Tự hào tinh thần của “con cháu Bà Trưng, Bà Triệu”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thể thao Việt Nam để lại nhiều dấn ấn ở các giải đấu khu vực và quốc tế, trong số đó có sự đóng góp không nhỏ của những “bông hồng thép”… Không chỉ có kinh nghiệm thi đấu với sức khoẻ dẻo dai mà họ còn luôn nỗ lực hết mình để mang vinh quang về cho đất nước, cho dân tộc. Phía sau những tấm huy chương là niềm đam mê, sự khổ luyện và một tinh thần thi đấu kiên cường, bứt phá - tinh thần con cháu bà Trưng, bà Triệu…
Những bóng hồng xinh đẹp của bóng đá nữ Việt Nam: Thanh Nhã, Hải Yến, Tuyết Dung.
Những bóng hồng xinh đẹp của bóng đá nữ Việt Nam: Thanh Nhã, Hải Yến, Tuyết Dung.

Lấp lánh những “bông hồng thép”

Nguyễn Thị Ánh Viên sinh ngày 9 tháng 11 năm 1996 tại ấp Ba Cau, xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ. Cô là cựu nữ vận động viên bơi lội thuộc Đoàn Thể thao Quân đội và Đội tuyển Bơi lội Quốc gia Việt Nam. Khi 19 tuổi cô đã giành 8 huy chương vàng, 1 huy chương bạc, 1 huy chương đồng cho Việt Nam và phá 8 kỷ lục và được công nhận là vận động viên ngoài Singapore xuất sắc nhất tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2015 ở Singapore. Với 8 huy chương vàng giành được, Ánh Viên là người giành nhiều huy chương vàng thứ 2 sau vận động viên bơi lội nam Joseph Schooling của Singapore tại SEA Games 28. Cô còn đứng thứ 25 thế giới cự ly 400m tự do của nữ và thứ 9 thế giới nội dung 400m hỗn hợp. Năm 2015, cô là đại úy quân đội trẻ nhất tại Việt Nam và được tặng Huân chương lao động hạng nhì. Cô cũng là vận động viên duy nhất của Việt Nam, từ khi hội nhập 1993, được đầu tư trọng điểm. Việc tập huấn dài hạn trong 6 năm tại Florida, Hoa Kỳ, cường quốc số 1 về bơi lội của cô có kinh phí lên tới gần 7 tỷ đồng…

Quách Thị Lan không còn xa lạ với điền kinh Việt Nam. Dù bắt đầu sự nghiệp khá muộn khi đã 16 tuổi nhưng nữ vận động viên này đã có những bước tiến vượt bậc trong những năm gần đây. Cô giành rất nhiều huy chương tại SEA Games, ASIAD, giải vô địch điền kinh Châu Á,... Mới đây, Quách Thị Lan vừa góp mặt ở bán kết nội dung 400m rào nữ tại Olympic Tokyo 2020.

Tháng 8/2021, Quách Thị Lan lập nên kỳ tích khi trở thành VĐV đầu tiên của Việt Nam giành quyền lọt vào vòng bán kết một nội dung thi đấu của bộ môn điền kinh tại Thế vận hội. Chiến tích tại Olympic Tokyo 2020 trên xứ sở “Hoa anh đào” thêm một lần nữa khẳng định tài năng, đẳng cấp, sự đóng góp của nữ VĐV sinh năm 1995 cho thể thao Việt Nam. Quách Thị Lan đã có bảng vàng thành tích rất ấn tượng như: HCV ASIAD 2018, vô địch châu Á 2017, nhiều lần giành HCV tại giải điền kinh Grand Prix châu Á, HCV SEA Games, vô địch quốc gia nhiều năm liền.

Phạm Thị Hồng Lệ đổ gục trên đường chạy sau khi về đích.

Phạm Thị Hồng Lệ đổ gục trên đường chạy sau khi về đích.

Ít ai biết, phía sau những thành tích đó, Quách Thị Lan đã phải vật lộn với chấn thương và bỏ lỡ một số giải đấu. Năm 2021 đã đánh dấu sự trở lại đầy ấn tượng của chân chạy này. Cô đã dồn toàn lực để chuẩn bị tham gia Olympic Tokyo 2020. Sự nỗ lực, cố gắng không ngừng đã giúp Quách Thị Lan thi đấu một cách “sòng phẳng” với 40 VĐV hàng đầu thế giới ở nội dung 400m vượt rào nữ và đạt được kết quả ấn tượng, ngoài mong đợi trên đất Nhật Bản.

Năm 2022 Quách Thị Lan sẽ có sự chuẩn bị tốt nhất cho Đại hội Thể thao Đông Nam Á -SEA Games lần thứ 31 tổ chức tại Việt Nam, Đại hội thể thao châu Á - ASIAD lần thứ 19 tại Trung Quốc và Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ 9.

Nhắc đến Phạm Thị Hồng Lệ, người hâm mộ thể thao Việt Nam nhớ ngay đến hình ảnh cô gái nhỏ nhắn nỗ lực hết sức mình ở đường chạy 42km tại SEA Games 30. Mặc dù không giành được tấm HCV ở nội dung đó, nhưng tấm HCĐ mà Lệ giành được thậm chí còn quý hơn vàng. Bởi đây là thành quả mà Lệ khổ luyện trong quãng thời gian dài, cô đã phải đổ rất nhiều mồ hôi, công sức và đến khi về đích, cô gái quê ở Bình Định đã phải thở oxy và nhờ hỗ trợ của các bác sĩ.

Phạm Thị Hồng Lệ vỡ oà sung sướng, hạnh phúc sau khoảnh khắc phá kỷ lục quốc gia ở nội dung 10.000m.

Phạm Thị Hồng Lệ vỡ oà sung sướng, hạnh phúc sau khoảnh khắc phá kỷ lục quốc gia ở nội dung 10.000m.

Hơn 2 năm sau khi kiệt sức ở vạch đích đó, khi nhắc lại kỷ niệm, Lệ vẫn cảm thấy bồi hồi, xúc động: “Đến thời điểm này khi nhớ lại ký ức đó tôi vẫn cảm thấy hồi hộp và xúc động. Kỳ SEA Games 2019 đã cho tôi những bài học để rút ra những kinh nghiệm, biết mình yếu ở đâu để khắc phục.

Đối với một vận động viên khi thi đấu huy chương chỉ là một phần và tôi cũng như những vận động viên khác luôn chiến đấu hết mình vì màu cờ sắc áo, vì danh dự bản thân. Do đó việc kiệt sức ở vạch đích là điều thường xuyên xảy ra nhất là khi gặp những đối thủ mạnh”.

Mặc dù dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng rất nhiều tới kế hoạch tập luyện và thi đấu, nhưng Lệ cũng như các đồng đội của mình đã vượt qua tất cả. Đặc biệt, ở giải vô địch điền kinh Quốc gia 2021, Lệ đã phá kỷ lục quốc gia ở nội dung 10.000m với thành tích 34 phút 01 giây 59.

Năm nay khi SEA Games 31 được tổ chức trên sân nhà, Hồng Lệ chính là niềm hy vọng vàng của Thể thao Việt Nam ở cự ly của mình. Vận động viên 24 tuổi ý thức được nhiệm vụ, trọng trách lớn lao của mình và đây cũng là cơ hội không thể tốt hơn để cô chinh phục tấm HCV ở đấu trường khu vực.

Và “vỡ òa” niềm hạnh phúc bóng đá nữ

Với chiến thắng 2-1 trước Đài Bắc Trung Hoa, thầy trò HLV Mai Đức Chung giành chiếc vé đến vòng chung kết World Cup nữ 2023. Thành công này được ví như cổ tích. Tuy nhiên, để tạo nên hành trình cổ tích đó, thầy trò HLV Mai Đức Chung phải vượt qua những thách thức cam go, nghiệt ngã nhất…

Ngay sau khi những lá thăm định mệnh đưa đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam rơi vào bảng C với những anh hào châu lục như Nhật Bản, Hàn Quốc cùng đối thủ nhiều duyên nợ là Myanmar, thử thách đầu tiên đã đặt ra với thầy trò HLV Mai Đức Chung. Để chuẩn bị cho hành trình phía trước vốn dĩ rất cam go, việc tìm địa điểm cho các trận đấu chuẩn bị cũng hết sức gian nan khi hầu hết các nước nằm trong kế hoạch tập huấn hoặc đều từ chối, hoặc buộc toàn đội phải cách ly 14 ngày theo quy định của quốc gia sở tại.

Thế rồi, duy nhất Tây Ban Nha tạo điều kiện tối đa, song cái lạnh ở đây trái ngược hoàn toàn với thời tiết nắng nóng tại Ấn Độ- nơi diễn ra vòng chung kết giải Bóng đá nữ châu Á ASIAN Cup nữ 2022. Không còn lựa chọn nào khác, đội tuyển nữ Việt Nam chấp nhận tập huấn tại quốc gia này. Thế nhưng, mọi khó khăn dường như chỉ mới bắt đầu khi kết thúc đợt tập huấn, hầu hết các thành viên của đội tuyển nữ Việt Nam đều dương tính SARS-CoV-2. Chính điều này buộc thầy trò HLV Mai Đức Chung chia thành nhiều tốp để sang Ấn Độ, sau khi được xét nghiệm âm tính.

Sự khủng hoảng nghiêm trọng về lực lượng đến độ có thời điểm, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và ban huấn luyện tính đến phương án không thi đấu do thiếu hụt lực lượng, cũng như để bảo đảm sức khỏe và sự an toàn cho các cầu thủ, chấp nhận thua 0-3 ở trận mở màn gặp Hàn Quốc vào ngày 21/1.

Dù biết khó khăn nhưng thủ quân Huỳnh Như cùng các đồng đội đều xác định, không để phai nhạt “màu cờ, sắc áo” cũng như vì thể diện quốc gia và quyết tâm: “Có bao nhiêu sức, sẽ thi đấu bấy nhiêu và không làm xấu đi tên gọi Việt Nam”. Có thể nói, câu nói này làm chúng ta nhớ đến câu nói nổi tiếng của chị Út Tịch: “Còn cái lai quần cũng đánh”, đấy là sức mạnh tinh thần.

Không có được sự chuẩn bị tốt nhất cũng như nhiễm Covid-19 ảnh hưởng nhiều đến phong độ cũng như thể lực của từng cầu thủ. Thế nhưng bằng ý chí, bản lĩnh và tinh thần không bỏ cuộc, thầy trò HLV Mai Đức Chung lần lượt vượt qua những thử thách: từ năng lực chuyên môn của đối phương, thời tiết và quá nhiều khó khăn nội tại để hoàn tất hành trình lịch sử của mình.

Có lẽ vì thế mà ngay sau khi trận đấu quyết định với chiến thắng 2-1 trước Đài Bắc Trung Hoa, HLV Mai Đức Chung không giấu xúc động, chia sẻ: “Sau khi trận đấu kết thúc, chúng tôi vỡ òa trong hạnh phúc. Bởi toàn đội trải qua quá nhiều khó khăn, trắc trở; thậm chí, có lúc tưởng chừng phải bỏ cuộc. Thế nhưng cuối cùng, chúng tôi vẫn giữ được lời hứa với người hâm mộ giành được chiếc vé đến với World Cup nữ 2023”.

Đội trưởng Huỳnh Như bày tỏ: “Đây là nỗ lực tuyệt vời của toàn đội. Mọi người không chấp nhận bỏ cuộc từ những ngày đầu tiên đến tận những giây cuối cùng. Vì thế, tôi muốn cám ơn tất cả đồng đội và đặc biệt người hâm mộ luôn đồng hành và cổ vũ cho đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam. Đây không chỉ là niềm hạnh phúc lớn lao của từng cá nhân cầu thủ mà còn là niềm tự hào của Việt Nam khi lần đầu tiên, chúng ta giành được vé đến World Cup. Qua đây tôi cũng muốn gửi thông điệp đến các cầu thủ trẻ: hãy luôn nỗ lực và cố gắng, các chị đã làm được, các em cũng sẽ làm được”.

Và nói như cầu thủ Hải Yến, câu chuyện vào sân chơi World cup, sau khi hoàn thành ước mơ của mình thì ước mơ của dân tộc cũng được thực hiện.

Ngay sau khi Đội tuyển bóng đá nữ quốc gia giành chiến thắng 2-1 trước Đội tuyển nữ Đài Bắc Trung Hoa tại lượt trận play-off để lần đầu tiên trong lịch sử giành quyền tham dự World Cup, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương, khen ngợi toàn thể các cầu thủ và Ban Huấn luyện. Chủ tịch nước bày tỏ niềm vui, niềm tự hào của người hâm bộ Việt Nam khi dõi theo cả quá trình tập luyện và thi đấu, nhất là được chứng kiến những giây phút các cầu thủ bóng đá Nữ Việt Nam làm nên chiến thắng, ghi dấu mốc lịch sử đối với nền bóng đá Việt Nam.

Đây là một thành tích xứng đáng có được từ những nỗ lực không biết mệt mỏi, ý chí Việt Nam, quyết tâm sắt đá, tinh thần khắc phục mọi khó khăn của một tập thể đoàn kết, tài năng, dưới sự dẫn dắt của Huấn luyện viên Mai Đức Chung. Chủ tịch nước cho rằng, người hâm mộ Việt Nam tự hào về tinh thần quả cảm, tinh thần của những “con cháu Bà Trưng, Bà Triệu” mà các “nữ chiến binh áo đỏ” đã thể hiện. Lịch sử Bóng đá Việt Nam sẽ mãi ghi nhận dấu mốc đáng tự hào này. Việt Nam sẽ tham gia một Giải Vô địch Bóng đá thế giới, bởi chúng ta đã dám ước mơ và đã nỗ lực hết mình vì giấc mơ đó…