Đồng chí Đặng Hoàng Oanh, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Tư pháp: Nhiều kết quả đáng ghi nhận sau 5 năm thành lập và phát triển
Thực hiện chủ trương rà soát, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Tư pháp, Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tại tỉnh Đắk Lắk và giải thể Trường Trung cấp Luật Buôn Ma Thuột. Đây là quyết định hoàn toàn đúng đắn, kịp thời của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp trong việc sắp xếp và đổi mới hệ thống tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ theo chủ trương của Đảng, Chính phủ.
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh. |
So với bề dày truyền thống và lịch sử phát triển của các đơn vị đào tạo khác thuộc Bộ như Học viện Tư pháp và đặc biệt là Trường Đại học Luật Hà Nội tại Trụ sở chính, Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tại tỉnh Đắk Lắk là cơ sở đào tạo trẻ, đang từng bước tạo dựng uy tín, sự tín nhiệm của người học trên địa bàn và khu vực lân cận.
Những ngày đầu thành lập, Phân hiệu tại tỉnh Đắk Lắk đã gặp nhiều khó khăn, thách thức về nhân lực, tổ chức bộ máy, thu hút và tuyển dụng giảng viên, việc quảng bá và tuyển sinh nhưng với sự phối hợp, hỗ trợ và hướng dẫn sát sao từ Trụ sở chính, các đơn vị trong Bộ và đặc biệt là sự nỗ lực, phấn đấu với tinh thần trách nhiệm cao, sự quyết tâm chính trị và truyền thống đoàn kết của đội ngũ giảng viên, viên chức, người lao động, Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tại tỉnh Đắk Lắk đã vươn lên, đạt nhiều kết quả tích cực trên các mặt công tác, hoàn thành các nhiệm vụ, kế hoạch giảng dạy và nghiên cứu khoa học với nhiều kết quả cụ thể, đóng góp thiết thực vào thành công chung của Trường, của Bộ.
TS Chu Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội: Chặng đường đầu tiên của quá trình phát triển Phân hiệu
Năm 2019 thật đặc biệt: Kỷ niệm 40 năm Ngày truyền thống của Trường Đại học Luật Hà Nội; hình thành Mạng lưới các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam (Trường Đại học Luật Hà Nội sáng lập và là Trưởng ban Điều hành nhiệm kỳ đầu tiên) và thành lập Phân hiệu Trường Đại học luật Hà Nội tại tỉnh Đắk Lắk.
Đắk Lắk, trung tâm của Tây Nguyên, địa bàn trọng yếu về an ninh chính trị và có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Tây Nguyên, miền Trung và cả nước. Vì thế, yêu cầu về nguồn nhân lực có chất lượng đặt ra hết sức bức thiết.
Với định hướng của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp; sự ủng hộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo; sự quan tâm của Tỉnh ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk, thành phố Buôn Ma Thuột; Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tại tỉnh Đắk Lắk đã được thành lập vào tháng 2/2019 và tổ chức đào tạo từ năm học 2019 - 2020. Thành lập Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tại tỉnh Đắk Lắk có những thuận lợi và không ít khó khăn, nhưng vượt lên tất cả là sự nỗ lực cố gắng của Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Trung cấp Luật Buôn Ma Thuột (nay là Phân hiệu).
TS Chu Mạnh Hùng. |
Vừa ổn định tổ chức bộ máy nhân sự, vừa tổ chức hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học và vừa cùng cả nước phòng chống dịch Covid-19 nhưng khóa đầu tiên đã tốt nghiệp đúng niên hạn. Khoảng thời gian 5 năm - chặng đường đầu tiên của quá trình hình thành và phát triển nhưng vị trí của Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tại tỉnh Đắk Lắk đã được xác lập trên bản đồ đào tạo luật.
Với 45 năm hình thành và phát triển, Trường Đại học Luật Hà Nội tiếp tục khẳng định vị thế khi có thêm một địa chỉ đào tạo tại một địa bàn trọng yếu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Tây Nguyên; đảm bảo an ninh quốc phòng và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
TS Đoàn Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội: Phân hiệu tròn 5 năm tuổi tự tin, vững bước vào giai đoạn phát triển mới
Sự ra đời của Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tại tỉnh Đắk Lắk là dấu mốc quan trọng của Nhà trường trên con đường phát triển mạnh mẽ trở thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật theo Quyết định số 549/QĐ-TTg ngày 4/4/2013 và hiện nay là Quyết định số 1156/QĐ-TTg ngày 30/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể “Tiếp tục xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật”.
TS Đoàn Trung Kiên. |
Trong 5 năm qua, bên cạnh những thuận lợi, Phân hiệu cũng gặp không ít khó khăn, tuy nhiên dưới sự lãnh đạo, quản trị, quản lý, điều hành sát sao, kịp thời của Đảng ủy, Hội đồng Trường, Ban Giám hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội, tập thể lãnh đạo, các thầy giáo, cô giáo, viên chức, người lao động, sinh viên và học viên tại Phân hiệu đã đoàn kết, chủ động, sáng tạo triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ được giao, đóng góp thiết thực vào thành công chung của Trường Đại học Luật Hà Nội.
Chặng đường tiếp theo, tôi tin tưởng và mong muốn rằng, mỗi các thầy giáo, cô giáo, viên chức, người lao động của Phân hiệu luôn là tấm gương sáng; mỗi sinh viên, học viên tại Phân hiệu là những bông hoa tươi đẹp cùng tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, chủ động, nỗ lực vượt khó, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, xây dựng Phân hiệu ngày càng phát triển, góp phần khẳng định uy tín, vị thế của Trường Đại học Luật Hà Nội trong công tác đào tạo nguồn nhân lực pháp luật chất lượng cao ở khu vực Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung Bộ và cả nước.
ThS Nguyễn Hùng Vừa, Phó Giám đốc phụ trách Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội: Khát vọng vươn lên sau 5 năm thành lập Phân hiệu
Thời gian thấm thoắt thoi đưa thật nhanh, nhớ hồi này năm ấy, khi chỉ còn một ngày nữa là đến ngày 10/3/2019, kỷ niệm 44 năm ngày giải phóng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975, mở màn thắng lợi cho chiến dịch Tây Nguyên, tạo bước ngoặt lịch sử quan trọng, thúc đẩy nhanh tiến trình của cuộc Tổng tiến công và nổi dật mùa Xuân 1975, với đỉnh cao là thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước. Sáng 9/3/2019, Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk, Trường Đại học Luật Hà Nội cùng phối hợp long trọng tổ chức Lễ công bố Quyết định số 310/QĐ-BGDĐT ngày 12/2/2019 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc thành lập Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tại tỉnh Đắk Lắk.
Những ngày đầu đi vào hoạt động, nhất là trong giai đoạn từ năm 2020-2022, một mặt Phân hiệu vừa phải triển khai sắp xếp ổn định tổ chức, hình thành bộ máy, thành lập các tổ chức chính trị - xã hội, ban hành các nội quy, quy chế, quyết định phân cấp ủy quyền, xét chuyển chức danh nghề nghiệp từ giáo viên trung học sang chức danh giảng viên đại học, mặt khác phải bắt tay ngay vào công tác tuyển sinh hệ đại học chính quy đầu tiên năm học 2019-2020 tại Phân hiệu, có những thời điểm công việc bị ngưng trệ do dịch bệnh Covid-19 bùng phát và có nhiều biến động khôn lường. Song tập thể lãnh đạo, viên chức và người lao động của Phân hiệu với khát vọng vươn lên đã đoàn kết, chủ động, sáng tạo, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả để triển khai nhiệm vụ được giao và đã đạt được kết quả tích cực trên tất cả các mặt công tác.
ThS Nguyễn Hùng Vừa. |
Tôi TRÂN TRỌNG với những thành tựu, kết quả mà Phân hiệu đã đạt được sau 5 năm thành lập; BIẾT ƠN vì đã được Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh Đắk Lắk và Trường Đại học Luật Hà Nội trao cho cơ hội để có được kết quả như ngày hôm nay và CẢM ƠN về sự quan tâm của Ban Cán sự Đảng và Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo; sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả của các đơn vị liên quan thuộc Bộ Tư pháp và các ban, sở, ngành tỉnh Đắk Lắk; sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Đảng ủy, Hội đồng Trường và Ban Giám hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội; sự hướng dẫn, phối hợp thường xuyên của các đơn vị thuộc Trường; sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của tập thể lãnh đạo, viên chức, người lao động Phân hiệu nói riêng và Trường Đại học Luật Hà Nội nói chung trong triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao, đóng góp thiết thực vào thành công chung của Trường Đại học Luật Hà Nội.
Bước sang giai đoạn phát triển trong 5 đến 10 năm tới, từng thành viên trong ngôi nhà chung Phân hiệu nhận thức rất rõ trách nhiệm của mình: “Mỗi thầy giáo, cô giáo, viên chức, người lao động Trường Đại học Luật Hà Nội nói chung và Phân hiệu tại tỉnh Đắk Lắk nói riêng luôn là những tấm gương sáng, mẫu mực về phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, không ngừng học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp để tiếp tục xây dựng Phân hiệu ngày càng phát triển, góp phần khẳng định uy tín, vị thế của Trường Đại học Luật Hà Nội trong công tác đào tạo nguồn nhân lực pháp luật chất lượng cao ở Khu vực Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung Bộ và cả nước” như mong muốn của đồng chí Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trong Thư chúc mừng nhân dịp Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tại tỉnh Đắk Lắk tròn 5 năm thành lập.
Với khát vọng cháy bỏng xây dựng Phân hiệu ngày càng lớn mạnh và phát triển bền vững, bên cạnh tiếp tục kế thừa và phát huy kết quả, thành tựu đạt được trong 5 năm qua của Phân hiệu và các giá trị truyền thống với bề dầy lịch sử 45 năm của Trường Đại học Luật Hà Nội, chúng tôi, tập thể viên chức và người lao động Phân hiệu ước mong rằng, trong mọi hoạt động và từng bước đi của mình sẽ tiếp tục nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm, giúp đỡ của Ban Cán sự Đảng và Lãnh đạo Bộ Tư pháp, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Đắk Lắk và các ban, sở, ngành tại địa phương và trực tiếp là Trường Đại học Luật Hà Nội, Phân hiệu sẽ tiếp tục đóng góp một phần nhỏ bé của mình cùng với Trường Đại học Luật Hà Nội trong công tác tuyển sinh và đào tạo nguồn nhân lực pháp luật chất lượng cao cho khu vực và cả nước nói chung
TS Vũ Tuấn Anh, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Đắk Lắk: Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tại Đắk Lắk - Nơi đào tạo nguồn nhân lực pháp luật chất lượng cao cho đại ngàn Tây Nguyên
Đại học Luật Hà Nội là cái tên để lại cho tôi nhiều kỷ niệm khi còn là sinh viên khóa 23 Khoa Pháp luật Kinh tế - quốc tế; còn Phân hiệu lại để cho tôi nhiều ấn tượng, kỷ niệm khi tôi vào TP Buôn Ma Thuột sinh sống và làm việc.
Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Luật Hà Nội, tôi quyết định vào tỉnh Gia Lai nhận công tác tại cơ quan kiểm tra Đảng của tỉnh Gia Lai. Năm 2008, tôi chuyển về TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk sinh sống và làm việc tại Cục THADS tỉnh Đắk Lắk; với trình độ chuyên môn là Thạc sỹ Luật, tôi được Trường trung cấp Luật Buôn Ma Thuột (tiền thân Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tại tỉnh Đắk Lắk ngày nay) mời về làm giảng viên thỉnh giảng bộ môn Pháp luật về THADS. Lần đầu tiên đứng trên giảng đường, qua các buổi dạy học, các chương trình trò chuyện với các em sinh viên, tôi cảm nhận được nhiệt huyết, khao khát được học tập, tìm hiểu pháp luật Việt Nam của các em sinh viên nói chung và một số em sinh viên là người dân tộc thiểu số nói riêng.
TS Vũ Tuấn Anh. |
Giai đoạn này, Trường Trung cấp Luật Buôn Ma Thuột chỉ nhỏ bé như một khoa đào tạo chuyên môn của các trường đại học trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và do mới chuyển địa điểm từ xã Hòa Thắng về phường Tân An, TP Buôn Ma Thuột; cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy và học tập còn thiếu thốn, nhưng thời điểm đó, tôi đã tin chắc rằng với tinh thần đoàn kết vượt khó khăn của tập thể Ban giám hiệu cùng đội ngũ giảng viên của Nhà trường, tinh thần hiếu học của các em sinh viên và với tiềm năng hiện có thì không lâu nữa, Phân hiệu sẽ trưởng thành, lớn mạnh thành nơi đào tạo cử nhân Luật như các trường đại học khác.
Với trách nhiệm của người cựu sinh viên đã từng được học tập tại trường và là người đang phối hợp với Nhà trường trong công tác giảng dạy, tôi mong muốn Nhà trường phân bổ thêm nhiều thời lượng báo cáo thực tiễn do các giảng viên, báo cáo viên kiêm chức báo cáo để sinh viên có thể tiếp cận nhiều hơn tới thực tiễn của từng lĩnh vực nghề nghiệp, giúp các em có sự hình dung, định hướng rõ ràng nghề nghiệp sau khi đã trau dồi kiến thức lý thuyết khi còn ngồi trên giảng đường. Tôi cũng hy vọng trong thời gian tới, Phân hiệu ngoài các chương trình đào tạo cử nhân, thạc sĩ Luật, sẽ là cơ sở đào tạo tiến sĩ Luật để nâng cao hơn nữa trình độ lý luận cho những người có nhu cầu được đào tạo.
Với giá trị cốt lõi: Con người - Chất lượng - Thương hiệu - Hội nhập và với triết lý đào tạo: Tạo nên những con người ham học hỏi, biết làm việc, sẵn sàng bảo vệ công lý, phục vụ Nhân dân và phụng sự Tổ quốc của Trường Đại học Luật Hà Nội nói chung và Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tại tỉnh Đắk Lắk nói riêng. Tôi tin tưởng rằng Nhà trường sẽ hoàn thành sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu, chuyển giao các sản phẩm khoa học pháp lý có chất lượng cao; truyền bá tư tưởng pháp lý phục vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa - hội nhập quốc tế và là nơi tạo nguồn nhân lực pháp luật chất lượng cao cho đại ngàn Tây Nguyên.
ThS Ngô Văn Đà, Phó Trưởng phòng Phòng Tổ chức, hành chính, thông tin, tư liệu, Trường Chính trị tỉnh Đắk Lắk, cựu học viên Lớp Cao học Luật Kinh tế: Địa chỉ đào tạo tin cậy ở khu vực Tây Nguyên
Buôn Ma Thuột, tháng 4/2019… Quay về thời gian 5 năm về trước, đó là khoảng thời gian khi tôi được biết đến Trường Đại học Luật Hà Nội tuyển sinh trình độ thạc sĩ tại tỉnh Đắk Lắk và địa điểm đào tạo là tại Phân hiệu của Trường, đơn vị được thành lập vào tháng 2 năm đó.
Đối với tôi và các bạn học viên cao học cùng khóa, việc học tập tại ngôi trường có bề dày truyền thống và uy tín trong đào tạo các ngành luật của cả nước là một niềm vinh dự, cũng là một sự an tâm về những kiến thức, kỹ năng mà mình sẽ tiếp thu được trong quá trình học tập, cũng như giá trị của tấm bằng thạc sĩ sau khi tốt nghiệp.
ThS Ngô Văn Đà. |
TP Buôn Ma Thuột là trung tâm của vùng Tây Nguyên có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, quốc phòng an ninh của cả nước. Việc thành lập Phân hiệu tại tỉnh Đắk Lắk chính là cánh tay nối dài của Trường Đại học Luật Hà Nội, giúp Nhà trường thực hiện được nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực pháp luật chất lượng cao, góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Lắk nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung.
Trong bối cảnh còn ít các cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn các tỉnh khu vực Tây Nguyên thì việc một trường đại học uy tín của cả nước mở Phân hiệu tai địa phương đã tạo điều kiện cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số có cơ hội được tiếp cận với môi trường đào tạo chuyên nghiệp và có thương hiệu ngay tại quê hương mình.
Người ta thường nói, có những sự gặp gỡ là cái duyên, nhưng cũng có những sự gặp gỡ là do lựa chọn. Với niềm yêu thích ngành luật, với mong muốn được tìm hiểu kiến thức chuyên sâu, nâng cao về pháp luật, tôi cũng như nhiều người khác đã tiếp tục theo đuổi con đường học tập ở trình độ cao hơn. Lựa chọn môi trường học tập tại Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tại tỉnh Đắk Lắk, được đào tạo bởi trường đại học trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật của cả nước, chúng tôi đã được tiếp cận nguồn tri thức mới, cách làm việc khoa học và trau dồi thêm những kỹ năng cần thiết phục vụ cho công việc và cuộc sống.
Ngay từ thời điểm tuyển sinh đầu vào, đến khi tham gia thi tuyển và sau này khi tổ chức lớp học, chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm sát sao của Lãnh đạo Trường Đại học Luật Hà Nội, Lãnh đạo Phân hiệu, sự hỗ trợ nhiệt tình của viên chức và người lao động tại Phân hiệu cũng như quý thầy, cô từ Trụ sở chính của Trường. Tại môi trường học tập này, chúng tôi có cơ hội được gặp gỡ, được truyền dạy kiến thức bởi các nhà giáo, nhà khoa học có trình độ chuyên môn cao, đầy nhiệt huyết và tận tâm với người học, trong đó có những giáo sư, phó giáo sư đầu ngành. Những bài giảng sâu sắc và thu hút của thầy, cô đã tiếp thêm động lực cho chúng tôi học tập, nghiên cứu. Cho đến nay, sau hơn 2 năm tốt nghiệp ra trường, tôi vẫn luôn trân quý khoảng thời gian được học tập tại Phân hiệu, trân trọng những sự gặp gỡ và mối liên hệ mà tôi vẫn giữ với quý thầy, cô hiện đang công tác và giảng dạy tại Trường.
Chặng đường 5 năm hình thành và phát triển của Phân hiệu là quãng thời gian chưa dài, nhưng cũng đã đủ để Phân hiệu tạo được những dấu ấn trong tuyển sinh và đào tạo ngành luật tại địa phương và khu vực, ở tất cả các trình độ đào tạo, hình thức đào tạo. Tôi cũng hiểu rằng, bên cạnh những thuận lợi của Trường Đại học Luật Hà Nội nói chung cũng như Phân hiệu tại tỉnh Đắk Lắk nói riêng cũng sẽ phải vượt qua nhiều khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Tuy nhiên, tôi tin tưởng rằng, với tinh thần trách nhiệm cao của Lãnh đạo Nhà trường và Phân hiệu, với nhiệt huyết, lòng yêu nghề, yêu trò của tập thể quý thầy cô giáo, Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tại tỉnh Đắk Lắk sẽ là địa chỉ đào tạo tin cậy, là điểm đến của nhiều thế hệ sinh viên, học viên trong quá trình học tập, bổ sung tri thức để không ngừng hoàn thiện bản thân.
Nhân dịp kỷ niệm 5 năm thành lập Phân hiệu, tôi xin kính chúc Lãnh đạo Trường Đại học Luật Hà Nội, Lãnh đạo Phân hiệu cùng toàn thể quý thầy cô của Trường luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công. Chúc Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tại tỉnh Đắk Lắk ngày càng phát triển vững mạnh.
Quản Phạm Anh Thương, Sinh viên khóa 48 Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tại tỉnh Đắk Lắk: Tự hào khi được học tại Phân hiệu
Yousafzai từng nói rằng: “Một cuốn sách, một cây bút, một đứa trẻ và một giáo viên có thể thay đổi cả một thế giới”. Có lẽ câu nói này rất đúng với ngành luật - ngành nghề của sự nhiệt huyết, tìm tòi không ngừng trong quá trình học hỏi. Là ngành nghề của tinh thần trách nhiệm, không chùn bước trước những khó khăn, lòng trắc ẩn, sự dũng cảm, tinh thần nghĩa hiệp trong quá trình đi tìm và bảo vệ công lý, lẽ phải và sự công bằng.
Nếu nhận được câu hỏi rằng: “Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội trong em là gì?”, em nghĩ mình sẽ không ngần ngại mà khẳng định: “Trong em, Trường chính là niềm tin, niềm tự hào sâu sắc và là tình yêu to lớn nhất trong vô vàn những tình yêu to lớn".
Sinh viên Quản Phạm Anh Thương. |
Với niềm đam mê và yêu thích dành cho ngành luật, em đã không một chút đắn đo khi đặt Trường là nguyện vọng cao nhất của mình. Vì qua tìm hiểu, em biết được rằng Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tại tỉnh Đăk Lăk đến nay đã có bề dày 5 năm hình thành và phát triển. Trường Đại học Luật Hà Nội tại tỉnh Đăk Lăk đã phát triển khá toàn diện, vững chắc với đội ngũ giảng viên có nghiệp vụ cao, năng lực, phẩm chất tốt; cơ sở vật chất ngày càng được cải thiện, đáp ứng yêu cầu đào tạo cán bộ pháp luật cho đất nước trong tiến trình hội nhập quốc tế và phát triển bền vững.
Trường đã khẳng định được uy tín, thương hiệu của mình trong ngành giáo dục cả nước - là ngôi trường mơ ước của nhiều thế hệ học sinh, phụ huynh. Hoạt động đào tạo tại Trường được thực hiện theo đúng quy chế của Trường Đại học Luật Hà Nội và các quy định hiện hành. Chất lượng giảng dạy, học tập được chú trọng và không ngừng nâng cao. Với đội ngũ giảng viên cũng như sinh viên của Trường luôn cố gắng, nỗ lực đạt được nhiều thành tích trong giảng dạy hay học tập và rèn luyện.
Chính vì vậy, em tin rằng đây sẽ là một môi trường tốt, phù hợp để em có thể theo đuổi và nuôi dưỡng ước mơ, đam mê của mình. Và có lẽ niềm vui mừng trong ngày đầu tiên tới trường làm thủ tục nhập học, được cầm trên tay giấy báo trúng tuyển sẽ là những cảm xúc bồi hồi, xao xuyến mà em không bao giờ quên được.
Với một sinh viên thích bay bổng, yêu văn thơ thì đôi khi em sợ rằng bản thân sẽ dễ như một chiếc lá bay vô định trong không trung. Nhưng khi đã được tìm hiểu về kiến thức Luật, được học Luật thì em thấy rõ bản thân được định hình lại, thay đổi được nhiều khịa cạnh hơn để rồi trở thành những cánh diều, vẫn vẫy vùng cùng nắng gió, nhưng luôn có một sợi dây neo giữ lại nơi mặt đất vững trãi. Đó là sợi dây của những quy định, nguyên tắc, lý lẽ và lập luận. Trải qua một học kỳ học tập tại Trường, em thấy rằng những kiến thức em nhận được từ thầy cô thật sự vô cùng hữu ích, điều này giúp em từng bước điều chỉnh chính mình về mức cân bằng, hợp lí hơn trong quá trình phát triển bản thân từng ngày. Không chỉ được học và tiếp nhận kiến thức từ những thầy cô giảng viên có trình độ chuyên môn cao, tận tâm, hết lòng vì sinh viên mà em còn được gặp những người bạn tốt, được lắng nghe, chia sẻ từ những anh chị đi trước đầy kinh nghiệm. Em nhận ra bản thân muốn được đến giảng đường, muốn được nghe thầy cô giảng về những kiến thức mới và muốn được nghiên cứu sâu hơn về những vấn đề mới.Với một xã hội đang ngày càng phát triển, cái cũ sẽ dần lu mờ, bị cái mới đào thải, em luôn nhắc nhở mình rằng phải biết tự trau dồi, trang bị kiến thức và kỹ năng thật tốt để bốn năm học tập tại Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tại Đắk Lắk thì bản thân không ngừng hoàn thiện và trở nên tốt hơn. Đồng thời, biết hòa nhập với môi trường xung quanh, biết lắng nghe, quan sát thật kỹ và phải tự tin vào bản thân cũng là những điều không thể thiếu. Có như thế thì bậc thang ước mơ mỗi ngày mới được rút gần lại và đường đến thành công sẽ trở nên dễ dàng hơn.
"Trường Đại học Luật Hà Nội mến yêu ơi
Nơi dạy ta khuôn phép cuộc đời
Nơi cho ta tình yêu và trí tuệ
Nhận rõ trắng đen, phải trái, vuông tròn…”
(Bài hát Trường Đại học Luật Hà Nội mến yêu)