Tự tử sau 400 ngày bị chủ nợ “tù đày”

(PLO) - Dù “con nợ” là em kết nghĩa của cha mình nhưng bị cáo Trương Kim Nhung và chồng là Vũ Minh Trí (cùng SN 1976, trú tại phường Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội) đã nhẫn tâm giam lỏng người này trên tầng nhà để siết nợ bằng được.
Vợ chồng chủ nợ Nhung - Trí. Ảnh: H.L
Vợ chồng chủ nợ Nhung - Trí. Ảnh: H.L
Hậu quả là sau một năm rưỡi bị “tù đày”, con nợ đã thắt cổ tự tử khiến món nợ tiêu tan, vợ chồng chủ nợ thì “thu được” tổng cộng 30 năm tù vì các tội “Bức tử”, “Giam người trái pháp luật” và “Cưỡng đoạt tài sản”.
Nhốt con nợ hơn một năm trên tầng
Nạn nhân là ông Đỗ Mạnh Hoan (SN 1960, ở Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân, Hà Nội), từng là cán bộ nhà nước, chuyên xây các công trình thủy lợi ở nhiều địa phương. Đến tuổi nghỉ hưu, ông tiếp tục kiếm thêm các công trình xây dựng để kiếm tiền nuôi gia đình nhưng càng làm càng lỗ, phải vay nợ khắp nơi. Một lần tìm tới Nhung, ông vay 460 triệu đồng, chịu lãi suất 10 nghìn đồng/1 triệu/1 ngày.
Do không có tiền trả, ông Hoan lẩn tránh nhưng sau nhiều lần bị gây áp lực, ông buộc phải đồng ý chốt nợ cả gốc và lãi là 1,5 tỷ đồng, trả trong thời hạn 30 ngày và thế chấp căn nhà đang ở tại Thanh Xuân, Hà Nội. Sau lần đó, ông Hoan chỉ trả được 50 triệu, tiếp tục tránh mặt Nhung vì không đào đâu ra tiền nữa. 
Tức  tối trước việc con nợ lẩn như chạch, Nhung nhờ người đi lùng ông Hoan tận các công trình ông làm ở Phú Thọ, Ninh Bình nhưng không tìm ra được dấu vết. Quay về Hà Nội, Nhung cho người đến nhà ông Hoan, đuổi vợ con ông ra khỏi nhà, mua khóa mới khóa cửa nhằm siết nhà.
Đầu tháng 5/2011, Nhung tình cờ thấy ông Hoan ở ngã tư Chùa Bộc liền gọi điện thoại cho chồng đến áp tải ông Hoan về nhà mình giam giữ tại tầng 4. Vừa đưa ông Hoan về đến nhà, chúng gọi thêm người đến chửi bới và đánh ông Hoan, sau đó đưa ông Hoan về lấy giấy tờ nhà để làm thủ tục bán. Quay trở về nhà, chúng tiếp tục giam lỏng ông Hoan, “nhất cử nhất động” đều bị theo dõi, giám sát. Thậm chí khi vợ chồng Nhung đi vắng, Nhung nhờ người đến canh gác thay mình.
Căn nhà bị siết sau đó được bán hơn 1,7 tỷ đồng. Nhung đã trừ nợ và các khoản chi phí đi tìm ông Hoan, còn thừa hơn 8 trăm triệu nhưng không trả lại. Thậm chí, Nhung vẫn giữ ông Hoan vì cho rằng ông vẫn nợ mình hơn 1 tỷ đồng là tiền Nhung đã trả thay trong thời gian ông Hoan trốn  nợ. Để ép ông Hoan phải trả món này, Nhung luôn chửi bới, còn chồng thì “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”. 
Đêm 16/1/2012, chồng Nhung đánh con nợ đến rách da đầu và thâm tím mắt. Sáng hôm sau, Nhung tá hỏa phát hiện ông Hoan treo cổ chết tại khu vực giếng trời nhà mình. Kết quả giám định pháp y cho biết, trên người ông Hoan có rất nhiều vết xây xước.  Đôi vợ chồng bị bắt khẩn cấp ngay sau đó.
Đau lòng tình kết nghĩa
Ngày 25/4 vừa qua, TAND TP.Hà Nội đã tuyên một bản án nghiêm khắc đối với vợ chồng ác tâm này: Trương Kim Nhung mức án 12 năm tù, Vũ Minh Trí 18 năm tù về 3 tội: “Bức tử”, “Bắt giữ người trái pháp luật” và “Cưỡng đoạt tài sản”. 
Có lẽ vì sợ miệng đời nguyền rủa chuyện ức hiếp con nợ đến mức tự sát nên tại tòa, đôi vợ chồng này vẫn quanh co không nhận đã đối xử tệ với ông Hoan. Nhung biện bạch, là nữ nhi chân yếu tay mềm sao có thể động đến một người đàn ông khỏe mạnh từng dạn dày sương gió ở các công trường như ông Hoan. 
Lý giải nguyên nhân vì sao con nợ ở trong nhà hơn một năm trời, Nhung nói: “Ông Hoan tự nguyện ở vì không còn chỗ ở nào khác. Bị cáo đối xử với ông Hoan như người trong gia đình, thậm chí giao cả chìa khóa để ông đi lại thuận tiện”. Nhưng với vết rách trên đầu nạn nhân, Nhung thừa nhận do con nợ mê xem bóng đá về khuya, ảnh hưởng đến giấc ngủ của gia đình nên đã bị chồng bị cáo đánh. 
Trước lời chối tội trắng trợn của bị cáo, chủ tọa phiên tòa buộc phải nghiêm khắc nhắc nhở: “Các bị cáo phải nhận thức được rằng, không phải cứ đánh đập, hành hạ về thể xác khiến nạn nhân tự sát thì mới là bức tử. Ở đây, các bị cáo đã dồn ông Hoan đến quẫn bách về tinh thần mà tự vẫn. Nếu bị cáo không đưa ông Hoan về nhốt bao nhiêu tháng trời đó thì chưa chắc bị hại đã tìm đến cái chết”.
Trong phiên tòa hôm đó, có một người đàn ông đứng theo dõi vụ án mà nước mắt vòng quanh, đó chính là bố đẻ Nhung, anh kết nghĩa của nạn nhân Hoan. Đau vì con gái, con rể cùng vào tù đã đành, ông còn khổ tâm khi mình từng là đồng nghiệp, là anh kết nghĩa của ông Hoan, coi ông Hoan như em ruột. 
Tại tòa, người đàn ông này thấy mình như có lỗi, bộc bạch: “Vì cùng tuổi Tý, thân thiết với nhau nên ở cơ quan mọi người thường đùa chuột anh, chuột em. Tôi nhận ông Hoan là em kết nghĩa, coi như em ruột, giờ “con dại, cái mang”, tôi xin được nói lời xin lỗi người nhà bị hại và mong được Tòa giảm nhẹ án cho các bị cáo vì thiếu hiểu biết”. Đáp lại những lời gan ruột đó là sự im lặng có phần tha thứ của vợ ông Hoan, tuy nhiên phía bị hại không nói lời giảm án cho các bị cáo.

Đọc thêm