Nguồn gốc thánh mẫu
Có thể nói, Thiên Yana không chỉ là hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo mà còn thể hiện quá trình tiếp biến, giao thoa văn hóa giữa hai dân tộc Việt – Chăm trong quá trình cộng cư trên vùng đất này.
Thiên Yana có nguồn gốc từ nữ thần xứ sở Pô Inư Nagar của người Chăm. Hình tượng Pô Inư Nagar bắt nguồn từ Devi – biểu tượng âm tính cho sức mạnh sáng tạo và hủy diệt của vũ trụ, một trong những nữ thần tối thượng trong thần điện Hindu giáo.
Tuy nhiên, khi du nhập và tồn tại trong cộng đồng của người Chăm, chịu ảnh hưởng “dội ngược” của các tín ngưỡng bản địa nên nữ thần Devi đã trở thành nhân vật huyền thoại mang yếu tố của một anh hùng văn hóa, nữ thần xứ sở của người Chăm – Pô Inư Nagar.
Trước thế kỷ XVI, nữ thần Pô Inư Nagar được thờ phụng ở thánh địa Pô Nagar Nha Trang (Khánh Hòa). Vì nhiều nguyên nhân, đến giữa TK XVI người Chăm đã chuyển nữ thần của mình về thờ ở đền Pô Inư Nagar tại thôn Hữu Đức (Ninh Thuận), còn thánh địa Pô Nagar trở thành nơi thờ phụng mẫu thần của người Việt ở Nam Trung Bộ – thánh mẫu Thiên Yana.
Từ một vị nữ thần Chăm, Pô Inư Nagar đã được Việt hóa nhưng trong đó căn tính Chăm vẫn còn rất rõ nét. Đó là biểu hiện sự tương đồng trong văn hóa Chăm và Việt ở “nguyên lý thờ mẹ”.
Truyền thuyết Thiên Yana lưu truyền ở vùng đất Khánh Hòa, được ghi trên bia đá ở Tháp Bà Nha Trang nói về Bà Thiên Y của người Việt, nhưng có nguồn gốc từ truyền thuyết về nữ thần mẹ xứ sở Pô Inư Nagar của người Chăm ở tiểu quốc Kauthara. Qua thời gian, câu chuyện về mẹ của người Chăm và người Việt ở đây cũng có dị bản, nhưng trong đó sự tương đồng là chủ yếu, dị biệt là tiểu tiết…
Bà trở thành vị thần được thờ phụng trong vùng dựa trên những thánh tích của bà: dạy dân biết trồng lúa, dệt vải, sản xuất, lo sinh kế, tránh hoạn nạn và các phép tắc nghề nghiệp để nuôi nhau. Bà là thần bảo trợ cho mọi nghề nghiệp, thường hiển linh, cứu nhân độ thế.
Những người bị bệnh hiểm nghèo, người hiếm muộn, cầu mùa, trị dịch bệnh… đến cầu bà đều được linh ứng. Dù huyền thoại về bà được xuất hiện dưới hoàn cảnh nào thì đối với người Chăm và người Việt ở Nam Trung Bộ, Pô Inư Nưgar/Thiên Yana vẫn là thánh mẫu tối thượng trong đời sống tâm linh.
Thiên Yana trong đời sống tâm linh
Hiện nay, tùy từng nơi, do tính chất của hoạt động sản xuất mà việc thờ phụng Thiên Yana mang những sắc thái khác nhau. Với các ngư dân chuyên khai thác biển thì bà và ông Nam Hải được coi là vị thánh phù hộ cho nghề cá và ngư dân, trong khi đó ở những làng chuyên nghề nông thờ bà với tư cách là thánh mẫu dạy cho dân biết trồng trọt, phù hộ mùa màng, khai hóa văn minh.
Đối với cư dân thành thị, đặc biệt người làm nghề buôn bán thờ bà như một vị phúc thần, phù hộ cho họ buôn may, bán đắt. Với cư dân chuyên nghề khai thác lâm sản Thiên Yana trở thành bà chúa trầm hương, chúa rừng… Hầu như, trong tất cả mọi ngành, nghề ở Nam Trung Bộ đều in đậm tín ngưỡng thờ bà.
Mỗi khi lễ hội vía bà diễn ra, trong nghi thức mộc dục thì điều thu hút sự quan tâm của tín đồ không phải là một quy trình bắt buộc của nghi lễ mà chính là nước tắm tượng bà – thứ mà họ cho rằng có phép màu vạn năng sẽ đem lại cho con người sức khỏe và may mắn.
Có thể thấy rằng đời sống tâm linh của người dân Nam Trung Bộ rất phong phú và đa dạng, mỗi ngành, nghề lại có những kiêng kỵ đặc thù với những vị thần linh chủ đạo nhưng đều thấy sự xuất hiện của bà dù trực tiếp hay gián tiếp.
Bà với vai trò là vị phúc thần của cả vùng nên luôn luôn được người dân cung kính, thờ phụng, và đối với họ bà như một chỗ dựa tinh thần không thể thay thế được, tựa như những người con dựa vào sự che chở của mẹ.
…Và trong cả đời sống tín ngưỡng
Để dung hòa và lập nghiệp trên vùng đất mới, người Việt ở Nam Trung Bộ đã tiếp nhận hệ thống thần linh và nghi thức thờ cúng của người Chăm.
Nhiều nghi thức tế lễ hoàn toàn xa lạ với truyền thống nhưng được người Việt thực hành một cách cung kính, được coi là lệ ông bà không ai dám bỏ, như việc: dùng gậy thọc vào khe nứt hang đá tượng trưng cho sự giao hợp nam nữ khi cầu mùa ở đảo Hòn Đỏ, Hòn Nhàn; thờ cúng những sinh thực khí linga-yoni ở Tháp Bà Nha Trang, miếu Ông Thạch (Khánh Hòa), tháp Nhạn Phú Yên…
Mặc dù được Việt hóa bằng tên gọi, truyền thuyết và một số nghi thức tế lễ nhưng nguồn gốc Chăm của nó thì không thể phủ nhận.
Cũng khoảng hai chục năm trở lại đây, vào ngày vía bà (19 đến 23-3 âm lịch) người Chăm thường đổ về Tháp Bà – Nha Trang tham dự lễ hội và thực hành những nghi lễ truyền thống thờ cúng mẹ xứ sở của mình.
Tại đây cùng tồn tại hai hình thức thờ cúng cùng một vị thần của hai dân tộc Việt và Chăm. Phía trước thần điện là nghi thức thờ cúng Thiên Yana – vị thần được triều đình nhà Nguyễn công nhận và liệt vào hàng thượng đẳng thần với những nghi thức tế lễ long trọng, được tổ chức chặt chẽ.
Từng đoàn khách hành hương và con nhang đệ tử kiên trì, nhẫn nại vào tháp dâng hương lên thánh mẫu, các hoạt động hầu đồng, múa bóng và trò diễn mua vui cho mẫu diễn ra liên tục trong lễ hội, được sắp đặt rõ ràng và trật tự.
Người Việt cúng mẫu bằng đồ chay, bởi họ quan niệm bà là Phật mẫu (trừ nghi thức cúng bà của làng Cù Lao với tư cách là thành hoàng làng được tổ chức vào lúc 1 giờ sáng ngày 23-3 thì lễ vật cúng chính là heo quay và vịt).
Phía sau tháp, người Chăm tổ chức lễ cúng nữ thần xứ sở theo cách riêng của mình, quy mô lớn nhỏ tùy thuộc vào từng cá nhân, gia đình, dòng họ. Họ không cúng trong thần điện mà cúng ở ngoài tháp, có múa bóng truyền thống của người Chăm, lễ vật dâng cúng là dê, gà, trứng, cơm canh, trầu rượu…
Mặc dù mỗi tộc người thờ tự theo cách khác nhau nhưng cả người Việt và người Chăm vẫn hòa đồng, không bài xích nhau khi cùng tổ chức và thực hành nghi thức thờ cúng thánh mẫu/thần mẹ xứ sở của mình trong cùng một không gian thờ tự.
Trong lễ vía bà Thiên Yana ở Nam Trung Bộ thường diễn ra nhiều loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian, như hát bộ, múa siêu, hò bả trạo, hát bài chòi, múa võ, đặc biệt là múa bóng. Múa bóng là đặc trưng tiêu biểu nhất trong lễ hội vía bà của cả người Chăm và người Việt ở Nam Trung Bộ.
Theo thời gian, các điệu múa tín ngưỡng cổ truyền của người Việt dần hòa nhập với điệu múa tín ngưỡng cổ truyền của người Chăm, tạo nên đặc trưng của điệu múa thờ mẫu ở Nam Trung Bộ – múa bóng. Ngoài yếu tố mang tính tín ngưỡng thì múa bóng là một di sản nghệ thuật dân tộc cần được gìn giữ và phát triển.
Do vậy, tín ngưỡng thờ Thiên Yana là một yếu tố quan trọng và là môi trường thuận lợi cho sự hình thành và phát triển nhiều loại hình văn nghệ dân gian ở miền đất này.
Tín ngưỡng thờ Thiên Yana với xuất phát điểm từ tín ngưỡng thờ thần mẹ xứ sở của người Chăm đã được người Việt tiếp nhận và dần trở thành tín ngưỡng chủ đạo trong đời sống tâm linh của người Việt vùng Nam Trung Bộ.
Có thể nói đây là một hiện tượng tín ngưỡng tôn giáo, văn hóa độc đáo, kết tinh quá trình giao lưu, hội nhập và kế thừa giữa hai nền văn hóa, tín ngưỡng Chăm – Việt trong lịch sử./.