Tư pháp tạo sức mạnh thể chế cho phát triển KT - XH

Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) đã tổ chức hội thảo “Vị trí, vai trò và tác động của hoạt động tư pháp đối với chiến lược phát triển KTXH 2011-2020”.

Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) hôm qua tổ chức hội thảo “Vị trí, vai trò và tác động của hoạt động tư pháp đối với chiến lược phát triển KTXH 2011 - 2020”.

“Ba trong một” nên chăng?

Theo GS.Lê Hồng Hạnh (Viện trưởng Viện KHPL), trong giai đoạn phát triển 2000-2010 vừa qua, đất nước đã đạt được nhiều thành tựu toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Trong những kết quả và thành công đó có đóng góp quan trọng của hoạt động tư pháp và pháp luật (PL), tạo nền tảng thể chế cho sự phát triển.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, những hoạt động tư pháp vẫn chưa thực sự phát huy hết vai trò đối với sự phát triển kinh tế xã hội (KTXH). Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến thực tiễn đời sống KTXH phải đối mặt với tình trạng tham nhũng, lãng phí và thiếu hiệu quả.

Nguyên nhân quan trọng là trong Chiến lược phát triển KTXH giai đoạn 2000-2010, cải cách tư pháp (CCTP) và PL chưa được có bước đột phá để thực sự là một thành tố nội tại của quá trình phát triển KTXH, mặc dù có khá nhiều văn bản nhấn mạnh tầm quan trọng của PL.

Hiện, PL mới chỉ được coi trọng ở góc độ xử lý, trấn áp vi phạm, còn góc độ tổ chức xây dựng thì chưa được chú trọng. Ngoài ra, việc thực hiện chiến lược CCTP và PL thời gian qua cũng cho thấy hệ thống PL và các cơ quan tư pháp vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Từ góc nhìn của một người làm công tác pháp chế, LS.Trần Hữu Huỳnh (Trưởng ban Pháp chế VCCI) đặt vấn đề “ba trong một” - nghĩa là nên gộp ba chiến lược CCTP, CCPL và phát triển KTXH thành một.

Ông Huỳnh cũng chỉ ra rằng, khắc phục khó khăn và khai thác những thuận lợi khi ghép “ba trong một” sẽ có thể xây dựng được Chiến lược phát triển KTXH trên cơ sở PL và tư pháp cũng là các mục tiêu phát triển độc lập. Nếu làm được, sự phát triển của Việt Nam sẽ là một sự phát triển bền vững, văn minh, nâng cao khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong thời gian tới.

Lồng ghép hài hòa, đồng bộ

Tuy nhiên, không thực sự đồng tình với LS.Huỳnh, bà Lê Hải Yến (Vụ Kế hoạch Tài chính – Bộ Tư pháp) thấy rằng, chỉ nên đưa tư tưởng của hai chiến lược CCTP và PL, thể hiện qua các nội dung có liên quan và là nguồn lực cho phát triển KTXH, chứ không thể đưa toàn bộ vào Chiến lược phát triển KTXH.

Tương tự, đại diện Văn phòng Chính phủ cũng lưu ý, chiến lược là nguyên tắc chung nên không thể lồng ghép “ba trong 1” và đưa vào đến mức độ nào thì phải tính toán cho phù hợp.

Khẳng định tính cần thiết phải lồng ghép nội dung công tác tư pháp vào dự thảo Chiến lược phát triển KTXH, nhưng ThS.Nguyễn Hải Ninh (Phó Vụ trưởng Vụ PL và CCTP – Văn phòng TƯ Đảng) cho rằng, đặt “tư pháp” và “PL” ở đâu trong Chiến lược phát triển KTXH thì không đơn giản. Hiện giữa hai chiến lược CCTP và phát triển KTXH chưa có sự “liên kết”.

Nên đối với Chiến lược CCTP, phải ưu tiên CCTP phục vụ cho các mục tiêu phát triển KTXH như tập trung cải cách thủ tục tố tụng tư pháp, tạo cơ chế công bằng, nhanh gọn, dễ tiếp cận đối với các tổ chức, DN và công dân; phát triển các phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án; nâng cao năng lực giải quyết tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài.

Để lồng ghép hài hòa hai chiến lược, Chiến lược phát triển KTXH cần xác định rõ vị trí, vai trò của tư pháp đối với việc tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, an toàn cũng như thúc đẩy sự phát triển KTXH ở khía cạnh bảo đảm tính đồng bộ, liên kết giữa các cuộc cải cách và sự đóng góp của tư pháp để góp phần đưa đất nước cơ bản thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại hóa vào năm 2020.

Huy Anh

Đọc thêm