Tư tưởng tính nam độc hại, "khối u" tiềm tàng ngăn cản sự phát triển của xã hội

(PLVN) -  Từ xưa tới nay, trong tâm thức của mọi người vẫn luôn tồn tại rất nhiều định kiến như định kiến về tôn giáo, định kiến về giai cấp trong xã hội, hay định kiến giới, đặc biệt đó là tính nam độc hại.
Tính nam độc hại

TƯ TƯỞNG TÍNH NAM ĐỘC HẠI, “KHỐI U” TIỀM TÀNG NGĂN CẢN SỰ PHÁT TRIỂN CỦA XÃ HỘI

Từ xưa tới nay, trong tâm thức của mọi người vẫn luôn tồn tại rất nhiều định kiến như định kiến về tôn giáo, định kiến về giai cấp trong xã hội, hay định kiến giới, đặc biệt đó là tính nam độc hại. Vậy tính nam độc hại ở đây là gì?

“Tính nam độc hại” là khái niệm nơi xã hội gắn người đàn ông với những tính cách, trách nhiệm mang tính cực đoan như: phải mạnh mẽ về thể chất, ít cảm xúc và hung hăng trong hành vi, không có tính nữ như thể hiện nhiều cảm xúc, nhận sự giúp đỡ, phải đạt được quyền lực, địa vị xã hội thì mới được xã hội tôn trọng, hay được hiểu rộng hơn là các quy chuẩn một chiều của xã hội áp lên người nhận vai trò là trụ cột. Và chính điều này đã tạo áp lực đè nặng lên đôi vai của người đàn ông từ những kỳ vọng huyễn hoặc của gia đình, xã hội.

Ngày nay, khái niệm này tồn tại khắp nơi trên thế giới và ngày càng ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội như:

Ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Tình trạng các cặp vợ chồng tan vỡ hôn nhân hay sống không hạnh phúc chỉ vì không sinh được con trai vẫn tồn tại. Bạo lực gia đình diễn ra phổ biến trong đó người vợ, con nhỏ thường là nạn nhân.

Ngoài ra, đàn ông thường cô đơn khi phải đối diện với vấn đề “cơm, áo, gạo, tiền” mà thiếu sự đồng cảm của gia đình và xã hội khi xem đó là trách nhiệm đương nhiên của phái mạnh, điều đó khiến họ bị rơi vào trầm cảm, chỉ có thể tìm đến bia rượu hay các chất gây nghiện khác để giải tỏa.

Trong quan niệm truyền thống, người nam luôn được coi là tác nhân chính gây ra bất bình đẳng giới, bởi thế các chính sách hiện nay đang có xu hướng nâng cao vị thế của người phụ nữ. Tuy nhiên cả hai giới cần được đánh giá cụ thể hơn về vai trò và trách nhiệm của mình trong vấn đề này.

Do đó, ta mới thấy “tính nam độc hại” đã mang lại những điều tiêu cực như thế nào cho xã hội. Tuy là vậy nhưng ngày nay, khi xã hội đang ngày càng phát triển, con người đã có cái nhìn thoáng hơn về những thứ được cho là định kiến này, họ cho rằng nam có thể mít ướt, nhẹ nhàng, nữ có thể độc lập, mạnh mẽ. Nếu nhìn vào trong gia đình, thời trang và công việc, chúng ta sẽ thấy định kiến độc hại này đã dần được tháo gỡ nhưng đâu đó vẫn còn tồn tại.

Trong Gia đình, trong nhận thức của mọi người từ xưa tới nay, đàn ông phải gánh trách nhiệm ra ngoài kiếm tiền, phụ nữ thì ở nhà nội trợ. Ngày nay, tuy phụ nữ đã đi ra ngoài để làm việc, đã có vòng tròn quan hệ cho bản thân nhưng phần lớn mọi người vẫn nghĩ rằng việc nội trợ, nhà cửa luôn là việc của phụ nữ, do đó, ngày nay họ vừa phải đi làm, vừa phải làm việc nhà, vừa phải quan tâm, dạy bảo con cái, rất nhiều việc dồn lên đôi vai của người phụ nữ, mà người đàn ông đi làm về chỉ cần nằm nghỉ ngơi và không cần làm gì. Đó cũng chính là biểu hiện cho tính nam độc hại đang còn tồn tại trong một số gia đình ở Việt Nam.

Phỏng vấn:

  • Đối tượng: Dương Hoàng Phúc - sinh viên năm 3 khoa ngôn ngữ Đức trường ĐHNN-ĐHQGHN đã có những chia sẻ về tính nam độc hại trong gia đình

  • Trong gia đình bạn, ai là người nắm giữ vai trò trụ cột?

-> Đối với gia đình mình thì thường bố mình là vai trò trụ cột của trong nhà, vì là mọi công việc kiếm tiền thì bố mình là người sẽ đảm đương trách nhiệm. Tuy nhiên thì mẹ mình cũng đóng góp một phần rất quan trọng trong cái việc là vừa cân bằng kinh tế gia đình cũng như là chăm sóc các con. Ở nhà thì mẹ mình đi bán đồ này, mẹ mình nấu ăn này, kể cả đi làm các công việc phụ khác cũng có tiền.

  • Ở nhà bố bạn có giúp đỡ mẹ bạn làm việc nhà hay không?

-> Thường thì ít khi, thường thì nếu mà cuối tuần, gia đình có cái lịch là dọn dẹp nhà hoặc là dịp tết, bố mình sẽ đóng góp trong việc là dọn nhà giúp mẹ, hoặc thậm chí là bê vác đồ vật nặng, còn mọi công việc nhà thì thường là mẹ mình làm, hoặc chị dâu mình làm.

  • Bạn đã nghe thấy cụm từ “tính nam độc hại” hay chưa? Và bạn nghĩ sao về khái niệm này?

-> “tính nam độc hại” thì mình từng nghe thấy rồi, nếu mà để giải thích dễ hiểu ra thì như kiểu, cho ví dụ là bản thân là con trai mà mình lại có tiêu chuẩn là mình phải là người mạnh mẽ, không được khóc, kiểu như vậy. Nếu mà có con trai nào như kiểu nhẹ nhàng, mềm mại một tí nữa thì bị cho rằng là yếu ớt, yếu đuối và không theo hình mẫu của con trai đấy thì nó là tính nam độc hại.

  • Trong gia đình có nên phân chia vai trò trụ cột tài chính hay nội trợ hay không? và vì sao?

-> Mình nghĩ là không thì bởi vì đối với tớ, cả phụ nữ và đàn ông đều có khả năng riêng của mình, cho nên là về việc kiếm tiền tài chính thì ai cũng giỏi, cho nên là ko nhất thiết là phải đàn ông phải làm trụ cột đi làm việc bên ngoài còn phụ nữ phải ở nhà làm nội trợ. Điều đấy là sai, thì phụ nữ cũng có quyền là đi làm ở công ty, đi đây đi đó để có tiền để bươn trải cuộc sống nên mình nghĩ là về kinh tế tài chính thì nên tự do.

  • Đối tượng: Cô Nguyễn Thị Dung giảng viên khoa ngôn ngữ Anh trường ĐHNN-ĐHQGHN đã chia sẻ về vấn đề này

  • Đối với bác, trong gia đình có nên phân chia vai trò trụ cột tài chính hay nội trợ hay không? và vì sao?

-> Không cần thiết, vì giờ xã hội cũng thay đổi rồi, phụ nữ cũng có cơ hội được đi học, được có các cơ hội việc làm thế nên là nếu như phụ nữ chỉ quanh quẩn ở nhà nội trợ thôi thì rất lãng phí tài năng. Và thứ 2 là cuộc sống hiện đại có rất nhiều nhu cầu về việc học tập của con cái và rất nhiều nhu cầu khác, và cái mức sống cũng tăng lên thế nên có mỗi một người chồng đi làm để kiếm tiền thôi thì cái cuộc sống gia đình nó sẽ hơi bị khó khăn một chút về mặt nọ hoặc mặt kia. Thứ 3 nữa là nếu mà một trong 2 người chỉ ở nhà nội trợ thôi thì cái không khí gia đình hoặc cái mối quan hệ giữa 2 vợ chồng cũng không được tốt đẹp lắm. Ví dụ một người ra ngoài có rất nhiều trải nghiệm, rất nhiều mối quan hệ, và hiểu biết xã hội rất là nhiều, trong khi một người chỉ ở nhà nấu cơm, nội trợ quanh quẩn bếp núc, con cái, thì dần dần cái kiến thức xã hội này, kiến thức năng lực chuyên môn của mình bị mài mòn đi thì tiếng nói chung giữa 2 vợ chồng nó sẽ không có nhiều. Ví dụ như là người chồng nói và người vợ không thể nào mà thảo luận được cùng 1 vấn đề đấy, vấn đề thời sự chính trị chẳng hạn, thì dần dần sẽ khiến người chồng sẽ có cảm giác coi thường người vợ. Thế nên là cả 2 người cùng ra ngoài để kiếm tiền rồi cùng ra ngoài đi làm không chỉ nhằm mục đích đảm bảo cuộc sống mà còn nhiều cái khác nữa như là mối quan hệ trong gia đình đấy. Bản thân cái người mà ở nhà cũng cảm thấy tù túng, chỉ ở nhà quanh quẩn con cái, bếp núc cũng sẽ thấy tù túng, mình không được giao lưu, không được trải nghiệm những cái mới. Thế nên là cái tâm trạng cảm xúc cũng không được ổn định lắm, cũng ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình, thế nên là cả 2 nên khuyến khích đi làm nhưng mà cái việc cân bằng cái vấn đề ngày nay nữa là trong cuộc sống hiện đại, gia đình có hơi khó, đó là nếu mà cả 2 người đi làm cả ngày, con cái cũng sẽ có thể bị bỏ bê một chút, hoặc là nếu mà có ai tham công tiếc việc quá cũng sẽ có ít thời gian cho gia đình thế nên là mình phải cân bằng thôi, hoặc là nhờ sự trợ giúp của ông bà hoặc thuê giúp việc thì sẽ đỡ hơn.

  • Người đàn ông có nhất thiết phải là người mạnh mẽ, là trụ cột cho gia đình hay không? Vì sao?

-> Cái này thì ngày xưa thì đúng, nhưng bây giờ thì chưa chắc. Bởi vì như cô nói rồi bây giờ có rất nhiều phụ nữ tài năng, họ rất là mạnh mẽ, quyết đoán, và thậm chí là năng động nữa mà một số người đàn ông còn tùy thuộc vào rất nhiều như tính cách này, hay là xuất thân trong gia đình, một số người mà chỉ an phận thôi thì mà làm công việc ví dụ là làm công việc nhà nước thôi thì đồng lương chưa chắc đã cao và nếu mà người vợ mà không đứng lên gồng gánh thì gia đình cũng sẽ rất là vất vả. Thế nên là ai tốt cái gì thì nên làm cái đấy và mình san sẻ với nhau, ví dụ như là vợ có năng lực kiếm tiền tốt thì chồng ngoài cái công việc ở ngoài xã hội ra thì về nhà nên giúp đỡ vợ làm việc nhà để có thể phát huy được năng lực của mình, và ngược lại cũng như thế, chứ không nhất thiết đàn ông phải là trụ cột kinh tế vì như thế, cô nghĩ đây là một cái định kiến trong xã hội, nó gây áp lực rất lớn cho đàn ông, thế nên là một số người mà nó cũng có thể gây ra tâm lý coi thường chồng đối với một số người vợ. Nếu mà chồng mà không làm được tiền thì sẽ có những lời nói hoặc hành động coi thường chẳng hạn, như thế là không tốt, thế nên là bây giờ mình phải theo xu hướng của xã hội, thay đổi của xã hội, tùy vào tình hình của từng gia đình, ví dụ như là ai có năng lực hơn thì người đấy đi làm kiếm tiền hơn cũng là tốt, cũng đều là lo cho gia đình cả, đều không có vấn đề gì.

Ngoài ra, trong công việc, chúng ta có thể thấy vẫn còn tồn tại những định kiến về giới tính. Trong tâm thức của một số người, họ luôn coi nghề làm giáo viên mầm non là nghề của phụ nữ; nghề làm hộ lý trong các bệnh viện là nghề của phụ nữ… Chính điều này đã làm cản trở và thu hẹp khả năng lựa chọn nghề nghiệp của cả nam giới và nữ giới. Hiện nay, thay vì lựa chọn theo sở thích, đam mê và năng khiếu, không ít học sinh có phần e dè. Nhiều em đã lựa chọn những ngành nghề không đúng với đam mê của bản thân, chỉ để phù hợp với những định kiến đã "đóng khung" của xã hội rằng nghề này chỉ phù hợp với nữ giới, nghề kia chỉ phù hợp với nam giới. Những định kiến đó đã kìm hãm sự phát triển của các cá nhân, cũng như của xã hội. Trong xã hội ngày nay, tuy đã có sự thay đổi nhất định nhưng tựu chung lại không thể nào thay đổi toàn diện và nhanh chóng được.

Phỏng vấn:

  • Đối tượng: Anh Việt Tùng (Báo Pháp luật media, chủ trung tâm đào tạo người mẫu)

  • Từ khi anh mở trung tâm tới nay, lượng học viên nam tìm đến học có nhiều hay không?

-> Mình chia sẻ luôn là nếu mình nhớ chính xác thì cứ trung bình khoảng 10 học viên nữ thì mới có khoảng 1 học viên nam, thậm chí là tỉ lệ ít hơn, 20 học viên nữ thì mới có 1 học viên nam, đấy là nếu mà trí nhớ của mình chính xác.

  • Thường những học viên nam ấy học ở đây thì có phải tất cả đều là muốn trở thành người mẫu hay là có mục đích khác ạ?

-> Theo như thống kê của cá nhân mình thì mình thấy rằng là khoảng 70% học viên nam khi mà tìm đến trung tâm là muốn trở thành người mẫu, tức là có mục đích về vấn đề công việc, còn khoảng 30%, tức là họ đến chỉ để có môi trường giúp họ tự tin hơn, họ không tự tin về ngoại hình của mình này, về dáng đi của mình và cái đối tượng khách hàng này thì theo như mình thấy thì chủ yếu là đối tượng văn phòng, các chủ doanh nghiệp, hoặc họ không tự tin vào bản thân và họ muốn đến để cải thiện.

  • Theo em biết thì mọi người cho rằng nghề người mẫu thường dành cho nữ, anh nghĩ sao về vấn đề này?

-> Quan điểm của mình về vấn đề này thì mình thấy rằng đây là một ý kiến nó không sai nhưng cũng không quá đúng. Bởi vì số lượng đầu công việc dành cho người mẫu nó phụ thuộc vào thị phần thời trang của theo giới. Thì chúng ta đều biết rằng ở đây, ví dụ như nam giới mà quan tâm đến thời trang thì thông thường, bây giờ thì được cải thiện nhiều rồi, nhưng mà nếu mà chúng ta có một cái thống kê thì chúng ta sẽ thấy rằng là sau độ tuổi kết hôn khoảng từ 27-28 tuổi trở lên thì hầu như cái việc mà mua sắm dành cho gia đình thì vẫn là người nữ làm chứ không phải là người nam cho nên cũng vì thế cho nên cái lượng nhu cầu mua hàng của giới tính nữ nhiều hơn, đồng nghĩa với việc là nhu cầu quảng cáo cho nên rằng cái việc số lượng người mẫu nam ít hơn hẳn so với người mẫu nữ, đây là một chuyện dĩ nhiên. Tại vì cái vấn đề này là do thị trường quyết định, cho nên nói về cái quan điểm rằng nghề người mẫu dành cho nữ, ừ thì đúng là thị phần dành cho nữ là cao hơn rồi. Tuy nhiên là nam giới chúng ta vẫn phải mặc quần áo, vẫn phải đeo kính này, vẫn phải sử dụng túi xách này rồi vân vân nữa, nên là nếu nói hoàn toàn là công việc dành cho nữ giới thì không đúng bởi vì là thị trường còn có sản phẩm dành cho nam thì cũng cần phải có sự góp mặt của người mẫu nam.

  • Những học viên nam học catwalk thì họ có chịu những định kiến nào về giới không? Nếu có thì những định kiến ấy đã hạn chế người nam như thế nào? Anh có biết câu chuyện nào về định kiến giới khi những người nam tham gia vào đào tạo catwalk hay không?

-> Theo như mình thấy thì có. Thứ nhất như ở trên có nói thì đại đa số mọi người vẫn có quan điểm rằng công việc catwalk, cái công việc người mẫu í là dành cho nữ giới, cho nên là nó cũng dẫn đến ví dụ như các bạn trẻ muốn đi theo con đường này phải chịu một số những cái áp lực từ xã hội cũng như là gia đình, ví dụ như gia đình cũng sẽ hoàn toàn, gia đình cũng có lý thôi, con làm cái công việc này sẽ không được quá lâu này, sẽ khó khăn và nó sẽ đào thải nhiều hơn các công việc khác, cái tính ổn định nó không bằng các công việc khác cho nên con hãy tìm cái công việc nào đấy nó ổn định hơn đi, thì đây cũng là một.. theo như mình thấy thì cũng là một cái tư duy không hề sai, mà đây cũng là một dạng định kiến và nó cũng là một hạn chế đối với người mẫu nam. Ngoài ra với những khách hàng của mình không phải đến để học để trở thành người mẫu, thì theo như mình thấy họ có một cái đó là rất ngại cho bạn bè hay là đồng nghiệp được biết rằng là họ đang đi học, đấy là những đối tượng như mình đã nói là các chủ doanh nghiệp này, thậm chí là một số những người làm công việc văn phòng, người ta ngại lắm vì người ta sợ bị các bạn đồng nghiệp đánh giá là “Ôi, nam giới nhưng mà ông điệu thế, ông tỉa tót, ông chỉn chu đến như thế, nó cứ bị sai sai.”, mà mình thấy rằng là những học viên này của chúng mình thì rất ngại public cái chuyện mà người ta đến cái lớp để tập cho làm sao dáng đi trông đẹp hơn, trông bệ vệ hơn, trông vững chãi hơn. Theo như mình thấy thì đây cũng là một dạng định kiến nữa. Bởi vì mình nghĩ rằng là xã hội phát triển và các nhu cầu của chúng ta cũng phát triển trong xã hội, cho nên là các sản phẩm dành cho nam từ chăm sóc da đến các loại hình dịch vụ làm đẹp dành riêng cho nam giới phát triển, cho nên là cái chuyện mà nam giới người ta chỉn chu, người ta chăm sóc bản thân tốt hơn thì theo như mình thấy thì cũng tốt thôi, không có vấn đề gì cả.

  • Bây giờ cái nhìn của xã hội đã cởi mở hơn, tính nam độc hại nói riêng hay định kiến giới nói chung đã giảm bớt như thế nào và đã cải thiện như thế nào với học viên nam?

-> Theo mình thì mình thấy khá là nhiều cái bình luận tiêu cực ở trên mạng xã hội nói về những người làm nghề người mẫu hoặc không phải là người mẫu tìm đến một nơi như chúng mình để mà tập cho có một cái dáng đi đẹp hơn thì theo như mình thấy rằng vẫn còn nhiều những bình luận khá là tiêu cực, bởi mình là người rất thường xuyên theo dõi mạng xã hội thì mình thấy khá là nhiều cái bình luận tiêu cực lắm, tuy nhiên nếu đánh giá sàng lọc chung thì mình thấy những cái định kiến nó cũng bớt đi nhiều rồi bởi vì là mình thấy rằng là cái cách mà sinh hoạt, cái cách sử dụng mạng xã hội của các bạn trẻ bây giờ nó, mình đánh giá là rất văn minh rồi, và cũng tôn trọng những cái sở thích này, những cái nhu cầu, những cái mong muốn của người khác, thực ra những cái này mình có thể nhìn thấy được qua số lượng học viên của bên mình thôi, học viên đông hơn thì cũng rõ ràng là các bạn ấy đang tự thoáng, đang tự cởi mở đối với bản thân, và đối với định kiến của xã hội rồi.

Ngoài công việc người mẫu có nhiều định kiến với nam giới ra thì còn một nghề cũng bị nhìn với con mắt không thiện cảm, đó là Drag Queen. Hiểu nôm na thì đó là nghệ thuật cải trang, là những nghệ sĩ nam ăn mặc hoán giới thành nữ và trang điểm đậm. Chính những người theo đuổi nghề này cũng phải nhận những cái nhìn kỳ thị nhưng vẫn có những người tôn trọng và hứng thú với nghề nghiệp này.

Anh Lê Hải Phong, một Drag Queen ở HN cũng có những chia sẻ về những điều khó khăn trong nghề của anh(Cắt lấy lời phỏng vấn Drag Queen trên Youtube)

Bà Nguyễn Kim Nhung, mẹ anh Phong cũng có những lời chia sẻ về con trai mình.

Tính nam độc hại trong gia đình, công việc hay thời trang thì đều là những định kiến đã ăn sâu vào trong nhận thức của mỗi người dân. Vậy nên việc thay đổi hoàn toàn là một điều khó khăn, thay đổi trong ngày 1 ngày 2 là điều bất khả thi nhưng thay đổi xã hội trong một khoảng thời gian đủ dài thì không phải là không được, chúng ta phải thay đổi từ trong nhận thức của chúng ta, rồi thay đổi nhận thức của một người, rồi một nhóm người, sau đấy nhận thức của xã hội sẽ dần được cải thiện và những định kiến ấy sẽ dần được xóa bỏ, làm được điều ấy xã hội sẽ được nâng tầm cao hơn, đặc biệt là xã hội Việt Nam. Đương nhiên xã hội Việt Nam vẫn còn rất nhiều định kiến nhưng không phải vì như vậy mà chúng ta loại bỏ đi những giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc, mà cần phải tiếp thu có chọn lọc để phù hợp với văn hóa của từng vùng miền. Vậy nên chúng ta, những công dân thế hệ mới, cần có cái nhìn cởi mở hơn, nhìn xa hơn để có thể tạo nên một xã hội dân chủ và văn minh.