội quy này có phải điều chỉnh hay không thì Chánh án TANDTC đã chỉ đạo khẩn trương rà soát, nghiên cứu, tổng kết thực tiễn để sớm có tính toán, làm sao bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đặc biệt là những quy định liên quan đến quyền, nghĩa vụ của đương sự, của những người liên quan, của người dân khi tham gia vào các hoạt động tố tụng. Trường hợp quy định tại Thông tư 01, 02 khác với quy định tại Pháp lệnh thì phải thực hiện theo Pháp lệnh.
Bên cạnh các quy định pháp luật trên, từ góc độ hành chính, ngành TAND cũng tính đến những tình huống phức tạp, cần bảo vệ như vụ án phức tạp, đặc biệt nghiêm trọng (có mức án chung thân, tử hình, xã hội đen…) hay vụ án thuộc diện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Theo đó, ngành TAND xây dựng phương án bố trí lực lượng, xây dựng kế hoạch phối hợp với các cơ quan liên quan như cảnh sát hỗ trợ tư pháp, cứu thương, cứu trợ, phòng cháy, chữa cháy… từ việc dẫn giải đến bảo vệ phiên tòa hay phòng dành cho báo chí tác nghiệp… Như vậy sẽ bảo đảm giữ gìn được các phiên xét xử trang nghiêm, nâng cao VHPĐ.