Với chủ đề “Tầm nhìn và cơ hội mới trong kỷ nguyên mới”, hôm qua (4/10), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã long trọng tổ chức Hội nghị tổng kết 30 năm thu hút ĐTNN tại Việt Nam với sự tham dự của hơn 3.500 đại biểu đại diện các bộ, ngành TƯ, địa phương, Đại sứ quán, cơ quan đại diện ngoại giao, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia, các nhà khoa học, các hiệp hội, hàng nghìn nhà ĐTNN và trong nước...
Thu hút ĐTNN song hành với quá trình đổi mới, mở cửa đất nước
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyên Xuân Phúc nhắc lại mốc năm 1986 đánh dấu sự nghiệp đổi mới bắt đầu thì đến tháng 12/1987, Quốc hội ban hành Luật ĐTNN. “Có thể nói, thu hút ĐTNN luôn “song hành” với sự nghiệp đổi mới và là sự cụ thể hóa sinh động chủ trương “mở cửa” của đất nước… Khu vực kinh tế có vốn ĐTNN đã trở thành một bộ phận không tách rời của nền kinh tế Việt Nam”- Thủ tướng khẳng định.
Báo cáo của Bộ KH&ĐT cho biết, tính đến tháng 8/2018 đã có hơn 26.500 dự án ĐTNN, vốn đăng ký hơn 334 tỷ USD, vốn thực hiện khoảng 184 tỷ USD. ĐTNN có đóng góp gần 20% GDP và là nguồn vốn bổ sung quan trọng cho vốn đầu tư phát triển với tỷ trọng khoảng 25% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội; kim ngạch xuất khẩu của khu vực ĐTNN chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong xuất khẩu chung của cả nước, đạt 72,6% trong năm 2017 và 71,4%% trong 9 tháng đầu năm 2018…; Tính đến nay khu vực ĐTNN đã tạo việc làm cho gần 4 triệu việc làm trực tiếp và khoảng 5 triệu việc làm gián tiếp khác.
Trong báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cũng khẳng định đóng góp của ĐTNN vào tăng trưởng kinh tế ngày càng cao. Nếu như giai đoạn 1986 - 1996, khu vực này chỉ đóng góp 15,04% thì đến giai đoạn 2010 - 2017 đã đóng góp đến 27,7%. Khu vực ĐTNN cũng đã đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách, với giá trị nộp ngân sách tăng từ 1,8 tỷ USD (giai đoạn 19994- 2000) lên 14,2 tỷ USD (giai đoạn 2001- 2010). Giai đoạn 2011- 2015 thu ngân sách từ khu vực ĐTNN đạt 23,7 tỷ USD, chiếm gần 14% tổng thu ngân sách; Năm 2017, khu vực ĐTNN đã đóng góp vào thu ngân sách gần 8 tỷ USD chiếm 14,46% tổng thu ngân sách nhà nước…
Mặc dù đã đạt được những thành tựu quan trọng, song theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, khu vực ĐTNN cũng còn một số tồn tại, hạn chế cần phải được khắc phục. Cụ thể là mức độ kết nối, lan tỏa của khu vực ĐTNN đến khu vực đầu tư trong nước còn chưa đạt được như kỳ vọng; thu hút và chuyển giao công nghệ từ khu vực ĐTNN còn khiêm tốn; thu hút ĐTNN vào một số ngành, lĩnh vực ưu tiên và từ các tập đoàn đa quốc gia còn hạn chế; còn hiện tượng một số DN chuyển giá, trốn thuế hoặc chưa nghiêm túc thực hiện quy định về bảo vệ môi trường; hiệu quả sử dụng đất của nhiều dự án ĐTNN chưa cao một mặt do nhà đầu tư khai tăng tổng mức đầu tư để được sử dụng nhiều đất, mặt khác do hạn chế về năng lực của cán bộ tại địa phương...
“Những tồn tại, hạn chế nêu trên đã được nhận diện. Hiện Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt nhằm khắc phục cho được các vấn đề này trong thời gian tới…”- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.
Biểu dương thành tựu 30 năm thu hút ĐTNN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, thua thiệt trong thu hút ĐTNN 30 năm qua. Đó là: Các DN ĐTNN về cơ bản đang sử dụng công nghệ trung bình hoặc trung bình tiên tiến so với khu vực, chưa có nhiều tập đoàn đa quốc gia trong các lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, công nghệ nguồn; Liên kết giữa khu vực ĐTNN và khu vực trong nước và chuyển giao công nghệ chưa đạt như kỳ vọng, chủ yếu là gia công lắp ráp, tỷ lệ nội địa hóa trong một số ngành thấp, giá trị gia tăng trên một đơn vị sản phẩm không cao; Một số dự án ĐTNN tiêu tốn năng lượng, tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường; còn có biểu hiện báo lỗ - chuyển giá; đầu tư chui... Về công tác quản lý, còn thiếu chặt chẽ từ TƯ tới địa phương, thiếu tư duy quản lý phù hợp mang tính cạnh tranh, thu hút nhà đầu tư toàn cầu có công nghệ cao…
“Các nhà ĐTNN mang vốn, công nghệ vào nước ta nhìn chung là rất quý, nhưng có tranh thủ được nguồn lực này cho phát triển, nâng cao quốc lực của đất nước là trách nhiệm của chúng ta...” - Thủ tướng lưu ý và khẳng định: “Khu vực ĐTNN là một bộ phận hữu cơ của nền kinh tế Việt Nam và đang đồng hành cùng lớn lên với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các DN có vốn ĐTNN là những thành viên tích cực trong đại gia đình các DN Việt Nam. Việt Nam tự tin và tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương hợp tác ĐTNN…”.
Tầm cao mới…
Nêu rõ quan điểm Việt Nam đối với ĐTNN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Việt Nam khẳng định nhất quán khu vực kinh tế có vốn ĐTNN luôn là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế. Sau 30 năm thu hút ĐTNN, nay Việt Nam thực hiện chính sách “hợp tác ĐTNN” với nội hàm mở rộng hơn…”.
Thủ tướng giải thích thêm: “Hợp tác ĐTNN là hợp tác cả về quản lý, kết nối, đầu tư mua lại, sáp nhập lẫn nhau, đặc biệt hợp tác bảo vệ môi trường, bảo vệ người lao động, bảo đảm các lợi ích xã hội. Hợp tác ĐTNN là mang tính chủ động, có sự bình đẳng, lựa chọn, không phải nhà ĐTNN mang gì vào ta chấp nhận nấy và điều quan trọng là có lựa chọn, dần thoát khỏi gia công, lắp ráp đơn thuần, nâng tầm trình độ sản xuất, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế quốc gia...”.
Từ thực tiễn thu hút ĐTNN, Thủ tướng định hướng sẽ tiếp tục thu hút ĐTNN để giải quyết lao động, việc làm ở các vùng nông thôn, miền núi; còn khu vực TP, thị xã thì ưu tiên thu hút đầu tư kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao… Đồng thời nhấn mạnh việc thu hút nhà đầu tư đa quốc gia, phát triển cụm liên kết ngành, thúc đẩy DN trong nước, liên kết tập đoàn đa quốc gia, từng bước tham gia các công đoạn có giá trị gia tăng cao hơn, phù hợp với lợi thế quy hoạch địa phương, quy hoạch vùng.
Trong bối cảnh khu vực và thế giới có nhiều biến động, cạnh tranh gay gắt, đan xem cơ hội thách thức, tác động từng DN, người dân. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương giữ vững ổn định chính trị xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô; Hoàn thiện khung pháp luật liên quan đến đầu tư, trong đó có thực hiện chủ trương hợp tác ĐTNN có ưu tiên, chọn lọc gắn với mục tiêu nâng tầm trình độ nền kinh tế, xây dựng nền kinh tế tự chủ; Khuyến khích, hỗ trợ DN trong nước liên doanh, liên kết, góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của DN ĐTNN trong các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ mới, công nghiệp hỗ trợ...; Các DN trong nước chủ động “mua” lại các DN ĐTNN tại Việt Nam để tiếp thu thị trường, kênh phân phối, làm chủ công nghệ, quản lý và phát triển các sản phẩm quốc gia…
Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư trên nguyên tắc gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát để đảm bảo DN ĐTNN thực hiện đúng cam kết đầu tư, tuân thủ đúng tiêu chí, tiêu chí và đảm bảo nguyên tắc DN ĐTNN được ưu đãi thì phải thực hiện hiệu quả, cam kết đầu tư công nghệ cao, đảm bảo môi trường…; Tạo cơ chế kết nối các hoạt động xúc tiến về đầu tư, thương mại, du lịch nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, hoàn thiện cơ chế phân công, phân cấp quản lý nhà nước về ĐTNN giữa các cơ quan TƯ và địa phương.
Trên cơ sở các quan điểm, nhiệm vụ nêu trên, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương cần rà soát và hoàn thiện, bổ sung các cơ chế, chính sách, giải pháp trong lĩnh vực quản lý của mình. Bộ KH&ĐT hoàn thiện báo cáo Tổng kết 30 năm thu hút ĐTNN, trình Chính phủ, báo cáo Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới về Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác ĐTNN đến năm 2030. Trên cơ sở đó, Chính phủ ban hành Chương trình hành động cụ thể để thực hiện tốt hơn nữa công tác thu hút ĐTNN…
Khuyến nghị “Chiến lược thu hút ĐTNN thế hệ mới” cho Việt Nam
* Ông Kylef Kelhofer, Giám đốc Quốc gia cao cấp Việt Nam, Campuchia và Lào IFC: “Chiến lược thu hút ĐTNN thế hệ mới Việt Nam cần chuyến từ việc tìm kiếm nhà đầu tư phù hợp với những gì Việt Nam đang có (tổng hợp các yếu tố của môi trường đầu tư có lợi cho nhà đầu tư) sang xây dựng môi trường đầu tư và phát triển các yếu tố phù hợp cho loại hình đầu tư mà Việt Nam cần thu hút hơn nữa. Quá trình xây dựng và thực hiện chiến lược này cần phải linh hoạt, có điều chỉnh cần thiết cho phù hợp với những thay đổi về phía FDI và những hoạt động đối thoại, lắng nghe ý kiến phản hồi từ những diễn đàn quan trọng như Hội nghị này...”.
* Ông Bruno Angelet, Đại sứ Trưởng phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam: “Sau 30 năm tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, Việt Nam cần nguồn vốn đầu tư chất lượng hơn, mang lại nhiều giá trị hơn cho đất nước, tạo ra việc làm chuyên môn cao hơn cũng như hỗ trợ chính sách phát triển bền vững của Chính phủ về môi trường và xã hội. Việt Nam cần một “Thế hệ ĐTNN tiếp theo” để tiếp tục hành trình phát triển kinh tế ấn tượng và nâng tầm nền kinh tế quốc gia…”.