Tư lệnh Mỹ vùng Thái Bình Dương sắp rời chức?

(PLO) - Đô đốc Harry Harris - Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ, người nổi tiếng với những chỉ trích việc Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông - dự kiến sẽ rời chức vào năm tới, Reuters dẫn lời các quan chức Mỹ cho hay.
Đô đốc Harry Harris
Đô đốc Harry Harris

Đô đốc Harris được Tổng thống Barack Obama bổ nhiệm vào năm 2015. 2 nguồn tin của Reuters cho hay, ông Harris dự kiến sẽ kết thúc nhiệm kỳ lãnh đạo Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ (PACOM) vào tháng 5 tới đây, sau 3 năm giữ cương vị này. Dù không có giới hạn chính thức nhưng hầu hết các tư lệnh PACOM sẽ phục vụ trong 3 năm.

Theo một quan chức Mỹ, thời điểm ông Harris rời chức vụ có thể sẽ diễn ra vào đúng tháng 5/2018 như những người tiền nhiệm. Tuy nhiên, cho đến nay, tiến trình thay thế ông - vốn bắt đầu bằng việc Tổng thống gửi danh tính người được đề cử thay lên Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ - vẫn chưa bắt đầu. “Chuyện này chắc chắn chưa được tiến hành. Tôi đoán việc đề cử có thể diễn ra vào mùa đông này”, vị quan chức giấu tên cho hay.

Song Người phát ngôn của PACOM - Đại tá Darryn James – trong một tuyên bố nói rằng những thông tin trên mới chỉ là tin đồn. “Hiện chưa có quyết định nào về thời điểm chuyển tiếp quyền hành sang tư lệnh kế tiếp”, ông James nhấn mạnh và giải thích rằng việc chuyển tiếp các tư lệnh chiến đấu là mỗi 3 năm và vì Đô đốc Harris nhậm chức Tư lệnh PACOM vào tháng 5/2015 nên người ta đoán nhiệm kỳ của ông sẽ chấm dứt vào tháng 5/2018. 

Một vài nguồn tin trong các quan chức Mỹ cũng nói rằng việc ra đi của ông Harris là một phần của việc luân chuyển cấp chỉ huy bình thường trong quân đội Mỹ. Vẫn theo các nguồn tin này, nếu Tổng thống Donald Trump cũng hành động theo như ông Obama, ông sẽ cần phải đề cử người thay thế Đô đốc Harris vào khoảng tháng 9 để Thượng viện kịp chuẩn thuận người này vào cuối năm nay.

Những đồn đoán về việc nghỉ hưu của ông Harris diễn ra trong lúc ông Trump được cho là đang tìm cách tranh thủ Trung Quốc để làm áp lực buộc Triều Tiên phải từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này. Hai năm trước, Đô đốc Harris từng khiến Trung Quốc nổi giận khi ví von các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng tại Biển Đông là một “vạn lý trường thành bằng cát” ngăn cản nước này với thế giới. Sau phát biểu này của ông tại Đối thoại Shangri-La, Trung Quốc - thông qua Đại sứ tại Mỹ Thôi Thiên Khải - từng yêu cầu Washington cách chức ông Harris. Bộ Ngoại giao Trung Quốc khi đó cho rằng tuyên bố của ông Harris là “không đúng sự thật và không đáng để phản hồi”.

Ở vị trí của mình, ông Harris sẽ báo cáo các vấn đề lên Tổng thống thông qua Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Jim Mattis. Việc bổ nhiệm người kế nhiệm ông được cho là sẽ được các đồng minh của Washington tại châu Á theo dõi chặt chẽ.

Các nguồn tin Mỹ nói rằng những người được cho là ứng viên sáng giá có thể thay thế ông Harris là Đô đốc Scott Swift - cũng là một người mạnh mẽ ủng hộ tự do hàng hải tại Biển Đông và các nơi khác, đồng thời tích cực thúc đẩy để Hạm đội 3 của Hải quân Mỹ đóng vai trò lớn hơn tại châu Á. Những ứng viên khác bao gồm Đô đốc Philip Davidson - Tư lệnh Bộ Chỉ huy các Lực lượng Hạm đội Mỹ và Đô đốc Bill Moran – Phó Tư lệnh Hải quân Mỹ. Các nhà phân tích cho rằng, trong bối cảnh các vị trí trong lực lượng hải quân thường đến từ một lực lượng khác, Tướng Terrence O’Shaughnessy – Chỉ huy lực lượng Không quân Mỹ ở Thái Bình Dương – cũng có thể là một ứng viên. 

Ông Harris đã và đang gánh trách nhiệm củng cố mối quan hệ liên minh của Mỹ tại châu Á trong bối cảnh có những quan ngại cho rằng việc ông Trump quyết định rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương và Thỏa thuận khí hậu Paris có thể là dấu hiệu cho thấy Mỹ rút khỏi vai trò toàn cầu. “Sự lãnh đạo của Mỹ có vai trò quan trọng đối với các đồng minh, các đối tác và ngay cả các đối thủ của chúng ta tại Ấn Độ Dương, châu Á-Thái Bình Dương”, ông Harris nói với Reuters hồi đầu tháng. 

Đọc thêm