Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác tham mưu và kinh nghiệm cho đội ngũ cán bộ

(PLVN) - Công tác tham mưu có vị trí, vai trò rất quan trọng trong mỗi cơ quan và được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, tham mưu là công việc khó, để hoàn thành nhiệm vụ, cán bộ làm công tác tham mưu phải chủ động, nắm tình hình từ “sớm”, từ xa, có đầu óc “sắc” sảo, nhạy bén, vững “chắc” ngay trong bản lĩnh chính trị và nhiệm vụ được giao, và phải đi “sâu”, đi sát vào đời sống cán bộ và quần chúng nhân dân. Đó chính là “Sớm – Sắc – Chắc – Sâu”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh (Ảnh tư liệu)
Chủ tịch Hồ Chí Minh (Ảnh tư liệu)

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ tham mưu có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự phát triển của các cơ quan, tổ chức. Đó là người tư vấn, giúp cán bộ lãnh đạo nắm được tình hình để có những quyết sách đúng đắn trong hoạt động lãnh đạo, quản lý của mình.

Tham mưu chủ động, nắm tình hình từ “sớm”, từ xa

Năm 1950, đến thăm Văn phòng Trung ương Đảng tại Chiến khu Việt Bắc, Người đã căn dặn: “Công tác Văn phòng có tầm quan trọng đặc biệt, giúp cho cán bộ lãnh đạo nắm được tình hình. Cán bộ Văn phòng nắm tình hình sai thì lãnh đạo sẽ giải quyết công việc không đúng... cho nên phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, năng lực công tác và giữ bí mật, để phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ được giao”.

Chính vì nhiệm vụ “giúp cho cán bộ lãnh đạo nắm được tình hình”, công tác tham mưu đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hỗ trợ cán bộ lãnh đạo trong việc nắm bắt tình hình và quản lý công việc hiệu quả. Bằng cách cung cấp thông tin kịp thời và chính xác, công tác tham mưu giúp lãnh đạo đưa ra những quyết định đúng đắn và chiến lược. Điều này đòi hỏi cán bộ tham mưu phải chủ động trong việc thu thập, xử lý và truyền đạt thông tin đến lãnh đạo một cách nhanh chóng.

Việc chủ động từ sớm, từ xa có nghĩa là phải dự báo và chuẩn bị trước cho những tình huống có thể xảy ra. Điều này giúp cán bộ lãnh đạo có thể đối mặt với vấn đề một cách bình tĩnh, tỉnh táo và hiệu quả hơn, từ đó đảm bảo sự ổn định và phát triển của tổ chức. Công tác tham mưu cũng cần chú trọng đến việc chủ động phối hợp với các bộ phận khác để nắm bắt thông tin đa chiều và đưa ra những đề xuất, giải pháp phù hợp.

Cán bộ tham mưu vừa giúp việc, tham mưu các nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất, vừa đôn đốc, kiểm tra và báo cáo kết quả với cấp trên; vừa là “đầu mối công việc” được ủy quyền trong triển khai, giải quyết nhiều công việc quan trọng. Hiệu quả hoạt động của Văn phòng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả hoạt động chung của toàn bộ cơ quan, đơn vị. Vì vậy, cán bộ tham mưu cần chủ động nắm chắc thông tin, tình hình liên quan đến sự kiện để tham mưu với lãnh đạo, để lãnh đạo kịp thời ban hành các phương án, kế hoạch; thường xuyên cập nhập, bổ sung, chỉnh lý phương án, kế hoạch để phù hợp với tình hình thực tiễn và thay đổi.

“Sắc” sảo, nhạy bén trong phân tích, tổng hợp vấn đề

“Cán bộ văn phòng nắm tình hình sai thì lãnh đạo sẽ giải quyết không đúng… Cho nên, phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, năng lực công tác và giữ bí mật”. Việc “nắm được tình hình” theo lời dạy của Bác chính là tính sắc sảo, nhạy bén, sáng tạo, chuyên nghiệp trong khả năng dự báo, khả năng “bài binh bố trận”… của cán bộ tham mưu để nêu được những đề xuất đúng đắn trong hoạt động tham mưu, giúp việc cho các cấp lãnh đạo. Người cũng động viên cán bộ, công chức làm công tác tham mưu: Bây giờ chưa có kinh nghiệm, chưa hiểu biết về công tác tham mưu, có khó khăn đấy, nhưng phải cố gắng vừa làm, vừa học, có quyết tâm thì khó mấy cũng làm được, thế nào ta cũng xây dựng được một ngành tham mưu vững mạnh, tài cán, xứng đáng với dân tộc Việt Nam mưu trí, sáng tạo và anh hùng bất khuất để bảo vệ độc lập của Tổ quốc, tự do của dân tộc.

Về vai trò, vị trí, người làm công tác tham mưu là cánh tay đắc lực hỗ trợ lãnh đạo đưa ra các quyết định quan trọng. Để làm tốt công việc này, đội ngũ tham mưu cần có khả năng phân tích và tổng hợp thông tin một cách sắc sảo. Điều này đòi hỏi kỹ năng đánh giá và hiểu biết sâu về các vấn đề liên quan đến chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội. Bên cạnh đó, sự nhạy bén là yếu tố quan trọng giúp người làm công tác tham mưu nhận biết và dự đoán những thay đổi hoặc cơ hội trong tình hình thực tiễn. Điều này cho phép cán bộ đưa ra các phương án, chiến lược phù hợp và hiệu quả để lãnh đạo có thể ứng phó kịp thời với mọi tình huống.

Chính vì thế, người làm công tác tham mưu không đơn thuần là giúp việc cho lãnh đạo các cấp, mà còn phải là người có bản lĩnh, có năng lực, trình độ chuyên môn, chủ động, độc lập, thích ứng cao trong công việc, luôn cần cù, tỉ mỉ, có tính chuyên nghiệp, nguyên tắc cao. Đặc biệt phải là người có khả năng chỉ đạo, điều phối công việc, có khả năng phân tích, tổng hợp và nhạy bén với nhiệm vụ chính trị, có tư duy biện chứng, dám đề xuất, dám chịu trách nhiệm.

“Chắc” chắn trong phẩm chất chính trị và nhiệm vụ được giao

Tham mưu là một công việc khó, đòi hỏi cán bộ làm công tác tham mưu phải vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Tham mưu không chỉ là đề xuất các chủ trương mà còn phải đưa ra được các giải pháp, cách thức tổ chức triển khai thực hiện phù hợp, khoa học, hiệu quả giúp lãnh đạo quản lý, chỉ đạo, điều hành công việc. Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Tham mưu mà làm việc theo kiểu dĩ hòa vi quý, cố làm đẹp lòng cấp trên bằng bất cứ giá nào thì chỉ có hại cho quốc kế dân sinh”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không tách đạo đức ra khỏi chuyên môn, không tách đạo đức ra khỏi một con người cụ thể. Người đòi hỏi phải “hồng thắm, chuyên sâu”, có đức phải có tài, có tài phải có đức. Đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức nói chung, và cán bộ làm công tác tham mưu nói riêng không phải tự nhiên mà có, mà phải do rèn luyện mới nên. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu nghiêm khắc mỗi cán bộ “phải thực hiện cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, phải lấy phê bình và tự phê bình mà tiêu diệt chủ nghĩa cá nhân và bồi dưỡng chủ nghĩa tập thể”. Phẩm chất, bản lĩnh và trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ làm công tác tham mưu tổ chức là nhân tố quan trọng tạo nên chất lượng của bộ máy tham mưu, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của toàn bộ hệ thống chính trị. Bởi vậy, hơn lúc nào hết, cần “kiện toàn tổ chức và lề lối làm việc; nâng cao tính tổ chức, tính kỷ luật và đạo đức cách mạng của toàn thể cán bộ và đảng viên”.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu “bất kỳ chỗ nào, bất kỳ việc gì, Đảng và Chính phủ đã giao thì các cô, các chú phải quyết tâm làm cho trọn, không nên muốn thế này, thế khác”. Đó chính là phải nắm chắc nhiệm vụ, công việc mình được giao, và hoàn thành trước hết là trọn vẹn, sau đó mới tính đến hoàn thành xuất sắc. Đồng thời, theo chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ tham mưu “chăm chỉ làm việc chưa đủ, cần phải biết làm việc cho có phương pháp. Phải cần mà phải cẩn nữa”.

Không những “cần cù” mà còn phải “cẩn trọng”, cẩn thận. Trong bài “Phải giữ bí mật của Nhà nước” đăng trên Báo Nhân Dân, số 700, ngày 01/2/1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Những văn kiện bí mật của Nhà nước quan hệ trực tiếp đến vận mệnh của toàn dân, đến sự mất còn của dân tộc. Cho nên giữ bí mật của Nhà nước là nhiệm vụ của toàn dân, đặc biệt là nhiệm vụ của cán bộ các cơ quan, các đoàn thể”. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu các cơ quan và các đoàn thể cần phải xem trọng giáo dục, nghiêm chỉnh chấp hành và thường xuyên kiểm tra công tác này giữ bí mật: Chúng ta phải xem giữ bí mật là một việc rất cần thiết và rất quan trọng trong công cuộc kháng chiến. Cán bộ và chiến sỹ phải làm gương mẫu giữ bí mật. Chính quyền và đoàn thể cần có kế hoạch tuyên truyền và giáo dục nhân dân giữ bí mật. Chúng ta đã đánh thắng địch trên mặt trận quân sự, chính trị, kinh tế, chúng ta phải kiên quyết đánh thắng địch trên mặt trận tình báo bằng cách tuyệt đối giữ bí mật. Như vậy, để giữ gìn những thành quả của cách mạng thì mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân nói chung và cán bộ, công chức Nhà nước làm công tác Văn phòng nói riêng đều phải nêu cao tinh thần và thực hiện nghiêm túc việc giữ bí mật. Đây là công việc thường xuyên, ở mọi lúc, mọi nơi và là trách nhiệm của toàn xã hội, không chỉ của riêng ai.

“Sâu” sắc trong suy nghĩ - “sâu” sát với cán bộ, nhân dân

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra: “Công việc có việc khó việc dễ, việc nặng việc nhẹ. Phải phân phối thế nào cho người đúng với việc, việc đúng với người và ai cũng có công việc, cũng phấn khởi lao động”.

Trên cơ sở đó, người làm công tác tham mưu về tổ chức cán bộ “phải hiểu biết cán bộ, khéo dùng cán bộ”. Đây là hai vấn đề rất quan trọng trong chính sách cán bộ. Nếu không hiểu biết cán bộ thì người làm công tác tham mưu sẽ không thể đánh giá cán bộ một cách thực chất, không thể tham mưu cho lãnh đạo về công tác tổ chức cán bộ. Do đó, người làm tham mưu về công tác tổ chức phải biết lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cán bộ nhân viên, bên cạnh việc phải nắm rõ sở trường, năng lực chuyên môn của từng cán bộ.

Qua theo dõi, tổng kết thực tiễn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát hiện những trường hợp cán bộ làm công tác tổ chức tham mưu bố trí, sử dụng cán bộ không đúng với thế mạnh, năng lực của cán bộ. Vì thế mới xảy ra tình trạng: “Người nói giỏi lại cho vào việc chỉ cần khéo chân tay, người viết giỏi lại cho làm việc về lao động thì nhất định không thể nào thành công được”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra những “chứng bệnh” thường gặp trong vấn đề đánh giá cán bộ của những người làm công tác tham mưu về tổ chức cán bộ, như tự cao, tự đại, ưa nịnh; để tình cảm yêu, ghét cá nhân ảnh hưởng đến công việc của tổ chức; định kiến, khuôn mẫu đem một cái khuôn khổ nhất định, chật hẹp mà lắp vào tất cả mọi người khác nhau; ham dùng người bà con, anh em quen biết...

Bên cạnh đó, công tác tham mưu phải đi sâu vào quần chúng nhân dân để nắm bắt ý kiến, nguyện vọng và phản ánh của nhân dân một cách chân thực và toàn diện. Việc hiểu rõ những nhu cầu, mong muốn và khó khăn của người dân là nền tảng để xây dựng các đề xuất chiến lược phù hợp, hướng tới lợi ích chung của nhân dân. Trong lần đi thực tế nắm tình hình nhân dân trong đêm giao thừa năm 1960, Bác đã huấn thị đối với các đồng chí trong bộ Chính trị là phải kiên quyết phòng, chống nạn quan liêu, xa rời quần chúng. Bác nói: Một số lãnh đạo các địa phương còn quan liêu và nặng về hình thức. Họ không chịu đi sâu, đi sát quần chúng, nên phục vụ quần chúng chưa tốt. Nếu chúng ta chỉ nghe báo cáo của họ thì sẽ không bao giờ nắm được chính xác tình hình để có chủ trương, nghị quyết đúng đắn. Đảng quan liêu, chính quyền quan liêu, thực sự là một nguy cơ đối với đất nước chúng ta.

Việc đi sâu, đi sát với đời sống nhân dân còn giúp cán bộ làm công tác tham mưu hiểu rõ hơn về các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội mà người dân đang đối mặt. Điều này giúp cán bộ tham mưu có cái nhìn thực tế hơn, từ đó có thể đề xuất các phương án, kế hoạch, giải pháp phù hợp với thực tế và nguyện vọng của người dân.

Tiếp nối tinh thần ấy, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” đã chỉ rõ “hai trọng tâm”, nhấn mạnh yêu cầu cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ, hiệu quả công tác cán bộ; chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo phục vụ phát triển và có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược và bí thư cấp ủy, người đứng đầu các cấp đi đôi với phân cấp, phân quyền nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ quyền lực.

Đọc thêm