Từ vụ rạch bụng trên giảng đường Đại học đến ẩn họa bệnh nhân tâm thần gây án

Thông tin mới về vụ người đàn ông bí ẩn lao vào giảng đường Đại học Ngoại ngữ rồi đập kính, tự rạch bụng.

Thông tin mới về vụ người đàn ông bí ẩn lao vào giảng đường Đại học Ngoại ngữ rồi đập kính, tự rạch bụng cho thấy những ẩn họa đằng sau việc để bệnh nhân tâm thần điều trị ngoại trú.

Rạch bụng trên giảng đường

Sự việc xảy ra vào khoảng 8h ngày hôm qua - 26/11, tại phòng học 105 của giảng đường A2, Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội). Khi đó trong lớp có 10 sinh viên năm thứ tư Khoa Tiếng Anh đang say sưa ngồi nghe thầy Phạm Đức Trung - giảng viên khoa Ngôn ngữ văn hóa Trung Quốc - giảng bài.

Người đàn ông náo loạn học đường đang nằm viện

Theo thầy Trung kể lại, thầy và các học trò đã rất sửng sốt khi có một người đàn ông (khoảng 50 tuổi - PV) bất thần chạy vào lớp học với dáng vẻ hớt hải, đầu bù tóc rối.

“Anh ta đối diện với tôi trong lớp và hỏi mượn điện thoại để gọi cảnh sát 113. Anh ta nói có rất nhiều người đang đuổi theo và có ý định giết mình. Nhưng khi tôi ra ngoài cửa lớp xem thử thì không thấy ai” - thầy Trung nói.

Khi thầy Trung quay vào, người đàn ông bất ngờ dùng tay đập vỡ kính cửa sổ ngay cạnh bàn giáo viên. Để giữ an toàn cho các học trò, thầy Trung lập tức ra hiệu cho các sinh viên rời khỏi lớp. Ngay sau đó, anh Đinh Quang Bình ở tổ bảo vệ đã cùng một đồng nghiệp chạy nhanh tới hiện trường.

Đến nơi, anh Bình thấy người đàn ông lạ mặt đang đứng giữa phòng học, tay cầm miếng kính vỡ. Anh Bình giả vờ xin lửa hút thuốc để tiếp cận nhưng đối tượng dọa sẽ ném kính vào anh nếu anh tiến tới. Cảm nhận thấy sự nguy hiểm của đối tượng, anh Bình đã nhanh trí chốt cửa ra vào, dùng chiếc bàn của sinh viên chặn lại. Liền sau đó, người lạ ở trong lớp học đã ném vỡ kính cửa ra vào. Hai bảo vệ phải dùng chiếc bảng to để chắn chỗ vỡ, ngăn kẻ hung hăng thoát ra ngoài.

Trong diễn biến tiếp theo, người đàn ông này đã cởi áo khoác, dùng kính vỡ tự rạch bụng và luôn miệng gọi... cảnh sát 113!

Sau 15 phút, lực lượng chức năng do Thượng tá Trần Bạch Mai - Phó Công an quận Cầu Giấy đã đến hiện trường, chỉ đạo giải cứu người đàn ông.

Dù được cảnh sát động viên, thuyết phục nhưng người đàn ông vẫn liên tục đập vỡ kính, lăm lăm cầm mảnh vỡ tự rạch bụng và kêu gào: “Công an ơi, chúng nó giết tôi”.

Khoảng hơn 20 phút sau, lực lượng công an đành phải phá cửa ập vào, ụp một chiếc chăn dày lên người đàn ông bất bình thường này và đưa anh ta đi cấp cứu ngay lập tức.

Chiều cùng ngày, một nhân viên y tế tại Bệnh viện 19-8 cho biết: Từ lúc nhập viện đến khi phẫu thuật xong, hễ tỉnh lại là bệnh nhân này gào thét, kêu la. Đến cuối giờ chiều hôm qua, chưa có thân nhân đến nhận bệnh nhân này và cơ quan công an vẫn phải túc trực ở bệnh viện để chờ xác minh lai lịch người này.

Ẩn họa từ việc điều trị ngoại trú cho bệnh nhân tâm thần

Những người chứng kiến vụ việc nêu trên đưa ra nhận định rằng “nhân vật chính” nhiều khả năng mắc bệnh tâm thần. Nếu giả thuyết trên là đúng thì đây lại là một vụ việc báo động cho công tác quản lý bệnh nhân tâm thần ở Hà Nội.

Thời điểm này, dư luận Hà Nội vẫn chưa thôi xôn xao về vụ án mạng kinh hoàng xảy ra vào lúc 18h ngày 23/11 tại nhà số 84 phố Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Án mạng xảy ra tại 84 Lò Đúc

Thời điểm đó, người dân nghe thấy tiếng gào thét phát ra từ căn nhà này nên chạy đến thì thấy cửa chính bị khóa trái. Một lát sau, lực lượng cảnh sát đã có mặt tại hiện trường và phải rất khó khăn mới đột nhập thành công vào ngôi nhà.

Khi cánh cửa bị phá tung, người ta thấy một người phụ nữ nằm bất động trên nền nhà, đứng cạnh là một nam thanh niên tay lăm lăm con dao chọc tiết lợn. Thấy lực lượng công an ập vào, đối tượng cầm dao này tự đâm hai nhát vào bụng mình rồi gục ngã.

Sau đó, nạn nhân được xác định là bà Nguyễn Thị Trang (56 tuổi, ở ngõ Giếng Hậu Khuông, đường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng). Do bị đâm tới hơn 10 nhát dao nên bà Trang đã tử vong trên đường đi cấp cứu. Người hại chết nạn nhân chính là nam thanh niên đã tự sát khi thấy công an. Đối tượng này là Nguyễn Huy Tuân (30 tuổi, ở nhà 84 phố Lò Đúc), hiện đang được cấp cứu tại Bệnh viện Quân y 108 Hà Nội.

Được biết, Tuân là đối tượng nghiện ngập, có nhiều biểu hiện bất bình thường về tâm thần và đang được điều trị ngoại trú tại khoa Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai). Sau khi bị vợ ly hôn, Tuân thi thoảng lại ra đường la ó. Cách đây không lâu, Tuân từng cầm dao sang nhà hàng xóm để... gọi điện thoại nhờ.

Nạn nhân Trang chính là cô ruột của Tuân. Do trước đây từng làm y tá nên bà Trang thường đến nhà Tuân để tiêm và cho cháu uống thuốc. Ngày 23/11, khi bà Trang vừa vào nhà Tuân thì đối tượng bất ngờ khóa trái cửa và dùng dao gây án.

Hại chết vợ, làm bị thương các con

Cũng trong tháng 11 này, ngày 25 vừa qua, TAND tỉnh Hưng Yên đã tuyên phạt Nguyễn Văn Trụ (ở xã Vân Du, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) 10 năm tù giam về tội “Giết người”.

Trụ là người hay rượu chè, thường la cà, bù khú khắp xóm, vẻ mặt Trụ lúc nào cũng đờ đẫn, hay lảm nhảm. Ban đầu, vợ Trụ là chị Trần Thị Thu (37 tuổi) nghĩ là do rượu gây nên. Sau đó, thấy các biểu hiện đó ngày càng nhiều nên chị Thu đã đưa chồng mình đi khám bệnh. Kết quả, các bác sỹ đã xác định: Trụ bị bệnh tâm thần. Sau nhiều lần chữa trị, bệnh tình của Trụ thuyên giảm nên anh ta được cho về nhà điều trị ngoại trú.

Tối 12/7/2010, sau khi ăn tối, chị Thu đang ngồi ghế đắp mặt nạ dưỡng da và cầm sổ xem xét tiền hàng. Trụ “thót tim” khi nhìn thấy vợ đắp mặt nạ nên vội giục chị Thu bỏ cái mặt nạ đi. Chiều chồng, chị Thu bỏ mặt nạ rồi đi ngủ. Nhưng cái mặt nạ ấy vẫn ám ảnh Trụ và anh ta nảy sinh ý nghĩ: “Có kẻ sắp giết mình!”.

Như ma xui quỷ khiến, Trụ xuống bếp lấy con dao bầu, chuôi gỗ rồi chạy thẳng lên chỗ vợ và con gái đang nằm ngủ. Hậu quả: Trụ đã sát hại vợ và làm bị thương các con./.

Nguyên tắc điều trị ngoại trú

Bác sỹ Nguyễn Văn Dũng (ảnh) (chuyên khoa Tâm thần - Viện Sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: 

BS Nguyễn Văn Dũng

Đối với các bệnh nhân được điều trị ngoại trú, người thân cần lưu ý là luôn luôn phải theo dõi và cho bệnh nhân uống thuốc đầy đủ theo đơn của bác sỹ.

“Nếu thấy có những biểu hiện khác thường, cần phải báo ngay cho bác sỹ phụ trách điều trị hoặc đưa đến bệnh viện để kiểm tra. Tuyệt đối tránh không được tạo ra các tác động đến xúc cảm của bệnh nhân” - bác sĩ Dũng nói.

Phúc Lâm - Thiên Minh

Đọc thêm