Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa, giáo dục cũng chính là sứ mệnh mà UNESCO đang thúc đẩy

(PLVN) - Năm 1987, khóa họp lần thứ 24 của Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) diễn ra tại Paris, Pháp từ ngày 20/10 đến 20/11 đã quyết định tưởng niệm những nhân vật kiệt xuất đã để lại những dấu ấn rất mạnh mẽ, sâu sắc trong lịch sử nhân loại.
Bà Lê Thị Thu Hằng, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao phát biểu tại Lễ kỷ niệm. (Nguồn ảnh VTV.vn)
Bà Lê Thị Thu Hằng, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao phát biểu tại Lễ kỷ niệm. (Nguồn ảnh VTV.vn)

Trong đó, Nghị quyết 24C/18.65 của UNESCO ghi nhận “năm 1990 sẽ đánh dấu 100 năm kỷ niệm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”.

Những đóng góp và giá trị tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh được UNESCO tôn vinh và đề cao

Nghị quyết khẳng định Người là “một biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả một dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội”, đồng thời “là hiện thân khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc của mình và tiêu biểu cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau”.

Những đóng góp và giá trị tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh được UNESCO tôn vinh và đề cao. “Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người khai sinh ra nước Việt Nam độc lập, mà ảnh hưởng của Người còn vượt ra xa khỏi biên giới đất nước. Trong suốt cuộc đời, Người đã duy trì mối quan hệ rất chặt chẽ, kết nối với nhiều nền văn hóa khắp nơi trên thế giới… Với UNESCO, giáo dục, văn hóa chính là trụ cột của một nền độc lập cũng như giải phóng phụ nữ. Về mặt này, Chủ tịch Hồ Chí Minh có một tầm nhìn sâu rộng và đúng đắn. Người đã chống lại những định kiến về giới, luôn nỗ lực để bảo đảm phụ nữ được đi học. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh, mọi người dân đều bình đẳng trước pháp luật, phụ nữ được hưởng mọi quyền bình đẳng với nam giới về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, gia đình…” - mới đây khi nhắc lại sự kiện cách đây 35 năm tại Lễ kỷ niệm Ngày UNESCO ra Nghị quyết 24C/18.65 tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Giám đốc UNESCO, bà Audrey Azouley nhấn mạnh.

Đại diện UNESCO đánh giá cao việc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa giáo dục, văn hóa - cũng chính là những giá trị nền tảng của UNESCO, trở thành trọng tâm trong cuộc đời cũng như sự nghiệp chính trị của mình: “Rất nhiều bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện cho lý tưởng này. Những trích dẫn, di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên Báo Thanh niên do Người thành lập năm 1925, đã đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử đất nước. Những di sản của Hồ Chí Minh chắc chắn đã đóng góp xây dựng một Việt Nam hiện đại ngày nay, coi trọng văn hóa, giáo dục trong những chính sách phát triển, như tôi đã được chứng kiến trong chuyến thăm của mình”.

Ngày 11/10/2022, tại trụ sở của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp quốc ở Thủ đô Paris, Phái đoàn Việt Nam tại UNESCO và Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp cũng trang trọng kỷ niệm sự kiện “Hồ Chí Minh: Con người vì hòa bình, danh nhân văn hóa kiệt xuất” với sự tham gia, đồng bảo trợ của UNESCO. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ chuỗi các sự kiện kỷ niệm 35 năm UNESCO ra Nghị quyết số 24C/18.65 vinh danh “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam” do Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức ở trong và ngoài nước.

Phát biểu tại buổi lễ, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã nêu bật ý nghĩa của Nghị quyết UNESCO tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhấn mạnh việc Tổ chức này ra Nghị quyết là sự ghi nhận đối với đóng góp, cống hiến lớn lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào sự nghiệp đấu tranh chung của nhân dân trên thế giới trước áp bức, bất công, vì độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội; đồng thời tôn vinh những lý tưởng cao đẹp, bản sắc văn hóa và khát vọng của Người và dân tộc Việt Nam về một thế giới hòa bình, bình đẳng và hạnh phúc. Hồ Chí Minh là hình mẫu tiêu biểu cho tinh hoa của dân tộc Việt Nam. Người thấu hiểu sâu sắc và đặt niềm tin vào giá trị chân, thiện, mỹ, vào bản chất cao đẹp của con người, như tinh thần Hiến chương của UNESCO “Vì chiến tranh bắt đầu từ tâm trí con người, nên phải xây dựng thành trì về hòa bình trong tâm trí con người”.

Thay mặt Tổ chức UNESCO, Phó Tổng Giám đốc Xing Qu khẳng định: “Với việc UNESCO ra quyết định này, các quốc gia thành viên đã cùng mong muốn vinh danh những gương mặt luôn theo đuổi một lý tưởng, cũng chính là trọng tâm nhiệm vụ của tổ chức này. Lý tưởng đó là sức mạnh của giáo dục và văn hóa nhằm nuôi dưỡng bản sắc và khát vọng của các dân tộc. Nhưng lý tưởng đó cũng để cho phép họ hiểu nhau và xây dựng hòa bình. Một lý tưởng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh vô cùng tin tưởng, Người đã đưa văn hóa và giáo dục trở thành trụ cột cho nền độc lập của nước Việt Nam và sự giải phóng của dân tộc. Đây cũng là lý do tại sao Người đã nỗ lực rất nhiều để giúp cho giáo dục có thể tiếp cận được với tất cả mọi người, đặc biệt với phụ nữ, vì ông cũng là người nhiệt thành ủng hộ bình đẳng giới”.

Nhân dịp này, Phó Tổng Giám đốc UNESCO cũng kêu gọi mọi người cùng nhau tiếp tục giữ vững lý tưởng bình đẳng này của Hồ Chí Minh và cùng nhau tôn vinh những lý tưởng chung đó là sự liên kết về trí tuệ và đạo đức của nhân loại, dựa trên nền tảng văn hóa và giáo dục.

Các hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là điểm nhấn quan trọng của công tác ngoại giao văn hóa

Nhân sự kiện “Hồ Chí Minh: Con người vì hòa bình, danh nhân văn hóa kiệt xuất” tại Paris, Pháp, bà Lê Thị Thu Hằng, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao đã trả lời phỏng vấn báo chí. Bà Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Việc UNESCO, Tổ chức đại diện cho đạo đức và trí tuệ của nhân loại, ra Nghị quyết vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ có ý nghĩa to lớn đối với nhân dân Việt Nam mà còn đối với nhân dân tiến bộ trên thế giới. Đây là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp, cống hiến lớn lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào sự nghiệp đấu tranh chung của nhân dân Việt Nam và thế giới; đồng thời tôn vinh, đề cao lý tưởng cao đẹp, bản sắc văn hóa và khát vọng của Người và dân tộc Việt Nam về một thế giới hòa bình, bình đẳng và hạnh phúc. Tư tưởng, giá trị nhân văn, đạo đức và nhân cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh có sức lôi cuốn, khích lệ các dân tộc bị đô hộ, đứng lên đấu tranh vì độc lập, tự do, công lý và tiến bộ xã hội”.

Cũng theo bà Lê Thị Thu Hằng, sự kiện “Hồ Chí Minh: Con người vì hòa bình, danh nhân văn hóa kiệt xuất” tại trụ sở UNESCO, Paris, Pháp là một hoạt động trong chuỗi các sự kiện kỷ niệm 35 năm do Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức ở trong và ngoài nước. Sự kiện được tổ chức vào đúng dịp khóa họp lần thứ 215 Hội đồng chấp hành mà Việt Nam hiện đang là thành viên, có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác chặt chẽ với UNESCO trên các lĩnh vực giáo dục, khoa học và văn hóa; đồng thời lan toả, giới thiệu rộng rãi hơn nữa về tư tưởng, cuộc đời, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ thiên tài, kiệt xuất của dân tộc Việt Nam với bạn bè quốc tế. Những tư tưởng của Người về văn hóa, giáo dục cũng chính là sứ mệnh mà UNESCO đang thúc đẩy như: coi trọng đa dạng văn hóa, diệt giặc dốt gắn với xóa nạn mù chữ; học tập suốt đời gắn với giáo dục toàn cầu; trồng cây gắn với bảo vệ môi trường…

“Nhằm phát huy ý nghĩa của Nghị quyết UNESCO, trong 35 năm qua, các hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những điểm nhấn quan trọng của công tác ngoại giao văn hóa. Các hoạt động tôn vinh Bác đã và đang được triển khai đồng bộ, hiệu quả thông qua mạng lưới các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với sự hưởng ứng, tham gia của đông đảo chính quyền, người dân sở tại. Những công trình mang tên Người ở các quốc gia đã trở thành biểu tượng hữu nghị giữa Việt Nam và các nước; đồng thời các hội thảo, phim ảnh, sáng tác nghệ thuật do chính học giả, nghệ sĩ sở tại thực hiện đã giúp thế hệ trẻ hiểu biết hơn về lịch sử, văn hóa và con người Việt Nam, giúp Việt Nam gần gũi hơn với thế giới thông qua Chủ tịch Hồ Chí Minh” - bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.

Đến với buổi lễ ngày 11/10, tại trụ sở của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp quốc ở Thủ đô Paris, rất nhiều người mang trong mình một tình cảm đặc biệt với Bác Hồ. Trong số đó có bà Elisabeth Helfer Aubrac, con gái nuôi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Có mặt ở đây ngày hôm nay và dự lễ kỷ niệm này trong khuôn viên của UNESCO là bằng chứng cho thấy tự do, dân chủ và văn hóa đã chiến thắng. Hồi năm 1946, khi Bác Hồ sống ở nhà bố mẹ tôi, ai có thể tưởng tượng rằng một ngày nào đó Người được vinh danh như thế này. Tôi thấy rằng điều đó rất quan trọng và tôi rất tự hào” - bà nhớ lại những kỷ niệm đẹp về người cha nuôi thường gọi bà bằng cái tên trìu mến Babette.

Elisabeth Helfer Aubrac là con gái của nhà cách mạng người Pháp Raymond Aubrac. Bà sinh ra đúng năm 1946 - năm Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Pháp với tư cách thượng khách của nước Pháp tham dự Hội nghị Fontainebleau. Bà đã may mắn được Bác Hồ nhận là con gái đỡ đầu. Cha bà Elisabeth Helfer Aubrac ông Raymond Aubrac đã có nhiều đóng góp tích cực vào sự nghiệp đổi mới của Việt Nam và việc vun đắp tình hữu nghị và hợp tác Việt - Pháp. Ông là người đã giúp đỡ ký kết Bản thỏa thuận thương mại đầu tiên giữa Việt Nam và Pháp (năm 1955); trao đổi thông điệp giữa Hà Nội và Washington để xác định chấm dứt vô điều kiện việc Mỹ ném bom xuống Việt Nam (1967); kêu gọi chấm dứt việc ném bom xuống các đê sông Hồng (1972); đại diện Tổng Thư ký Liên Hiệp quốc thực hiện chương trình trợ giúp của Liên Hiệp quốc cho Việt Nam thống nhất (1976); yêu cầu Mc Namara chấp thuận chuyển giao cho Việt Nam sơ đồ các bãi mìn ở vĩ tuyến 17 (1979) và thực hiện nhiều chương trình hợp tác kỹ thuật giúp Việt Nam của Liên Hiệp quốc, FAO và Pháp từ 1976… Ông Raymond Aubrac mất năm 2012 và để ghi nhớ công lao của ông, Chủ tịch nước đã truy tặng ông Huân chương Hồ Chí Minh vào năm đó.

Đọc thêm