Tuần tới, bán đảo Triều Tiên chính thức kết thúc chiến tranh?

(PLO) - Hàn Quốc đang tìm cách thảo luận về việc chính thức tuyên bố kết thúc cuộc chiến tranh với Triều Tiên tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều sẽ diễn ra trong tuần tới.
Hàn Quốc và Triều Tiên về mặt kỹ thuật vẫn trong tình trạng chiến tranh
Hàn Quốc và Triều Tiên về mặt kỹ thuật vẫn trong tình trạng chiến tranh

AFP dẫn lời một quan chức cấp cao ở Phủ Tổng thống Hàn Quốc ngày 18/4 cho biết Hàn Quốc đang xem xét khả năng thay thế trạng thái đình chiến trên bán đảo Triều Tiên bằng trạng thái hòa bình. “Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề mà chúng tôi có thể tự làm được. Việc này cần phải có sự đàm phán chặt chẽ với các bên liên quan, trong đó có Triều Tiên”, vị quan chức giấu tên cho hay. 

Phát biểu của giới chức Hàn Quốc được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây nói rằng hội nghị thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in với “phúc lành” của ông có thể sẽ thảo luận về một hiệp định hòa bình để chính thức khép lại cuộc xung đột. Cuộc chiến tranh Liên Triều 1950 – 1953 kết thúc với tình trạng đình chiến thay vì một hiệp định hòa bình, khiến Hàn Quốc và Triều Tiên về mặt kỹ thuật vẫn đang trong tình trạng chiến tranh. Đây cũng là lý do khiến Khu vực phi quân sự giữa 2 nước vẫn đầy rẫy bom mìn và các chiến lũy. 

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng việc đạt được một hiệp định cuối cùng giữa 2 nước sẽ khá rắc rối. “Hiệp định hòa bình là một vấn đề rất khó”, ông Koo Kab-woo - Giáo sư tại trường Đại học nghiên cứu Triều Tiên - nhận định. Vấn đề phức tạp đầu tiên có thể nói đến là tình trạng đình chiến giữa 2 miền Triều Tiên được duy trì nhiều năm qua là do Trung Quốc và Triều Tiên ký kết còn Hàn Quốc không ký. Thêm vào đó, cả Bình Nhưỡng và Seoul đều tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ bán đảo Triều Tiên, do đó, một hiệp định giữa 2 nước có thể được xem là việc ngụ ý công nhận tuyên bố chủ quyền của nước kia.

Ngoài ra, Triều Tiên nhiều khả năng sẽ đòi Mỹ phải rút quân khỏi Hàn Quốc. Trong khi đó, Cố vấn an ninh quốc gia của Hàn Quốc Chung Eui-yong ngày 18/4 tuyên bố Seoul và Washington muốn thấy rõ Bình Nhưỡng từ bỏ tham vọng hạt nhân trước khi một hiệp định hòa bình được ký kết. Theo Chung, tại cuộc gặp giữa ông với người đồng cấp Mỹ John Bolton, 2 bên đã nhất trí tình trạng hòa bình cuối cùng sẽ chỉ được ký với điều kiện Triều Tiên có quyết định đúng đắn. Cuối cùng, Triều Tiên cũng từng yêu cầu ký hiệp định hòa bình với Mỹ, tức Mỹ với Triều Tiên mới là 2 bên trực tiếp trong cuộc xung đột.

Theo một quan chức của Phủ Tổng thống Hàn Quốc, Hàn Quốc và Triều Tiên có thể đạt được một thỏa thuận sau cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Trump và thỏa thuận chính thức có thể được ký kết tại một Hội nghị thượng đỉnh 3 bên. Tuy nhiên, quan chức này cũng cho rằng có thể sẽ cần phải tiến hành các cuộc đàm phán 4 bên về thỏa thuận, tức bao gồm cả Trung Quốc. Vị quan chức này cũng cho hay ông không chắc việc “chấm dứt chiến tranh” sẽ được thể hiện rõ tại hội nghị thượng đỉnh. Còn Giáo sư Koo cho rằng thỏa thuận nếu đạt được cũng chỉ mang tính biểu tượng.

Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ tiến hành hội nghị thượng đỉnh thứ 3 kể từ sau Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 vào ngày 27/4 tới. Ông Trump và ông Kim dự kiến cũng sẽ có cuộc gặp sau đó. Nếu diễn ra, đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên giữa một Tổng thống Mỹ tại nhiệm và một nhà lãnh đạo Triều Tiên. Các quan chức Mỹ ngày 17/4 tiết lộ Giám đốc CIA đồng thời là ứng viên ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tới Triều Tiên để thảo luận về Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều.