Giám đốc ngân hàng chiếm đoạt tiền tỉ của "con nợ"?

(PLO) - Từng được xếp vào hàng khá giả ở Nha Trang nhưng lâm cảnh bệnh tật, bà Nguyễn Thị Sanh (SN 1962, ngụ thôn Bãi Giếng 3, thị trấn Cam Đức, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hoà) gặp khó khăn phải vay mượn ngân hàng. Thế nhưng, bà không ngờ sau mấy tháng lâm bệnh, toàn bộ tài sản hơn 20 tỉ của mình đã bị vị giám đốc chi nhánh ngân hàng lập hồ sơ khống chiếm đoạt gần như toàn bộ.

“Tán gia bại sản” sau "cú" chơi xấu của vị giám đốc ngân hàng?

Bà Sanh xuất thân từ vùng quê nghèo thuộc huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, từ nhỏ vào Nha Trang lập nghiệp, làm đủ các công việc. Từ năm 1980, cô gái tự tin dấn thân vào con đường buôn bán, tự gây dựng cơ sở. Ngoài kinh doanh thuỷ hải sản, bà còn kiêm buôn bán tổ chim yến, kinh doanh nhà hàng ăn uống, mở cơ sở sản xuất đá lạnh. Vào giai đoạn huy hoàng trong sự nghiệp, bà được đánh giá khá giả trong vùng.
Nhưng “thương trường là chiến trường”, công việc làm ăn đang “thuận buồm xuôi gió” thì từ đầu năm 2010, bà Sanh gặp không ít khó khăn trong buôn bán. Lý do chủ yếu là hàng hoá xuất khẩu bị nước bạn kiểm tra ngặt nghèo, nhiều đơn hàng bị trả về trong lúc chi phí nhân công, chi phí sản xuất không hề giảm.
“Người kinh doanh nào chẳng có lúc gặp khó, tôi xem chuyện đó là bình thường. Để giải quyết khó khăn, bấy giờ tôi có vay Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam - chi nhánh Khánh Hoà (gọi tắt là ngân hàng) 9,5 tỉ đồng. Thời hạn vay 1 năm, thời hạn trễ lãi suất là 5 tháng.
Để vay được số tiền trên, tôi phải thế chấp căn nhà tại số 17 đường Củ Chi, Nha Trang. Mọi thủ tục vay vốn đều thông qua giám đốc chi nhánh là ông Lê Văn Chới giới thiệu ”, bà Sanh nói.
Khó khăn càng chồng chất khi cùng thời gian trên, bà Sanh đổ bệnh phải nhập viện cấp cứu. Các bác sĩ chẩn đoán bà bị suy tim, tắc nghẽn động mạch phải phẫu thuật can thiệp. Tiếp đó bà được chuyển lên điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) hơn 5 tháng.
Do công việc trì trệ, lại tốn kém chi phí chữa bệnh nên bà chậm trả lãi ngân hàng. Tuy nhiên, có điều lạ rằng, trong thời gian đang nằm trên giường bệnh, nhiều nhân viên ngân hàng nơi bà Sanh vay vốn không ngừng thúc ép việc uỷ quyền bán tài sản thế chấp để thu hồi nợ dù thời hạn trễ hạn trả lãi chỉ mới 5 tháng và con nợ đang nỗ lực giải quyết.
Bà Sanh tố cáo sự việc
Bà Sanh tố cáo sự việc
Cuối cùng, bà Sanh đồng ý làm hợp đồng uỷ quyền: “Mảnh đất của tôi rộng hơn 1.300 m2, lại ở vị trí mặt tiền đường lớn nên được công ty cổ phần thông tin và thẩm định giá Miền Nam định giá hơn 25 tỉ đồng vào ngày 1/10/2010. Trong khi đó phía ngân hàng chỉ đồng ý mua lại tài sản thế chấp với giá 16,7 tỉ đồng. Biết lỗ nhưng nợ phải trả, lại còn danh dự của mình nên tôi đồng ý bán”, bà trình bày.
Cũng theo con nợ, sở dĩ bà chấp nhận thanh lý tài sản “giá bèo” bởi chịu sự thúc hối liên tục từ phía ngân hàng, cụ thể là ông Chới và bà Huỳnh Thị Kim Dung, phó giám đốc đồng thời là người đại diện cho Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương - chi nhánh Khánh Hoà.
"Con nợ" cho biết ông Chới nhiều lần gọi lên làm việc, không ngừng thúc hối uỷ quyền thanh lý tài sản thế chấp, nếu không sẽ đưa vụ việc ra toà án.
Hàng chục năm trước bà đã là “khách hàng ruột” của ngân hàng này, ông Chới từ lâu là chỗ thân quen. Ngân hàng gây sức ép buộc thanh toán nợ bởi vị giám đốc biết bà mắc bệnh tim mạch, sợ bà đột tử sẽ khó thu hồi nợ?.
Bà Sanh đau khổ: “Tôi nằm viện, xuất viện đều có giấy tờ hẳn hoi, thế mà người ta vẫn nỡ lòng nào ép người đến thế”.
Lập hồ sơ khống chiếm đoạt tiền tỉ của khách hàng?
Bà Sanh cho biết không hề hối tiếc hay khiếu nại về những thiệt thòi đã xảy ra. Điều khiến bà bức xúc là vị giám đốc chi nhánh ngân hàng đã có hành vi lừa đảo, làm giả hồ sơ để chiếm đoạt tài sản thế chấp chấp của mình trắng trợn.
Cụ thể, theo văn bản thỏa thuận “giao và uỷ quyền bán tài sản để xử lý thu hồi nợ vay” giữa bà Sanh và ngân hàng, nếu số tiền bán nhà đất sau khi đã thanh lý nợ gốc và các khoản lãi mà còn dư thì phía ngân hàng phải trả lại cho bà Sanh.
Thế nhưng từ khi bán nhà đất, nhiều lần bà Sanh đề nghị cung cấp thông tin, tài liệu công khai về việc mua bán và thanh lý hợp đồng vay 9,5 tỉ trước đó đều không được chấp nhận.
Theo bà Sanh, sau khi căn nhà của mình bị ngân hàng bán, ông Chới gọi bà đến, cho biết bà đã nợ khoản lãi hơn 4,7 tỉ đồng, gồm hơn nửa tỉ là lãi phạt. Bà Sanh tố cáo ông này gợi ý có thể “giải quyết” giúp với điều kiện bà Sanh đưa cho mình “lộ phí” 400 triệu đồng.
Điều khiến "con nợ" khó tin là khoản lãi suất tăng lên chóng mặt chỉ sau thời gian ngắn. Thời gian này, bà vẫn đinh ninh tin rằng ông này đồng thời là chỗ thân tín làm ăn lâu năm đang tìm cách giúp đỡ mình.
Nhưng mãi sau đó, nhiều lần đề nghị thanh lý hợp đồng vay vốn để nhận lại tiền thừa, bà mới té ngửa: “Ông ấy bảo sau khi trừ các khoản nợ, tôi còn lại 161 triệu đồng và chuyển số tiền này vào tài khoản của tôi”.
Càng bức xúc hơn bởi sau đó, bà phát hiện 2 hợp đồng tín dụng mang tên mình vay vốn tại một ngân hàng khác. Nội dung cho thấy vào ngày 27/8/2012, bà Sanh cùng lúc vay hai khoản tiền, tổng cộng là 3,5 tỉ đồng.  Điều vô lý là hai hợp đồng vay vốn này được bảo lãnh bởi hai người mà bà chưa hề quen biết và thời hạn vay chỉ 2 ngày.
“Tôi đang còn tiền trong ngân hàng chi tiêu chưa hết thì vay vốn làm gì. Sau này tìm hiểu mới biết hai người đứng ra bảo lãnh để tôi vay 3,5 tỉ đồng trên là hai con trai của ông Chới đang theo học tại TP.HCM.
Tôi khẳng định không hề biết đến hai bản hợp đồng này, không hề kí tên. Rõ ràng ông Chới lợi dụng chức quyền lập hồ sơ khống để chiếm đoạt tiền của tôi”, bà Sanh tố cáo.
Bà cho biết từng đề nghị ông Chới xuất trình hai bản “hợp đồng khống”, nếu đúng chữ kí của mình, bà sẵn sàng chấp nhận; nhưng yêu cầu không được đáp ứng. Từ sau khi sự việc vỡ lở, cả bà lẫn luật sư của mình nhiều lần liên hệ làm việc với ông Chới đều bị từ chối.
Cuối tháng 2/2013, bà đã uỷ quyền cho luật sư Phan Tấn Hùng (văn phòng luật sư Phan Tấn Hùng, thuộc Đoàn luật sư tỉnh Khánh Hoà) gửi đơn tố giác ông Chới về hành vi lạm dụng tín nhiệm, lạm quyền để chiếm đoạt tài sản đến công an tỉnh Khánh Hoà.
Bà Sanh cho biết vì bị bạn bè “phản bội” mà bệnh tình bà ngày càng trầm trọng, mỗi tháng đều phải lên TP.HCM tái khám. Người chồng của bà khi thấy vợ lâm bệnh, nợ ngân hàng cũng đã bỏ nhà theo tình mới. Tuy nhiên, mất mát lớn nhất như lời bà nói, đó là uy tín và danh dự của mình, mất một số khách hàng làm ăn: “Họ đâu hiểu nội tình sự việc, ai biết tôi bị lừa?”.

Đọc thêm