Vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao
Chúng ta tự hào khẳng định rằng, vị thế và uy tín của nước ta trong khu vực và trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao, đóng góp tích cực và đầy tinh thần trách nhiệm vào việc giữ gìn hòa bình, hợp tác phát triển và tiến bộ trên thế giới. Điều này đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ trong bài phát biểu tại Hội nghị toàn quốc đầu tiên về công tác đối ngoại triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, diễn ra ngày 14/12/2021.
Trước hết, Việt Nam là một trong những nước đi đầu phong trào cách mạng thế giới đấu tranh giành độc lập dân tộc, phi thực dân hóa, chống xâm lược, thúc đẩy hòa bình, thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương và thượng tôn pháp luật ở các cấp độ quốc tế, khu vực và quốc gia, vì hòa bình và phát triển trên thế giới, đồng thời đã đạt được những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), nâng cao mức sống của nhân dân.
Sau 78 năm giành độc lập, trong đó 37 năm gần đây thực hiện Đổi mới, từ chỗ là thuộc địa, bị xâm lược và rồi bị chia cắt hai miền, Việt Nam đã giành và bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước, đạt được những bước phát triển vượt bậc.
Từ tình trạng chậm phát triển và bị tàn phá nặng nề sau khi thoát khỏi chiến tranh năm 1975, Việt Nam đã trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp từ năm 2010. Liên tiếp trong 4 năm, từ năm 2016 - 2019, Việt Nam đứng trong tốp 10 nước có tăng trưởng cao nhất thế giới, là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất.
Trước tác động của dịch COVID-19 những năm gần đây, phần lớn các nước có mức tăng trưởng âm hoặc đi vào trạng thái suy thoái, Việt Nam vẫn đạt tăng trưởng kinh tế dương, GDP trong 5 năm qua tăng trung bình 5,9 %/năm, thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới, với kim ngạch xuất nhập khẩu duy trì ở mức tăng trưởng cao, Việt Nam thuộc nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế năm 2021.
Nước ta nhất quán chiến lược phát triển lấy con người là trung tâm, con người là chủ thể, động lực và mục tiêu của phát triển, đạt được hầu hết các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, và đang hướng tới các Mục tiêu phát triển bền vững theo Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc (LHQ), đã đạt được những thành tựu quan trọng về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, nâng cao chỉ số phát triển con người, đời sống nhân dân từng bước được nâng lên, không bỏ ai lại phía sau, đặc biệt là thực hiện xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái, bảo vệ các nhóm dễ tổn thương như người dân tộc thiểu số, trẻ em, phụ nữ…
Quan hệ đối ngoại của Việt Nam đã khắc phục tình trạng bị cấm vận và trở nên ngày càng mở rộng, đa dạng hóa, đa phương hóa và đi vào chiều sâu, với các dấu mốc quan trọng như trở thành thành viên LHQ (1977), ASEAN (1995),APEC (1998), là thành viên sáng lập của ASEM (1996), trở thành thành viên WTO (2007).
Cùng với đó, việc Việt Nam là thành viên của Hiến chương LHQ, hàng nghìn điều ước quốc tế nhiều bên và hai bên trên các lĩnh vực, trong đó có 16 Hiệp định thương mại tự do với các nền kinh tế và đối tác hàng đầu thế giới tạo cơ sở cho Việt Nam cùng các nước thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác và hội nhập quốc tế, giải quyết các vấn đề cùng quan tâm ở các cấp độ song phương, khu vực và quốc tế.
Cho đến nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 192 nước, trong đó có tất cả các nước lớn, có giao lưu kinh tế với hơn 230 nước và vùng lãnh thổ. Đồng thời Việt Nam luôn đề cao và ủng hộ chủ nghĩa đa phương, là thành viên tích cực và có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng, như LHQ, WTO và hàng loạt các TCQT chuyên môn trên mọi lĩnh vực.
Không chỉ sử dụng hiệu quả hỗ trợ kỹ thuật, hợp tác phát triển do các nước, tổ chức quốc tế tài trợ cho phát triển KT-XH của mình, Việt Nam đã từng bước thúc đẩy hợp tác Nam-Nam qua hợp tác song phương với các nước đang phát triển, hợp tác trong ASEAN và một số dự án ba bên với một số nước châu Phi, đồng thời có những đóng góp vào công tác của nhiều tổ chức, diễn đàn khu vực, quốc tế.
Việt Nam từng bước đảm nhiệm và hoàn thành tốt các trọng trách tại các tổ chức, diễn đàn quốc tế, không chỉ đăng cai và tổ chức thành công hàng loạt các hội nghị cấp cao, đảm nhận các nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên như Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch APEC. Đại diện của Việt Nam đảm nhiệm tốt các vị trí Lãnh đạo luân phiên trong ASEAN như Tổng thư ký ASEAN (2013-2017), Phó Tổng thư ký ASEAN (2018-2021)...
Việt Nam đã chủ động ứng cử và đảm nhiệm tốt vai trò điều hành Đại hội đồng một số TCQT quan trọng như Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 77 nhiệm kỳ 2022-2023, Chủ tịch Đại hội đồng Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (2018-2019)...
Việt Nam cũng đã ứng cử và được tín nhiệm bầu, đã và đang đảm nhiệm cương vị thành viên một số Cơ quan của TCQT quan trọng như Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ (hai nhiệm kỳ 2008-2009 và 2020-2021), thành viên Hội đồng nhân quyền LHQ (hai nhiệm kỳ 2014-2016 và 2023-2025), thành viên Hội đồng chấp hành Tổ chức Y tế thế giới - WHO (nhiệm kỳ 2016-2019), thành viên Hội đồng khai thác bưu chính của Liên minh Bưu chính thế giới - UPU (nhiệm kỳ 2022-2025)...
Một bước tiến mới gần đây là Việt Nam đã đề cử một số chuyên gia ứng cử, được các nước tín nhiệm bầu và đảm nhiệm xuất sắc cương vị thành viên một số cơ quan của TCQT quan trọng, đóng góp trực tiếp vào công tác chuyên môn của những TCQT liên quan này, ví dụ như thành viên Ủy ban Thể lệ vô tuyến của Liên minh viễn thông quốc tế - ITU (hai nhiệm kỳ từ 2015-2022), thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế của LHQ (hai nhiệm kỳ từ 2017-2022 và 2023-2027), thành viên Ủy ban pháp lý và kỹ thuật Cơ quan quyền lực đáy đại dương (nhiệm kỳ 2023-2027), Phó Chủ tịch Hiệp hội Khí tượng khu vực II Châu Á thuộc Tổ chức Khí tượng thế giới – WMO (hai nhiệm kỳ 2018-2021 và 2021-2024)…
Việt Nam cũng đã cử hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt có các nữ chiến sỹ, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ ở Châu Phi, đồng thời từng bước tham gia đóng góp vào hoạt động hỗ trợ nhân đạo ở khu vực và trên thế giới.
Với hoạt động đối ngoại tích cực và đầy tinh thần trách nhiệm, trong đó kết hợp đối ngoại song phương với đa phương và tham gia giải quyết nhiều vấn đề khu vực, quốc tế quan trọng, tiếng nói, sáng kiến và cách thức giải quyết có lý, có tình trên tinh thần bình đẳng, hòa hiếu và nhân văn của Việt Nam đã nhận được sự đồng tình và ủng hộ của cộng đồng quốc tế.
Có thể nói, trong những năm gần đây đất nước ta đã khẳng định được vị thế và chủ động có nhiều đóng góp quan trọng tại các TCQT, diễn đàn đa phương. Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu, đồng thời tích cực tham gia giải quyết các vấn đề khu vực, toàn cầu thông qua đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương.
Những thành tựu to lớn nêu trên đạt được là kết quả của chủ trương đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước về bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước, thúc đẩy hợp tác và hội nhập quốc tế vì hòa bình và phát triển. Đồng thời, chính thành tựu của đối ngoại thời gian qua, vị thế và vai trò của đất nước trên trường quốc tế đã đóng góp quan trọng cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước.
Bạn bè quốc tế đánh giá cao nỗ lực, thành tựu và tiềm năng của Việt Nam
Là cán bộ ngoại giao trực tiếp hoạt động đối ngoại tại Geneva, địa bàn đặc thù là một trung tâm lớn của thế giới về ngoại giao đa phương và quản trị toàn cầu, với Văn phòng của LHQ và hơn 30 TCQT liên chính phủ trên các lĩnh vực, chúng tôi luôn nhận được từ bạn bè quốc tế tình cảm quý mến, ngưỡng mộ và đánh giá cao về Việt Nam. Trước hết là bởi lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam và hiện nay là thành tựu phát triển KT-XH ấn tượng và đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, chủ động tích cực thúc đẩy hội nhập và hợp tác quốc tế, trong đó có hợp tác Nam-Nam.
Bạn bè quốc tế đánh giá cao về nỗ lực, thành tựu của cả hệ thống chính trị và nhân dân ta, cũng như tiềm năng phát triển và đóng góp tích cực của Việt Nam trong các hoạt động đa phương. Việt Nam được xem là một tấm gương của các nước đang phát triển, luôn ủng hộ chủ nghĩa đa phương, đề cao vai trò của LHQ và hệ thống thương mại đa phương với WTO là trung tâm, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, vận dụng tốt chiến lược mở cửa, thúc đẩy thương mại, đầu tư làm động lực cho tăng trưởng, phát triển KT-XH.
Điển hình là chia sẻ của Tổng giám đốc WTO, Tiến sỹ Ngozi Okonjo-Iweala trong các buổi tiếp xúc với Lãnh đạo cấp cao nước ta khi thăm chính thức Việt Nam tháng 5 vừa qua, trong đó Bà đánh giá cao sự phát triển liên tục của Việt Nam trong hơn một thập kỷ rưỡi kể từ khi trở thành thành viên WTO, nhất là trong giai đoạn nhiều biến động của thế giới là một kỳ tích, Việt Nam là mẫu hình thành công về hội nhập quốc tế, luôn là một tấm gương cho các nước đang phát triển.
Tổng giám đốc Văn phòng LHQ tại Geneva Tatiana Valovaya, Tổng thư ký Liên minh Nghị viện thế giới Martin Chungong, Tổng giám đốc WIPO Daren Tang, Tổng giám đốc WHO Tiến sỹ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc ILO Gilbert F. Houngbo, Tổng thư ký Hội nghị của LHQ về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) Rebeca Grynspan, Giám đốc điều hành Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) Pamela Hamilton và Lãnh đạo của nhiều TCQT khác tại Geneva trong các cuộc tiếp xúc với các Lãnh đạo cấp cao của nước ta và trao đổi tiếp xúc với Phái đoàn Việt Nam và các nước tại Geneva đều bày tỏ đánh giá cao các nỗ lực và thành tựu ấn tượng của Việt Nam trong phát triển KT-XH và là đối tác quốc tế tích cực và có trách nhiệm.
Các nước và đại diện các TCQT cũng ghi nhận và khuyến khích Việt Nam vươn lên đóng vai trò cầu nối, hòa giải, tích cực đảm nhận một số vị trí chủ trì, điều phối các phiên họp, khóa họp của tổ chức, diễn đàn quốc tế, thúc đẩy hợp tác Nam-Nam, hoan nghênh chủ trương của Việt Nam ủng hộ hệ thống đa phương, vai trò của hợp tác quốc tế và các tổ chức quốc tế trong bối cảnh thế giới đang gặp đa khủng hoảng như đại dịch, xung đột, chiến tranh, biến đổi khí hậu.
Nỗ lực đóng góp của Phái đoàn Việt Nam tại Geneva
Để có được những thành tựu như vậy có những đóng góp đáng kể từ các Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài, trong đó có Phái đoàn Việt Nam tại Geneva thông qua trực tiếp chủ trì, phối hợp với các Cơ quan, tổ chức trong nước triển khai các nhiệm vụ đối ngoại của Đảng và Nhà nước tại Geneva, tăng cường hợp tác trong khuôn khổ TCQT, diễn đàn đa phương.
Nhằm đáp ứng yêu cầu cao của địa bàn Geneva là một trung tâm lớn của thế giới về ngoại giao đa phương và quản trị toàn cầu, dưới sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Lãnh đạo Bộ Ngoại giao và các Bộ chủ quản, cùng với thế và lực của đất nước ngày càng được nâng cao, các cán bộ Phái đoàn Việt Nam tại Geneva không ngừng nỗ lực nâng cao trình độ chuyên môn, chủ động tích cực triển khai các mặt công tác, quán triệt mục tiêu trọng tâm và xuyên suốt là đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, trong đó có kết hợp với đối ngoại song phương, triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại của Đảng, Chỉ thị của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, về ngoại giao kinh tế, đóng góp cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước.
Trong đó có thể kể đến một số công tác nổi bật sau đây.
Phát huy sự chủ động và sáng tạo, Phái đoàn đã tìm kiếm mọi cơ hội hợp tác, tích cực kết nối, xử lý thông tin hai chiều, hoàn thành tốt nhiệm vụ đại diện Việt Nam tại các tổ chức quốc tế ở địa bàn thông qua trực tiếp tham dự hoặc phối hợp với các đoàn trong nước tham dự các phiên họp các cấp, gia tăng các phát biểu, tham vấn, tổ chức sự kiện nhân dịp các khóa họp của các TCQT, tổ chức các chuyến thăm làm việc của các Đoàn Lãnh đạo cấp cao giữa Việt Nam và nhiều tổ chức quốc tế ở Geneva, đưa ra sáng kiến dự thảo nghị quyết, thảo luận chuyên đề… qua đó thể hiện sự chủ động tích cực đóng góp, xây dựng, nhấn mạnh chủ trương của Việt Nam ủng hộ chủ nghĩa đa phương và hợp tác quốc tế, đồng thời kết nối tăng cường hợp tác giữa các đối tác Việt Nam và TCQT.
Sáng kiến nổi bật Phái đoàn đã triển khai tại Hội đồng nhân quyền LHQ là đề xuất, dự thảo, thương lượng các Nghị quyết hàng năm về biến đổi khí hậu và quyền con người (liên tục từ năm 2015); và đặc biệt là Nghị quyết về kỷ niệm 75 năm Tuyên bố quốc tế nhân quyền và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Viên (ngày 3/4/2023), cùng với một số thảo luận chuyên đề.
Bên cạnh đó, Phái đoàn đã ứng cử và đảm nhiệm cương vị nước thành viên cơ quan quan trọng của một số TCQT, nổi bật là thành viên Hội đồng nhân quyền (hainhiệm kỳ 2014-2016, và 2023-2025), thành viên Hội đồng khai thác bưu chính UPU (nhiệm kỳ 2022-2025); cử chuyên gia ứng cử trong bầu cử hoặc thi tuyển dụng vào cơ quan của TCQT, đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Đại hội đồng WIPO (nhiệm kỳ 2018-2019), hoặc Chủ tịch, Phó Chủ tịch của một số cơ quan, nhóm công tác chuyên môn của WTO, UNCTAD, WIPO...
Mặt khác, qua việc phối hợp với các nước đối tác cùng thúc đẩy hợp tác quốc tế tại các cơ chế đa phương, đồng thời phát huy các kết quả hợp tác đạt được, Phái đoàn đã góp phần tranh thủ thu hút được nhiều hỗ trợ kỹ thuật của các TCQT như ILO, ITU, ITC, WHO, WIPO, WTO, UNCTAD dành cho ta.
Đặc biệt là kịp thời vận động ngoại giao vắc-xin ngừa Covid-19, huy động hướng dẫn chuyên môn, tư vấn kỹ thuật, đào tạo y tế, hỗ trợ trang thiết bị y tế từ WHO, cơ chế COVAX giúp ta ứng phó với Covid-19, và WHO chọn Việt Nam là 01 trong 15 nước tiếp nhận chuyển giao công nghệ vắc-xin mRNA từ WHO, mở ra cơ hội phát triển công nghệ vắc-xin mRNA ngừa một số dịch bệnh và thúc đẩy sản xuất vắc-xin, dược phẩm trong nước.
Đồng thời, Phái đoàn cũng kết nối đối tác trong nước thu hút các dự án hỗ trợ về thương mại và môi trường (ITC, WEF), lương thực (FAO), sở hữu trí tuệ (WIPO), chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, an toàn đường bộ…
Thông qua tổ chức nhiều Hội thảo, toạ đàm kết hợp trực tiếp và trực tuyến về chủ đề cải tổ WTO, Cơ hội đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, Tiềm năng tài chính xanh, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, Phái đoàn đã kết nối tư vấn chuyên môn và khuyến nghị chính sách của các chuyên gia tại các TCQT với các cơ quan, đơn vị trong nước để tham khảo trong quá trình hoạch định, triển khai chính sách và pháp luật trong nước, đặc biệt là đối với những vấn đề mới nổi lên.
Phái đoàn cũng tích cực lồng ghép nội dung và tổ chức hoạt động chuyên đề giới thiệu, quảng bá hình ảnh Việt Nam phát triển năng động, đổi mới, hội nhập quốc tế, là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, đồng thời đóng góp tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác với nước chủ nhà Thụy Sỹ và các nước khác, vì hòa bình và phát triển, nâng cao đời sống của nhân dân.
Ngoài ra, nhằm thúc đẩy lợi ích của ta, tăng cường hợp tác quốc tế giải quyết các vấn đề đặt ra, một mảng công tác thường xuyên luôn được Phái đoàn chú trọng là trực tiếp tham dự và phối hợp với các Cơ quan trong nước trong các thảo luận, thương lượng, đàm phán với các nước tại các tổ chức quốc tế liên quan đến triển khai chính sách, pháp luật trong nước, thực hiện quy tắc, điều ước quốc tế hiện hành, cũng như xây dựng quy tắc hoặc điều ước quốc tế đa phương mới trong khuôn khổ LHQ hoặc TCQT khác.
Phái đoàn cũng kịp thời tìm hiểu, tổng hợp nghiên cứu, thực tiễn quốc tế, khuyến nghị của các chuyên gia, các tổ chức quốc tế và cung cấp cho các cơ quan, tổ chức trong nước tham khảo phục vụ tham mưu, tư vấn trong hoạch định, triển khai chính sách, pháp luật trong nước và điều ước quốc tế, thúc đẩy hợp tác, hội nhập quốc tế.
Đặc biệt, hiện nay một nhiệm vụ trọng tâm của Phái đoàn tại Geneva là đảm nhiệm và ghi dấu ấn của Việt Nam trên cương vị thành viên Hội đồng nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025, tích cực phối hợp với các cơ quan trong nước thúc đẩy các ưu tiên của nước ta và các nước thành viên khác của LHQ thông qua đối thoại và hợp tác, nhất là về bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương (người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em…) và bảo đảm quyền con người trong ứng phó với các vấn đề toàn cầu (như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực…).
Đại sứ, TS. Lê Thị Tuyết Mai
Trưởng Phái đoàn đại diện Việt Nam tại Geneva