Tự tin nghiên cứu khoa học, tự tin khởi nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Chẳng phải vô tình khi phẩm chất “Tự tin” lại được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam lựa chọn đứng đầu trong 4 phẩm chất đạo đức “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang” để triển khai tuyên truyền, học tập, rèn luyện trong toàn thể cán bộ, hội viên phụ nữ nói riêng và tất cả phụ nữ Việt Nam nói chung.
Giải thưởng nhà khoa học nữ xuất sắc năm 2022 đã được trao cho 3 nhà khoa học nữ Việt Nam có các đề án nghiên cứu tiềm năng vì sức khỏe và lợi ích cho cộng đồng. (Ảnh: L’Oreal).
Giải thưởng nhà khoa học nữ xuất sắc năm 2022 đã được trao cho 3 nhà khoa học nữ Việt Nam có các đề án nghiên cứu tiềm năng vì sức khỏe và lợi ích cho cộng đồng. (Ảnh: L’Oreal).

Hiện nay, người phụ nữ được giải phóng trong tư tưởng, trong cả nếp sống, nếp nghĩ, địa vị người phụ nữ cũng đã thay đổi nhiều. Chúng ta có thể gặp rất nhiều người phụ nữ có vị trí cao trong xã hội, các chị là người tự quyết định hướng đi cho cuộc đời mình và đạt được nhiều thành công trong cả công tác xã hội và cũng như trong vai trò làm vợ, làm mẹ. Để đạt được những thành công đó, người phụ nữ đã thay đổi bản thân một cách mạnh mẽ và toàn diện. Một trong những phẩm chất cần có để người phụ nữ hiện đại khẳng định được mình là sự “tự tin”.

Phụ nữ khởi nghiệp quốc gia

Năm 2013, Bùi Kim Ngân - sáng lập viên của “Cơ sở tái chế quần jeans” đã trải qua những ngày tháng khó khăn của cuộc đời. Cô bị xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn, phải ra vào bệnh viện liên tục. “Khi đó Ngân vừa trải qua 27 ngày nằm viện điều trị xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn. Tác dụng phụ của thuốc khiến Ngân gặp rất nhiều vấn đề, không bắt nhịp ngay lại với cuộc sống được. Ngân làm bạn với chiếc máy may nhỏ và làm chiếc túi jean đầu tiên từ yếm bầu của chị gái. Chiếc túi đó em gái Ngân dùng để đi học. Chiến dịch “giải cứu jeans cũ” đó thực ra chính là Ngân đang giải cứu chính mình. Khi đó Ngân trầm cảm, sức khoẻ và tâm lý đều bất ổn. Ngân nghĩ mình phải làm gì đó. Và may mắn là Ngân tìm được “tái chế quần jeans” - Bùi Kim Ngân chia sẻ tại sự kiện tổng kết, trao giải “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế” năm 2023 do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam, Unilever Việt Nam tổ chức ngày 14/10 vừa qua.

Theo Bùi Kim Ngân, khởi nguồn từ một dự án phi lợi nhuận vào năm 2013, công việc ngày một nhiều lên, một mình cô không thể làm xuể nên phải thuê thêm thợ, mà để có tiền trả công cho thợ thì phải bán túi. Năm 2019, Ngân bắt đầu bán túi tái chế từ quần jean cũ. Cô nhận từ khách hàng những sản phẩm jean không còn sử dụng nữa để “tái sinh” chúng thành những chiếc túi độc đáo, mang màu sắc riêng. Cô cũng sản xuất những chiếc túi may sẵn từ nguyên liệu jean cũ, lỗi mốt, hàng loại từ các nhà máy mà nếu không được tái chế thì rất có thể sẽ trở thành rác thải thời trang. Vượt qua giai đoạn khó khăn hiện thương hiệu jean tái chế của Ngân hiện có một cửa hàng và 4 điểm bán ký gửi tại Hà Nội và TP HCM, dự kiến sắp tới sẽ có thêm một điểm bán ký gửi ở Nha Trang.

Theo thông tin từ Hội LHPN Việt Nam, từ năm 2020 đến nay, chương trình hỗ trợ phụ nữ Việt Nam khởi nghiệp “Khi phụ nữ làm chủ” đã được triển khai ở 32 tỉnh, thành trên cả nước, tập huấn nâng cao năng lực kiến thức cho hơn 100.000 chị em phụ nữ, hỗ trợ cấp vốn và trao giải cho hàng trăm sáng kiến kinh doanh tiêu biểu.

Tại Lễ tổng kết, trao giải “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế” năm 2023 và hưởng ứng Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp Sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024 ngày 14/10 vừa qua, có 10 dự án đạt giải Nhất từ 10 tỉnh, thành phố đã được trao chứng nhận và hỗ trợ vốn. Dự án của Bùi Kim Ngân - sáng lập viên của Cơ sở tái chế quần jeans đã lọt Top 10 giải Nhất của chương trình năm 2023. Bày tỏ trân trọng những hỗ trợ từ chương trình “Khi phụ nữ làm chủ”, Bùi Kim Ngân cho biết: “Chương trình đã giúp Ngân rất nhiều trên hành trình phát triển lâu dài cho dự án tái chế quần jean của mình, đem lại những giá trị hữu ích cho xã hội”.

Được biết, bước sang giai đoạn mới năm 2024, Unilever Việt Nam và nhãn hàng Sunlight sẽ tiếp tục đồng hành với Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp quốc gia” năm 2024 do Hội LHPN Việt Nam tổ chức. Đây là hoạt động quan trọng nằm trong Đề án quốc gia Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025.

Với chủ đề “Sáng tạo và chuyển đổi xanh”, Cuộc thi hướng đến mô hình kinh doanh mới sản xuất hữu cơ, thân thiện với môi trường, sử dụng nguồn năng lượng xanh... nhằm đáp ứng mục tiêu bảo đảm quá trình chuyển đổi xanh phù hợp với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 của Chính phủ. Chương trình sẽ bắt đầu các đợt tập huấn từ tháng 11/2023, hướng tới đào tạo 24.000 phụ nữ thông qua 2 mô hình trực tiếp tại địa phương và trực tuyến, trang bị kiến thức, kỹ năng cho chị em chinh phục Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp”.

Hơn 40% nhà khoa học ở Việt Nam là nữ

Bùi Kim Ngân sáng lập viên của Cơ sở tái chế quần jeans. (Nguồn: HLHPNVN)

Bùi Kim Ngân sáng lập viên của Cơ sở tái chế quần jeans. (Nguồn: HLHPNVN)

Phụ nữ thành công trong lĩnh vực khoa học không còn là điều hiếm có ở Việt Nam hiện nay. Câu chuyện cống hiến cho khoa học của những người phụ nữ đã và đang gợi đến một nội hàm của người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Đó là “có tri thức, có đạo đức, có sức khoẻ, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước”. Còn nhớ, tháng 12/2022, tại Chương trình Giao lưu cùng Hội đồng Giải thưởng và Hội đồng Sơ khảo trong khuôn khổ Tuần lễ khoa học thuộc sự kiện Giải thưởng VinFuture mùa II, Giáo sư Daniel Kammen - Thành viên Hội đồng Giải thưởng của Giải thưởng VinFuture đã bày tỏ quan điểm, từ trước đến nay, mọi người cho rằng nghiên cứu khoa học là một công việc hết sức vất vả và nó thường được gán cho nam giới. Tuy nhiên, ngày nay, nhận định này không thực sự đúng đắn nữa vì trong các phòng thí nghiệm đã có sự xuất hiện của rất nhiều nhà khoa học nữ. Theo Giáo sư Daniel Kammen, ngay tại phòng thí nghiệm của mình, ông cũng cảm thấy vô cùng tự hào vì có sự xuất hiện của nhiều giáo sư nữ đến từ châu Phi hay Đông Nam Á. Còn ở Việt Nam, ông Daniel nhận thấy có rất nhiều phụ nữ làm việc trong các phòng thí nghiệm. Đây là một điều cực kỳ đáng trân quý.

Thực tế ở Việt Nam đã và đang cho thấy, bước vào thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước, phụ nữ ngày càng khẳng định tiềm năng, vai trò, vị thế quan trọng trong gia đình và xã hội với 50,2% dân số cả nước, 47,4% lực lượng lao động xã hội và 46% đội ngũ nghiên cứu và phát triển, hơn 40% các nhà khoa học ở Việt Nam… Tháng 6/2022, tin vui từ Paris, Pháp bay về khi PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân - nhà khoa học nữ trẻ được trao tặng giải thưởng L’Oreal - UNESCO Nhà khoa học trẻ tài năng thế giới (International Rising Talent). Với công trình nghiên cứu “Chất xúc tác có cấu trúc nano mới để sản xuất pin nhiên liệu hiệu quả, tiết kiệm chi phí và sản xuất năng lượng H2 xanh”, PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân đã được Hội đồng Giám khảo Giải thưởng Nhà khoa học trẻ tài năng thế giới bầu chọn là 1 trong 15 gương mặt nữ khoa học trẻ tài năng thế giới 2022.

Tháng 11/2022, chương trình “Giải thưởng L’Oréal - UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học (For Women in Science)” đã tổ chức Lễ trao Giải thưởng nhà khoa học nữ xuất sắc năm 2022 cho 3 nhà khoa học nữ Việt Nam có các đề án nghiên cứu tiềm năng vì sức khỏe và lợi ích cho cộng đồng. Ba nhà khoa học xuất sắc của năm 2022 trong hai lĩnh vực Khoa học vật liệu và Khoa học đời sống bao gồm: PGS. TS Lê Minh Hà - Trưởng phòng Hóa dược, Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; PGS.TS Phan Thị Phương Nhi - Phó Trưởng khoa Nông học, phụ trách Khoa học & Hợp tác Quốc tế, Khoa Nông học, Đại học Nông Lâm Huế; TS. Hà Thị Thanh Hương - Trưởng bộ môn Kỹ thuật Mô và Y học Tái tạo, Khoa Kỹ thuật Y sinh, Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Tiêu chí chọn lựa được dựa trên thành tích nghiên cứu khoa học nổi bật thông qua số lượng các bài viết được đăng tải trên các tạp chí quốc tế, các ấn phẩm khoa học được xuất bản, các hoạt động nghiên cứu khoa học đã và đang tham gia và vai trò hình mẫu cho các thế hệ nghiên cứu trẻ.

Được biết, trong suốt 13 năm qua, Chương trình Giải thưởng và học bổng nghiên cứu khoa học dành cho nữ giới này đã vinh danh 35 nhà khoa học nữ xuất sắc Việt Nam từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước vì những nghiên cứu được đánh giá là có ý nghĩa khoa học quan trọng, góp phần cải thiện và thay đổi cuộc sống của cộng đồng và giúp họ tiếp tục theo đuổi niềm đam mê với nghiên cứu khoa học. Và Việt Nam cũng là quốc gia hiếm hoi được vinh danh 3 lần cho giải thưởng Nhà khoa học trẻ tài năng quốc tế trong năm 2015, 2018 và 2022 tại Paris qua những thành tựu nổi bật trong nghiên cứu khoa học của các nhà khoa học nữ trẻ Việt Nam. Trong năm 2020, 3 nhà khoa học nữ Việt Nam được vinh danh qua giải thưởng L’Oreal - UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học các năm trước cũng được chọn lựa vào các vị trí hàng đầu trong danh sách 100 nhà khoa học xuất sắc châu Á.

Cũng trong khuôn khổ tháng 10/2023 đã diễn ra Lễ trao giải Chung kết toàn quốc Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” năm 2023. Đây là cuộc thi lần thứ 5 được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức trong khuôn khổ Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 939/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 (Đề án 939). Theo bà Hà Thị Nga, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, qua 6 năm triển khai Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”, được sự quan tâm, tạo điều kiện của Chính phủ, sự hỗ trợ của các địa phương, các bộ, ngành và sự cố gắng, nỗ lực bền bỉ của Hội Phụ nữ các cấp, đã có trên 80 ngàn ý tưởng kinh doanh của phụ nữ được hỗ trợ; trên 70 ngàn phụ nữ mạnh dạn khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp; gần 5 ngàn tổ hợp tác/hợp tác xã do phụ nữ quản lý được thành lập; hơn 60 ngàn doanh nghiệp của phụ nữ mới thành lập được tư vấn nâng cao năng lực, hỗ trợ kết nối các nguồn lực để phát triển...

Đọc thêm