Tư duy “đục” và “la làng”

(PLO) - Còn nhớ chỉ cách đây không ít lâu, báo chí còn đưa tin các doanh nghiệp BOT kinh doanh ăn nên làm ra, báo lãi dồn dập. Thế mà thật kỳ lạ, mới đây, hết chuyện “ông trùm” Tasco tuyên bố dừng đầu tư mới vào BOT vì chê tỷ suất sinh lời thấp lại đến chuyện chủ đầu tư cao tốc Hà Nội – Hải Phòng lo “vỡ phương án tài chính”, xin “Nhà nước hỗ trợ kịp thời” vì doanh thu phí 5,5 tỷ đồng/ngày không đủ trả lãi.
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Nói tóm lại “kêu” được là “kêu”. Tội gì không “la làng”?

Người dân với tư cách là “người tiêu dùng” cơ sở hạ tầng giao thông BOT thì sao? Với tư duy đường giao thông là “mỏ tiền lộ thiên” các doanh nghiệp làm BOT sẵn sàng “móc túi” người dân khi có thể móc. Xin đừng rao giảng về đạo đức của các doanh nhân thời “thị trường chụp giật”. 

Đúng là chúng ta đang rất cần huy động các nguồn lực đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông, bởi đó đang là một trong ba “điểm nghẽn” của phát triển. Trong khi các nhà đầu tư nước ngoài chưa “tham gia” thì chỉ còn chờ các đại gia, ông trùm trong nước. Tuy nhiên gần như đang có tư tưởng: Dễ “đục”, dễ “bốc” thì làm, khi bị “siết” thì “mình mẩy”.

Gần đây chuyện cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, mới nghe chính chủ đầu tư dự án này trình bày mà dân giật mình thon thót. Dự án có tổng mức đầu tư 45.587 tỷ đồng, nợ gốc trên dưới 30.000 tỷ đồng, nợ vay nước ngoài 300 triệu USD. Thu phí mỗi ngày 5,5 tỷ đồng, tưởng là “khủng” lắm, nhưng hóa ra không đủ trả lãi đến 8 tỷ đồng/ngày.

Trước khi thực hiện, chủ đầu tư này phải lập và trình phương án tài chính, trong đó đã lường trước rủi ro và tính toán được doanh thu dự kiến, tất nhiên, lộ trình trả nợ thì đã rõ ràng. Thế mà sau hơn 1 năm thu phí, chuẩn bị chuyển nhượng cho nhà đầu tư nước ngoài lại lo mất cân đối nghiêm trọng về tài chính! Hóa ra, phương án tài chính mà chủ đầu tư lập ra ban đầu lại chẳng mang lại giá trị gì? Khi loay hoay với các khoản nợ, chủ đầu tư “kêu” lên Thủ tướng.

Không ai không đau lòng khi Nhà nước vẫn là “mẹ đỡ đầu” cho các thất thoát, lỗ lã của doanh nghiệp. Tư duy của nhiều doanh nghiệp vẫn đang xem sự hỗ trợ của Nhà nước là sự bao bọc, vốn ngân sách là “nguồn sữa” vô tận.

Mà trong khi nhiệm vụ chính của Nhà nước nhẽ ra là tạo một môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, hỗ trợ doanh nghiệp về chính sách, thủ tục chứ không phải là vốn liếng, là tiền. Tiền Nhà nước là tiền thuế của dân, nguyên tắc là phải phục vụ nhân dân chứ không phải là “rót”, hỗ trợ cho một vài doanh nghiệp nào đó. 

Tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu: Kiên quyết đấu tranh và có biện pháp phòng ngừa, khắc phục tình trạng cán bộ lãnh đạo, quản lý móc ngoặc với khu vực kinh tế tư nhân để hình thành“nhóm lợi ích”, “sân sau”thao túng hoạt động, trục lợi cá nhân, tham nhũng, lãng phí, gây tổn hại cho Nhà nước và doanh nghiệp.

Trong lĩnh vực BOT càng phải vậy!

Đọc thêm