Các nhiệm vụ công tác tư pháp cơ bản được triển khai thực hiện đồng bộ, đảm bảo hiệu quả. Cụ thể, công tác xây dựng và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) được nâng lên về chất lượng. Trong giai đoạn 2016-2021, Sở Tư pháp thẩm định gần 600 lượt dự thảo VBQPPL; giúp Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra gần 300 Quyết định do UBND tỉnh ban hành và phối hợp với các Ban HĐND tỉnh kiểm tra, giám sát gần 100 Nghị quyết HĐND tỉnh. Cũng trong giai đoạn này, HĐND tỉnh ban hành 50 chính sách đặc thù, có tác động rất lớn trong việc thu hút các doanh nghiệp và các thành phần kinh tế đầu tư trên địa bàn tỉnh, góp phần rất lớn vào thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh và giải quyết một số vấn đề an sinh xã hội.
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể; hình thức phong phú, nội dung được lựa chọn, đảm bảo thiết thực, trọng tâm, trọng điểm bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Trong giai đoạn 2016-2021, Sở Tư pháp phối hợp tổ chức mở trên 1.500 lớp tập huấn về PBGDPL với trên 200.000 lượt người tham gia, nội dung tập huấn bám sát tình hình thực tiễn của từng địa phương.
Hoạt động kiểm tra công tác xử lý vi phạm hành chính đượcchú trọng. Trong giai đoạn 2016-2021, toàn tỉnh xử phạt trên 220.000 trường hợp. Công tác đăng ký, quản lý hộ tịch đi vào nền nếp, kịp thời giải quyết yêu cầu của người dân và ngày càng được hiện đại hoá. Từ năm 2016 đến hết Quý I/2023, toàn tỉnh thực hiện đăng ký khai sinh cho 147.770 trường hợp; đăng ký khai tử cho 31.037 trường hợp; đăng ký kết hôn cho 38.810 cặp và hàng trăm nghìn các việc hộ tịch khác.
Công tác bổ trợ tư pháp tiếp tục được đẩy mạnh, chủ trương xã hội hoá đạt được những kết quả nhất định đáp ứng nhu cầu của tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp; công tác thanh tra được thực hiện theo quy định.
Đặc biệt, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác tư pháp luôn gắn chặt với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, thực sự đã góp phần quan trọng hoàn thành các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác tư pháp của tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Một số VBQPPL thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND và UBND tỉnh được quy định trong Luật, Nghị định nhưng chưa được tham mưu ban hành kịp thời; một số cấp ủy, chính quyền một số địa phương ở cơ sở chưa nhận thức đúng mức về vị trí, vai trò của công tác PBGDPL; việc triển khai thi hành các Nghị quyết của HĐND tỉnh ở một số đơn vị chưa đúng tiến độ; công tác đăng ký quản lý hộ tịch, chứng thực còn có những khó khăn, vướng mắc và hạn chế nhất định…
Xác định những năm tiếp theo có ý nghĩa đặc biệt, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội đại biểu tỉnh Đảng bộ lần thứ XVII, Chiến lược phát triển KT - XH 10 năm 2021-2030, đồng thời dự báo đất nước và tỉnh tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn. Bám sát Chương trình, kế hoạch phát triển KT - XH của tỉnh, hướng dẫn của Bộ Tư pháp, ngành Tư pháp Vĩnh Phúc đề xuất Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác tư pháp của tỉnh như sau:
Hàng năm kịp thời ban hành các chương trình, kế hoạch để thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Tỉnh uỷ và Bộ Tư pháp trong lĩnh vực tư pháp qua đó cụ thể hoá các nhiệm vụ phải triển khai thực hiện.
Tổ chức triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL; Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 11/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 16/CT-UBND ngày 04/10/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh “Về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống VBQPPL và tăng cường hiệu quả THPL trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc”.
Tiếp tục thực hiện nghiêm Luật xử lý VPHC và các văn bản hướng dẫn thi hành ở các ngành, các cấp. Đẩy mạnh công tác theo dõi thi hành pháp luật gắn với kiểm tra VBQPPL, nâng cao hiệu quả hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đổi mới phương thức, tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật; ban hành kế hoạch triển khai thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch của Trung ương về phổ biến, giáo dục pháp luật; tổ chức đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh.
Thực hiện hiệu quả, đúng thời hạn các nhiệm vụ tại Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ, tập trung nguồn lực xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đảm bảo kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Xây dựng phần mềm kết nối chia sẻ dữ liệu lý lịch tư pháp đảm bảo phục vụ yêu cầu xây dựng, quản lý, khai thác Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp của tỉnh. Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra hoạt động quốc tịch, giao dịch bảo đảm, bồi thường nhà nước đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong tình hình mới.
Quản lý chặt chẽ các hoạt động trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; nâng cao chất lượng dịch vụ và hạn chế các sai phạm, đơn thư khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp. Tiếp tục triển khai hiệu quả nội dung của Luật trợ giúp pháp lý năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về giúp pháp lý; chú trọng giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng.
Đẩy mạnh thực hiện công tác cải cách hành chính, cải cách tư pháp theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Đẩy mạnh thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong Ngành Tư pháp, gắn với việc thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và Chỉ thị số 23-CT/TU ngày 16/5/2022 của BTV Tỉnh uỷ về Tăng cường công tác lãnh đạo của Đảng đối với quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Nguyễn Văn Ngà - Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Phúc