Khó khăn lắm chúng tôi mới có được cuộc hẹn của Bộ trưởng Hà Hùng Cường vào những ngày cuối năm. Cuộc nói chuyện thi thoảng lại bị ngắt quãng bởi các cuộc điện thoại quan trọng. Ngoài phố, nhiều gia đình đã bắt đầu đi sắm Tết, chỉnh trang nhà cửa. Trong phòng làm việc, Bộ trưởng vẫn bộn bề với phiếu trình giải quyết công việc của các đơn vị chuyên môn, với kế hoạch tham dự hội nghị triển khai công tác tư pháp đầu năm của các tỉnh, thành phố trọng điểm.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường |
Tư pháp gần dân để “ăn sâu, bám rễ” vào đời sống xã hội
Ấn tượng của tôi đối với công tác Tư pháp năm qua là những đánh giá, trông chờ của người dân vào công tác tiền kiểm, hậu kiểm cũng như công tác theo dõi thi hành pháp luật. “Làm sao lại có chuyện phạt nặng đến thế xe không chuyển đổi quyền sở hữu? “Chứng minh thư sao phải ghi cả tên bố mẹ? Bộ Tư pháp đã có ý kiến như thế nào khi thẩm định?”, “Thịt lợn chỉ được bán trong vòng 8 tiếng sau khi giết mổ thì làm sao mà làm được? Bộ Tư pháp có “tuýt còi” không?”....là những câu hỏi mà nhiều người dân bình thường, vốn chỉ biết tới mớ rau, cân gạo hỏi nhau ngoài đường, ngoài chợ. Thì ra công tác tư pháp không còn là cái gì xa lạ, nó đã đi vào cuộc sống, rất gần và rất dễ hiểu đối với người dân.
Ấn tượng hơn là khi người đứng đầu ngành Tư pháp đứng lên nhận khuyết điểm với Chính phủ, với nhân dân vì chưa quán xuyến hết công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, còn để việc thẩm định máy móc, đi theo lối mòn. Người dân lại không “nỡ” trách ông, mà đồng tình với quyết tâm của ngành Tư pháp trong mục tiêu đột phá vào khâu thẩm định, qua đó nâng cao chất lượng thể chế, chính sách, đồng thời qua theo dõi thi hành pháp luật phải phản ứng nhanh nhạy, kịp thời với những bất cập của pháp luật.
Lần đầu tiên vào năm 2013 đã có quyết định thành lập Tổ công tác liên ngành để đôn đốc, tham gia ý kiến; thành lập một Hội đồng thẩm định để có ý kiến vào thẩm định tất cả 56 Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính vốn liên quan hàng ngày đến đời sống kinh tế - xã hội của người dân.
Dẫu biết vậy nhưng Bộ trưởng Hà Hùng Cường vẫn rất nhiều trăn trở. Ông tâm sự: “Công tác Tư pháp vẫn còn khoảng cách lớn để đáp ứng nhu cầu của người dân. Muốn để người dân hiểu hơn nữa về ngành Tư pháp thì trước mắt còn nhiều thách thức và còn nhiều việc phải làm lắm”.
Người đứng đầu ngành Tư pháp chia sẻ tâm tư, những năm gần đây, công tác Tư pháp đã được Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương dành nhiều sự quan tâm hơn. Năm 2013 là năm đầu tiên Chính phủ chủ trì hội nghị triển khai công tác Tư pháp với sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Kết luận Hội nghị của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc không chỉ khẳng định vai trò của ngành Tư pháp đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành mà còn nói “trúng” những vấn đề mà bấy lâu nay ngành còn nhiều trăn trở. Càng vui hơn khi Giám đốc Sở Tư pháp, Cục trưởng Cục THADS các tỉnh, thành phố cũng đều có quyết tâm cao, vào cuộc với Bộ, với Chính phủ để đẩy mạnh chuyển biến đồng bộ, toàn diện công tác Tư pháp, tạo bước ngoặt trong năm 2013.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường bộc bạch: “Đã nhiều năm gắn bó với công tác Tư pháp, điều tôi mừng nhất là từ sự chuyển biến trong nhận thức của người đứng đầu Chính phủ về công tác tư pháp đã được lan tỏa đến tất cả các cấp, các ngành. Đúng như Thủ tướng đã chỉ đạo, công tác Tư pháp không phải là công việc riêng của Bộ Tư pháp, của Sở Tư pháp hay của Pháp chế các Bộ mà là công tác của Chính phủ, của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, là công tác của các cấp chính quyền địa phương. Thủ tướng cũng nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác Tư pháp. Có sự chuyển biến về mặt nhận thức đó thì tin rằng công tác Tư pháp của 2013 trở đi sẽ chuyển biến một cách đồng bộ, sẽ góp phần thiết thực hơn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường đón Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tới dự Hội nghị toàn quốc triển khai công tác Tư pháp năm 2013 |
Phải đổi mới tư duy công tác theo dõi thi hành pháp luật
Nếu nói tới hiệu quả công việc, năm 2012 là năm ngành Tư pháp “thắng lớn”. Không khí đón Tết, vui xuân Quý Tỵ cũng vì thế mà rộn ràng hơn. Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhớ lại: “Trong những việc mà ngành Tư pháp đã làm, từ việc tham mưu giúp Chính phủ tổ chức tổng kết thi hành và nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, đến việc triển khai Luật xử lý vi phạm hành chính, tiếp nhận nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính, đẩy mạnh việc thi hành Luật Lý lịch tư pháp, nâng cao chất lượng công tác THADS... hầu hết đều là những việc rất quan trọng, một mặt nhằm thực hiện các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, mặt khác cũng là cơ hội để khẳng định hơn nữa vị thế, vai trò của ngành Tư pháp phù hợp với tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Trong đó, có những vấn đề hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ”.
Trong không khí rộn ràng ấy, đem kỳ vọng của Chính phủ, của người dân về một hệ thống thể chế, chính sách “ổn định và có tính dự báo cao” hỏi người đứng đầu ngành Tư pháp, Bộ trưởng nhận định: “Thời điểm này đặt vấn đề hệ thống thể chế phải có tính ổn định và dự báo cao là rất phù hợp”. Bởi Bộ trưởng tin rằng, Hiến pháp đang được tiến hành sửa đổi, bổ sung theo tinh thần Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) sẽ phù hợp với tình hình mới, và vì phù hợp với Cương lĩnh của Đảng thì sẽ có tính dự báo cho cả thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Với một Hiến pháp được sửa đổi bổ sung có tính dài hạn như vậy thì các luật được sửa đổi, bổ sung theo đó cũng có cơ sở để mang tính ổn định, tính dự báo cao hơn. Bộ trưởng cũng rất kỳ vọng Hiến pháp sửa đổi lần này sẽ tạo tiền đề quan trọng cho việc xây dựng một Luật Ban hành VBQPPL hợp nhất, “cố gắng làm gọn hình thức văn bản quy phạm pháp luật, xác định rõ hơn nội dung, thẩm quyền ban hành VBQPPL của các cấp, nhất là việc ủy quyền của Quốc hội cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cho các Bộ, cho chính quyền địa phương”.
Đang nói về Hiến pháp, bất chợt Bộ trưởng hỏi tôi có quan tâm tới cuộc tranh luận đang diễn ra khá sôi nổi xem TANDTC có được ban hành án lệ hay không? Ông bảo: “Tôi có nói trước Phiên giải trình của Uỷ ban pháp luật Quốc hội, nếu cứ tiếp tục để luật ban hành ra phải chờ hướng dẫn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, thậm chí phải chờ cả hướng dẫn của địa phương thì chắc là câu chuyện chậm ban hành văn bản hướng dẫn không thể khắc phục được cơ bản”. “Cái chính là phải đổi mới tư duy trong công tác thi hành pháp luật”, Bộ trưởng nói.
Mà đổi mới, theo Bộ trưởng thì “Luật ban hành ra phải thi hành được ngay. Người giải thích luật đấy chính là Tòa án. Và khi pháp luật chưa rõ ràng, khi pháp luật còn lỗ hổng thì để bù đắp vào đó, TANDTC qua xét xử giám đốc thẩm mà ban hành án lệ. Lúc đó, các Bộ không cần phải ban hành nhiều thông tư, thậm chí chính quyền các tỉnh cũng sẽ rất hạn chế trong việc ban hành VBQPPL, và cấp huyện, cấp xã thì nói chung không nên giao cho thẩm quyền ban hành VBQPPL. Như vậy hệ thống pháp luật sẽ đơn giản hơn, rõ ràng, minh bạch hơn, người dân dễ tiếp cận hơn và người thực thi pháp luật cũng dễ dàng thực hiện hơn. Có như thế thì pháp luật mới thực sự phát huy yếu tố xây dựng, yếu tố kiến thiết của nó. Người ta không nhìn pháp luật theo nghĩa pháp luật là một cái gì đó cấm đoán, trừng trị; mà nhìn thấy vai trò tích cực hơn của pháp luật trong việc kiến thiết công cuộc công nghiệp, hóa hiện đại hóa đất nước”.
Đúng là Bộ trưởng Hà Hùng Cường! Cả đời ông cứ đau đáu với “một hệ thống pháp luật đơn giản hơn, rõ ràng, minh bạch để người dân dễ tiếp cận hơn và người thực thi pháp luật cũng dễ dàng thực hiện hơn”. Tin rằng với quyết tâm của ông, ngành Tư pháp sẽ được Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân tin tưởng hơn. Người dân và doanh nghiệp cũng không chỉ biết đến ngành Tư pháp nhiều hơn, mà sẽ chọn ngành Tư pháp như là một địa chỉ gửi gắm niềm tin mỗi khi cần “phân xử” về cái đúng, cái sai của thể chế, chính sách.
Hồng Thúy