Tự hào thành phố mang tên Bác

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thành phố Hồ Chí Minh trở thành một đô thị được Nhân dân cả nước yêu mến và hướng về, không chỉ bởi đây là một đầu tàu kinh tế, văn hóa, xã hội, "trái tim của miền Nam". Điều làm nên sự đặc biệt của thành phố này chính là dấu ấn lịch sử thiêng liêng: từ nơi đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã bắt đầu hành trình cứu nước. Và thành phố ấy đã vinh dự mang tên Người, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Bến cảng Nhà Rồng lịch sử, nơi cách đây hơn một thế kỷ, người thanh niên Nguyễn Ái Quốc đã ra đi tìm đường cứu nước. (Ảnh: VIMC)
Bến cảng Nhà Rồng lịch sử, nơi cách đây hơn một thế kỷ, người thanh niên Nguyễn Ái Quốc đã ra đi tìm đường cứu nước. (Ảnh: VIMC)

Những ký ức làm nên thành phố

Sài Gòn những năm đầu thế kỷ XX hiện lên như một bức tranh đa sắc màu. Nơi đó tồn tại sự xa hoa của một đô thị thuộc địa, nhưng ẩn sâu bên trong vẻ ngoài lộng lẫy là những phận đời lầm than dưới ách đô hộ. Bến cảng Nhà Rồng khi ấy là cửa ngõ giao thương sầm uất, đồng thời chứng kiến bao cảnh ly biệt, bao nỗi thống khổ của người dân mất nước. Chính trong bối cảnh ấy, người thanh niên Nguyễn Tất Thành, với trái tim yêu nước nồng nàn, đã sớm nhận ra sự bất lực của các phong trào yêu nước đương thời và quyết tâm tìm một con đường cứu nước mới. Ngày 5 tháng 6 năm 1911, trên con tàu Amiral Latouche Tréville, chàng thanh niên mang trong mình hoài bão lớn lao về một Việt Nam tự do đã rời xa mảnh đất Sài Gòn, đặt những bước chân đầu tiên trên hành trình cứu quốc. Quyết định ra đi của Người không chỉ là một sự kiện trọng đại trong cuộc đời một con người mà còn là một bước ngoặt lịch sử, đánh dấu sự chuyển mình trong tư tưởng cứu quốc của Việt Nam. Từ thành phố này, một trang sử mới của dân tộc đã mở ra, một hành trình đầy chông gai nhưng rực rỡ ánh sáng của độc lập và tự do.

Trong cuộc cách mạng lâu dài và gian khổ, Thành phố Sài Gòn - Gia Định đã không ngừng phát huy truyền thống kiên cường, bất khuất của dân tộc ta, lập nhiều chiến công xuất sắc. Sau khi đất nước thống nhất Bắc - Nam, ngày 2 tháng 7 năm 1976, Quốc hội khóa VI đã quyết định đổi tên Sài Gòn - Gia Định thành Thành phố Hồ Chí Minh. Sự kiện lịch sử này không chỉ thể hiện sự tri ân sâu sắc đối với công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn là niềm tự hào, nguồn động lực to lớn để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố tiếp tục noi gương Người, xây dựng thành phố ngày càng phát triển, văn minh, hiện đại.

Ánh sáng quá khứ soi đường tương lai

Sau ngày thống nhất đất nước, Thành phố Hồ Chí Minh phải đối mặt với vô vàn khó khăn: cơ sở hạ tầng lạc hậu, kinh tế trì trệ, đời sống Nhân dân còn nhiều thiếu thốn. Tuy nhiên, với tinh thần năng động, sáng tạo và ý chí vượt khó, Thành phố đã từng bước vươn lên mạnh mẽ. Trong gần nửa thế kỷ mang tên Bác, Thành phố Hồ Chí Minh đã có những bước chuyển mình vượt bậc, khẳng định vị thế là một trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học - công nghệ hàng đầu của cả nước.

Năm 1986, Việt Nam bắt đầu công cuộc Đổi mới và Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương tiên phong trong việc áp dụng các chính sách kinh tế thị trường. Đến năm 2015, thu nhập bình quân đầu người đạt 5.538 USD. Từ một thành phố với quy mô kinh tế tổng giá trị ước hơn 2,5 tỉ đồng, nay đạt hơn 957.000 tỉ đồng. Chênh lệch thu nhập giữa các nhóm dân cư giảm từ 10 lần vào năm 1992 xuống còn 6,6 lần vào năm 2014. Ngày nay, theo số liệu của Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2024, Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố ước tính tăng trưởng khoảng 8,03% so với năm 2023, vượt mục tiêu đề ra. Quy mô kinh tế của Thành phố tiếp tục dẫn đầu cả nước, chiếm khoảng 24% GDP quốc gia. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2024 ước đạt 450 nghìn tỷ đồng, tăng 12% so với năm trước, cho thấy môi trường đầu tư hấp dẫn và tiềm năng phát triển mạnh mẽ của thành phố. Kim ngạch xuất khẩu của Thành phố năm 2024 đạt khoảng 50 tỷ USD, tiếp tục khẳng định vai trò là một trung tâm giao thương quốc tế quan trọng.

Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh đang trên đà trở thành một đô thị thông minh, hiện đại. (Ảnh: SE)

Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh đang trên đà trở thành một đô thị thông minh, hiện đại. (Ảnh: SE)

Thành phố Hồ Chí Minh còn là một trung tâm văn hóa lớn của cả nước, nơi bảo tồn và phát huy nhiều giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời tiếp thu những tinh hoa văn hóa thế giới. Các di tích lịch sử, các công trình kiến trúc cổ kính như Bến Nhà Rồng, Dinh Độc Lập, Nhà hát Thành phố... không chỉ là những biểu tượng của thành phố mà còn là những chứng nhân lịch sử. Bên cạnh đó, đời sống văn hóa nghệ thuật của thành phố vô cùng sôi động với nhiều hoạt động phong phú như các lễ hội truyền thống, các buổi biểu diễn nghệ thuật, các triển lãm, các sự kiện văn hóa quốc tế. Thành phố cũng là nơi sản sinh ra nhiều nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ tài năng, đóng góp vào sự phát triển của nền văn hóa Việt Nam đương đại.

Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh đang trên đà trở thành một đô thị thông minh, hiện đại. Nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm đã và đang được triển khai, góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông và kết nối các khu vực trong và ngoài Thành phố. Các ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông được đẩy mạnh trong quản lý đô thị, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền và chất lượng cuộc sống của người dân. Các khu đô thị mới hiện đại với đầy đủ tiện ích được xây dựng, đáp ứng nhu cầu về nhà ở và không gian sống ngày càng cao của người dân.

Thành phố nhân văn - thành phố nghĩa tình

Nhưng, điều cốt lõi của một thành phố không chỉ là những số liệu ấn tượng về kinh tế mà còn là bản sắc riêng. Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố mang tên Bác, có tuổi đời trẻ hơn so với nhiều đô thị khác trên cả nước. Tuy nhiên, xứng đáng với cái tên thiêng liêng, nơi đây thực sự là một Thành phố giàu bản sắc. Bản sắc ấy đến từ một cộng đồng đa dạng văn hóa tụ hội nơi "đất lành chim đậu", đến từ sự tử tế, nhân văn và nghĩa tình mà chính quyền và người dân Thành phố đã tạo dựng suốt bao năm.

Từ khi thành lập, Chính quyền Thành phố luôn chú trọng đến công tác an sinh xã hội, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững. Thành phố Hồ Chí Minh chính là nơi khởi xướng chương trình "Xóa đói giảm nghèo" vào tháng 2 năm 1992, với mục tiêu đến ngày 30 tháng 4 năm 1995 sẽ xóa được hộ đói, cơ bản giải quyết được cái ăn hằng ngày và chống tái đói. Đến cuối năm 2020, Thành phố đã hoàn thành mục tiêu "cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo Thành phố". Giờ đây, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của Thành phố đã giảm xuống còn dưới 1% (số liệu năm 2024). Hệ thống y tế và giáo dục của thành phố không ngừng được đầu tư và nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân. Số lượng trường học các cấp, bệnh viện, trung tâm y tế không ngừng tăng lên, trang thiết bị y tế được hiện đại hóa, đội ngũ y, bác sĩ và giáo viên được đào tạo chuyên nghiệp.

Thành phố Hồ Chí Minh còn nổi bật với những hoạt động nhân văn, thể hiện tinh thần "nghĩa tình" sâu sắc. Trong 20 năm qua, thông qua Quỹ "Vì người nghèo", Thành phố đã xây dựng hơn 30.208 căn nhà và sửa chữa hơn 17.327 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn cùng với nhiều “cần câu cơm” giúp người dân thoát nghèo. Đặc biệt, trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát, Thành phố đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ người dân như: cây ATM gạo miễn phí, siêu thị - cửa hàng 0 đồng, bữa cơm nghĩa tình, nhà trọ giảm giá…

Noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh luôn quán triệt sâu sắc tư tưởng của Người về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, về sức mạnh của sự đoàn kết toàn dân, về tinh thần tự lực, tự cường và khát vọng hòa bình, thống nhất. Tự hào mang tên Bác, thành phố không ngừng đổi mới, sáng tạo, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, xây dựng một thành phố có kinh tế phát triển năng động, văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, xã hội văn minh, nghĩa tình, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

Một điều đáng trân trọng là tại Thành phố trẻ này, không chỉ những cựu chiến binh, những người đứng tuổi đã trải qua nhiều gian nan của thời cuộc hiểu được giá trị của hòa bình, tự do mà những người trẻ, những thanh, thiếu niên thế hệ 9X, 2000 giờ đây cũng có những hiểu biết đáng quý, đáng trân trọng về lịch sử giữ nước, về công ơn của Hồ Chủ tịch đối với đất nước. Nhiều người trẻ của Thành phố đã coi Hồ Chủ tịch như một “thần tượng”, một tấm gương sáng về đạo đức, về tinh thần học hỏi không ngừng, về lòng yêu nước để phấn đấu noi theo. Tại buổi lễ diễu binh diễn ra vào dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), trong biển người đến xem lễ, có không ít câu hát cất lên từ trái tim người trẻ: “Việt Nam, Hồ Chí Minh”.

Từ Bến cảng Nhà Rồng lịch sử, nơi cách đây hơn một thế kỷ, một người con ưu tú của dân tộc đã ra đi tìm đường cứu nước, Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay đã vươn mình trở thành một đô thị hiện đại, năng động, nghĩa tình. Ký ức về Bác vẫn sống mãi trong trái tim mỗi người dân thành phố, là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn, thôi thúc các thế hệ tiếp nối không ngừng phấn đấu, xây dựng Thành phố ngày càng giàu đẹp, văn minh, xứng đáng với tên gọi Thành phố Hồ Chí Minh - thành phố mang tên Người, thành phố của những khát vọng vươn xa.

Đọc thêm