Tự trọng của nghệ sĩ khi tác quyền "tranh tối tranh sáng"

Ý thức sáng tác của nghệ sĩ ngày một yếu đi, hay trước kia vốn dĩ đã tồn tại, nhưng từ khi quyền tác giả được tôn trọng hơn, công nghệ thông tin phát triển hơn và ý thức tác quyền ngày một  nâng cao thì các hành vi này mới bị “đưa ra ánh sáng”?…

Vài năm gần đây, những vụ việc kiểu như nghệ sĩ dự thi bằng tác phẩm của người khác, sử dụng thành quả sáng tác của nghệ sĩ khác để kinh doanh mà không xin phép… diễn ra ngày một phố biến.

Hiện tượng trên đặt ra một câu hỏi: Ý thức sáng tác của nghệ sĩ ngày một yếu đi, hay trước kia vốn dĩ đã tồn tại, nhưng từ khi quyền tác giả được tôn trọng hơn, công nghệ thông tin phát triển hơn và ý thức tác quyền ngày một  nâng cao thì các hành vi này mới bị “đưa ra ánh sáng”?.

“Nóng” nhất của hiện tượng “đạo” nghệ thuật có lẽ là ở mảng hội họa. Vụ lum xùm gần đây nhất là việc tác phẩm Đừng để HIV/AIDS lấy đi cuộc sống của bạn của tác giả Nguyễn Tấn Khởi giành giải nhất (giải A)  trong cuộc thi sáng tác tranh về chủ đề phòng, chống HIV/AIDS cho thanh niên được cho là rất giống với một bức tranh cổ động của tác giả nước ngoài: Bức tranh của tác giả Rewais Hanna giành giải nhì trong cuộc thi What if it were you tại trường Trung học Edgewood, Madison, bang Wisconsin (Mỹ)  năm 2009.

Đánh giá của các chuyên gia, hai bức tranh giống nhau đến 35% về bố cục, 80% về ý tưởng. Vụ việc này làm dư luận nhớ lại câu chuyện “sao chép tranh vẫn đoạt huy chương đồng” tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2005 , bức tranh Bình minh trên công trường của Lương Văn Trung bị phát hiện có dấu hiệu sao chép tác phẩm "Brigada" của họa sĩ người Nga Cuznhexov.

Poster Cánh đồng bất tận bị tranh cãi về tác quyền
Poster Cánh đồng bất tận bị tranh cãi về tác quyền

Còn tại Triển lãm mỹ thuật toàn quốc 2010, những chuyện “cười ra nước mắt” đã xảy ra khi rất nhiều tranh dự thi có dấu hiệu “chôm”, sao chép, nhại ý tưởng từ tranh nước ngoài.  Ngay cả bức Mầm đá đoạt huy chương vàng của triển lãm cũng bị đánh giá là “giống với một bức tranh Trung Quốc”.

Cũng tại triển lãm, bức tranh khắc gỗ được họa sĩ Đinh Lực, một họa sĩ lâu năm trong nghề gửi đi dự thi lại được phát hiện… gần giống hoàn toàn với một bức tranh ông này đã gửi đi dự triển lãm năm..1995. Đây là một trong những trường hợp hy hữu “đạo tác phẩm chính mình” của nghệ sĩ.

Cách đây không lâu, giới nhiếp ảnh lại một phen xôn xao vì nghi vấn “đạo poster” của phim Cánh đồng bất tận khi bộ phim này trở nên nổi tiếng trong và ngoài nước. Nhiếp ảnh trẻ Đặng Minh Tùng lên tiếng vì các bức ảnh chụp phim của mình theo hợp đồng với công ty BHD không được công nhận quyền tác giả, đặc biệt là bức ảnh dùng để làm poster chính cho phim, đề tên tác giả là nhiếp ảnh gia Trần Huy Hoan, một nhà nhiếp ảnh đã thành danh.

Vụ việc vẫn chưa ngã ngũ, nhưng lời giải thích của ông Trần Huy Hoan đã khiến nhiều người cả trong và ngoài giới khá bất bình khi cho rằng, người thiết kế poster có quyền tự do sử dụng tấm ảnh, và ý tưởng thiết kế mới là yếu tố chính tạo nên giá trị của bức ảnh. Từ đó, vấn đề được đặt lại rằng, phải chăng từ trước đến nay, giới thiết kế vẫn “toàn quyền” sử dụng tác phẩm tranh của nhà nhiếp ảnh, họa sĩ khác để “thả sức sáng tạo” cho tác phẩm của riêng mình?

Lĩnh vực âm nhạc cũng “sôi động” không kém khi những vụ “đạo nhạc” vẫn đều đều mỗi năm một vài. Bắt đầu từ “nghi án” Tình thôi xót xa, Bên em là biển rộng cover nhạc Nhật, đến nay, những tai tiếng chôm nhạc lại thường rơi vào giới pop trẻ, từ vụ việc Bảo Thy cover một số ca khúc của Hàn Quốc gây ra các phản ứng trên cộng đồng mạng cho đến việc hai ca sĩ trẻ Trà My và Phi Trường (VN Idol) sử dụng một số ca khúc đứng tên mình như na ná ca khúc hit của Âu Mỹ.

Giới rock Việt trong năm 2010 cũng lùm xùm với ca khúc Lồng ngực tối khá nổi tiếng của nhóm Ngũ Cung bị phát hiện rất nhiều nét tương đồng với mesa boogie mark iv + gibson + echoplex + Ebow của một tác giả người Nga và 365.000 giống với tác phẩm Stockholme syndrome của Muse.

Điện ảnh truyền hình cũng nhiều phen xôn xao khi khá nhiều bộ phim ăn khách trên các sóng bị dính vào các tranh chấp về tác quyền kịch bản. Phim Cho một tình yêu với sự góp mặt của dàn sao Mỹ Tâm, Quang Dũng và Tuấn Hưng bị lên tiếng vì cho rằng “đạo” kịch bản của bộ phim thần tượng nổi tiếng của Đài Loan đầu năm 2007 - "Chuyển giác tình yêu" khi giống hơn 60% kịch bản, tương đồng từ kiểu nhân vật đến tình tiết phim.

Trước đó, bộ phim "Sóng gió thương trường" từng bị nhà văn Nguyễn Thu Phương đưa ra vấn đề là đã đạo kịch bản phim "Phiên chợ số" của nhà văn này, vụ việc vẫn chưa ngã ngũ.

Cứ như thế, có tới 1001 kiểu “đạo” tác phẩm nghệ thuật, từ ý tưởng cho đến hình thức, và bao giờ, người bị lọt vào “nghi án đạo nghệ thuật” cũng có cách giải thích của riêng mình, rằng “ý tưởng giống ý tưởng”, “không rành luật”, “từng tham khảo và bị ảnh hưởng”… Ít nghệ sĩ nào khi vụ việc bị đưa ra ánh sáng dám thẳn thắn thừa nhận việc làm sai trái của mình.

Với môi trường luật tác quyền chưa ra khỏi tình trạng “tranh tối tranh sáng” như hiện nay, ngay cả việc phát hiện ra sao chép thì việc xử lý nghệ sĩ cũng chỉ ở mức “yêu cầu trao lại giải thưởng”, còn nặng hơn nữa chỉ là… sự công phẫn của dư luận. Và như vậy, tất cả không còn trông chờ vào cái gì khác ngoài… lòng tự trọng của nghệ sĩ.

Ngọc Mai

Đọc thêm