Tư pháp Kiên Giang triển khai công tác năm 2025

(PLVN) - Chiều 9/1, Sở Tư pháp tỉnh Kiên Giang triển khai công tác tư pháp năm 2025.
Quang cảnh hội nghị

Ông Nguyễn Ngọc Dư, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Kiên Giang chia sẻ, ngay từ đầu năm 2024, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch công tác tư pháp năm 2024, ban hành kế hoạch, chương trình cụ thể để triển khai thực hiện, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.

Trên cơ sở đó, các sở, ngành liên quan và địa phương có kế hoạch cụ thể để thực hiện công tác tư pháp theo chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, địa phương, trong đó Sở Tư pháp làm đầu mối giúp UBND tỉnh thực hiện.

Ông Nguyễn Ngọc Dư, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Kiên Giang báo cáo tại hội nghị

Năm 2024. công tác xây dựng, thẩm định; kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) bảo đảm tiến độ, chất lượng; Công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật được thực hiện kịp thời; Công tác PBGDPL được triển khai thực hiện đúng tiến độ theo chương trình của Bộ Tư pháp và UBND tỉnh chỉ đạo; công tác hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật, các đề án thực hiện theo quy định…

Cùng với đó, công tác hành chính tư pháp được nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và giải quyết tốt các yêu cầu của tổ chức, cá nhân; Công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực bổ trợ tư pháp được thực hiện tốt; Công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng; công tác ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính và thi đua khen thưởng thực hiện đầy đủ, đúng quy định.

Bà Lư Thị Trang Đài, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Kiên Giang phát biểu

Theo bà Lư Thị Trang Đài, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Kiên Giang, trong năm 2025 ngành tư pháp tỉnh Kiên Giang sẽ triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm: Quán triệt, tham mưu thể chế hóa kịp thời, đầy đủ và triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến các lĩnh vực công tác của Bộ, ngành Tư pháp; Sở tăng cường phối hợp với các sở, ngành, các tổ chức hội thuộc lĩnh vực phụ trách của địa phương để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác pháp chế, công tác tư pháp và công tác hội...

Đồng thời, Sở Tư pháp đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật gắn với việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ; cơ bản hoàn thành việc triển khai Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Tư pháp giai đoạn 2020-2025, định hướng đến hết năm 2030; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo đúng chỉ đạo của Đảng và quy định của pháp luật, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực…

Ông Trần Văn Khái, Giám đốc Sở Tư pháp Kiên Giang phát biểu

Ông Trần Văn Khái, Giám đốc Sở Tư pháp Kiên Giang cho biết, năm 2025, với phương châm “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”, “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, ngành Tư pháp sẽ cố gắng khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác của ngành.

Đồng thời, Sở sẽ không ngừng tăng cường đoàn kết, đồng tâm hiệp lực, ra sức thi đua, sáng tạo, đổi mới trong hoạt động để vươn tới những thành tích cao hơn, đóng góp xứng đáng hơn nữa vào sự phát triển chung của ngành và của tỉnh góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Ngành Tư pháp sẽ tiếp tục thực hiện theo đúng tinh thần các Nghị quyết Trung ương, Nghị quyết, Quyết định của Chính phủ về đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đặc biệt, thực hiện chủ trương chung về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chủ động, quyết liệt triển khai kế hoạch tinh gọn bộ máy theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ: “không làm không được, khó mấy cũng phải làm”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, “gác lại lợi ích riêng, vì lợi ích chung”.

Đọc thêm