Từ vụ chủ rừng bị khởi tố vì “dọn dẹp dây leo” tại Nghệ An: Vướng mắc khi xây dựng phương án bảo vệ rừng, thực hiện biện pháp lâm sinh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thời gian gần đây, một số người dân tại các xã Nam Sơn và Bắc Sơn, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An cho hay có tâm lý “sợ vào rừng” sau khi cơ quan chức năng khởi tố một vụ án.
Trên địa bàn Quỳ Hợp có nhiều diện tích rừng nghèo kiệt, qua nhiều năm bị dây leo, dây giang vươn lên cao phát triển nhanh. (Ảnh: Sơn Hải)
Trên địa bàn Quỳ Hợp có nhiều diện tích rừng nghèo kiệt, qua nhiều năm bị dây leo, dây giang vươn lên cao phát triển nhanh. (Ảnh: Sơn Hải)

Trước đó, các quyết định giao đất, giao rừng tự nhiên sử dụng đất rừng vào mục đích sản xuất đã có từ 2019, nhưng nhiều hộ dân đến nay vẫn không được phép sản xuất, cuộc sống của người dân bao đời gắn bó với rừng nhưng lại chưa thể sống được nhờ rừng.

Bà con cho rằng, trên địa bàn huyện có nhiều diện tích rừng nghèo kiệt, qua nhiều năm bị dây leo, dây giang vươn lên cao phát triển nhanh bao phủ cả những nơi có cây gỗ, dẫn đến nhiều diện tích rừng chỉ nhìn thấy màu xanh nhưng giá trị không cao. Nhiều điểm toàn là chuối rừng, có những chỗ rộng cả ha. Do đó, nếu như không áp dụng các biện pháp chăm sóc, phát triển kịp thời thì có thể dẫn đến suy thoái rừng.

Ông Lương Văn Phong (xã Bắc Sơn) cho rằng: “Lực lượng kiểm lâm trước đây đã xuống tuyên truyền người dân không ai được phép phát bụi nứa, cây chuối... nếu không sẽ bị phạt. Chúng tôi cũng muốn dọn dẹp lắm nhưng không dám, nên mong cơ quan chức năng có hướng dẫn để có thể chăm sóc, bảo vệ rừng phát triển”.

Và vụ việc của ông Lê Văn Thành bị khởi tố đã khiến một số người dân lo ngại, thậm chí dẫn đến việc không dám tác động, dọn dẹp.

Ông Lê Văn Thành (thường trú huyện Thường Tín, Hà Nội; là người được giao rừng tại huyện Quỳ Hợp) cho rằng: “Tôi là chủ rừng nên khi chứng kiến tình trạng cây leo, giang mọc tràn lan, không được dọn dẹp sẽ làm rừng bị suy thoái, nguy cơ cháy rừng rất lớn khi sắp đến cao điểm mùa khô năm 2023, nên tôi đã chủ động tìm hiểu quy định pháp luật liên quan đến lâm nghiệp, có hỏi xin phương án mẫu mà Hạt Kiểm lâm huyện Quỳ Hợp đang có để làm theo. Tuy nhiên, được biết trên địa bàn chưa có đơn vị, tổ chức, cá nhân nào lập nên tôi làm theo phụ lục của Thông tư 28/2018/TT-BNNPTNT và 29/2018/TT-BNNPTNT, tự lập phương án quản lý rừng bền vững, áp dụng các biện pháp kỹ thuật để tiến hành dọn dẹp dây leo, bụi rậm, giang, chuối… trên diện tích rừng mình đang quản lý. Sau đó, tôi bị cơ quan chức năng khởi tố trong vụ án “Hủy hoại rừng””.

Về nội dung này, Luật sư (LS) Chu Đông (Đoàn LS TP Hà Nội) giải thích: “Theo Thông tư 28 quy định về quản lý rừng bền vững và Thông tư 29 về các biện pháp lâm sinh, thì được cải tạo, phát triển rừng, trong quá trình đó người dân được phép gỡ bỏ các dây leo, cây sâu bệnh làm ảnh hưởng đến rừng. Nói cách khác, người dân có quyền thực hiện các biện pháp đúng quy định pháp luật để làm cho rừng tốt lên”.

Về phía ông Nguyễn Hữu Thanh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Quỳ Hợp cho biết: “Thời gian qua, có nhóm người dân muốn xây dựng phương án bảo vệ, quản lý rừng bền vững và thực hiện một số biện pháp lâm sinh theo quy định tại Thông tư 28 và 29. Tuy nhiên, đến nay Sở NN&PTNN chưa có hướng dẫn cụ thể thực hiện, nên chúng tôi chưa hướng dẫn các hộ dân thực hiện, chỉ tuyên truyền người dân bảo vệ rừng và chưa được thực hiện các biện pháp tại Thông tư 28 và 29”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An cho biết: “Về vấn đề xây dựng, quản lý rừng bền vững trên địa bàn tỉnh, đến nay đã xây dựng và phê duyệt được 22 đơn vị chủ rừng là các tổ chức. Với nội dung tại Điều 12 Thông tư 28 quy định về xây dựng phương án quản lý rừng bền vững với các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, đến nay chúng tôi triển khai còn gặp rất nhiều khó khăn. Vì với các hộ gia đình, cá nhân, thì diện tích còn manh mún, nhỏ lẻ, hai nữa kinh phí triển khai với các cá nhân, hộ gia đình không có. Nguyện vọng của các hộ gia đình muốn xây dựng phương án này, nhưng trình độ chuyên môn nghiệp vụ chưa đủ để xây dựng phương án này”.

Trước thực tế trên, nhiều ý kiến cho rằng việc giao đất, giao rừng nhằm hướng đến bảo đảm chất lượng tài nguyên rừng, qua đó cải thiện nguồn vốn sinh kế và thu nhập cho người dân, nhất là dân cư sống dựa vào rừng. Vì vậy, cơ quan chức năng cần sớm có những tháo gỡ, giúp cho những người giữ rừng hiểu, áp dụng các quy định pháp luật cho đúng và có thể sống được nhờ rừng.

Đọc thêm