Tung bản phim đang chiếu rạp lên mạng: “Cho vui” thành... vi phạm pháp luật

(PLO) - Mới đây, thành viên đoàn phim “Em chưa 18” lên tiếng về việc bộ phim vừa ra rạp đã bị khán giả xâm phạm, quay “livestream” bộ phim khi phim đang chiếu. Trước đó, không ít phim ra rạp nóng hổi cũng rơi vào tình trạng tương tự. Những hành vi nói trên không còn dừng ở mức thiếu ý thức, mà là đã vi phạm pháp luật.
Phim “Em chưa 18” chỉ mới chiếu thử đã bị khán giả trong rạp live stream ra ngoài cho cộng đồng mạng cùng xem.
Phim “Em chưa 18” chỉ mới chiếu thử đã bị khán giả trong rạp live stream ra ngoài cho cộng đồng mạng cùng xem.

Đa phần phim Việt chiếu rạp bị phát tán trái phép

Dù chưa ra rạp chính thức, nhưng phim Việt “Em chưa 18” của đạo diễn Lê Thanh Sơn đã chớm lập kỉ lục phòng vé với gần 15 tỉ đồng tiền vé khi chiếu suất đặc biệt vào những ngày cuối tuần, lập kỉ lục phim Việt có doanh thu chiếu thử cao nhất ngành Điện ảnh. Tuy nhiên, trong niềm vui, đoàn làm phim cũng “đau đầu” vì hành vi phát tán phim trái phép của khán giả. Một nữ khán giả, trong lúc coi phim đã bật chế độ live stream của facebook lên để truyền lại trực tiếp bộ phim trên trang cá nhân của mình cho mọi người cùng xem.

Trước “Em chưa 18”, hầu như phim Việt Nam ra rạp nào có chút tiếng tăm, gây sốt đều bị rơi vào tình trang bản quay lén phát tán cùng thời điểm với phim đang chiếu tại rạp. Mới đây, phim “Lô Tô” đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh trong khi chiếu tại rạp cũng bị khán giả live stream. Nhà sản xuất phim đã nhanh chóng phát hiện ra và yêu cầu khán giả nói trên gỡ bỏ đoạn quay lén nói trên trên facebook. 

Một bộ phim Việt “ăn khách” khác “Em là bà nội của anh” của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh khi phim đang chiếu rạp cũng bị khán giả quay lén và tải đoạn phim lên you tube cho nhiều người coi, đoạn phim này có số lượng người xem khá cao, nhà sản xuất lo lắng, vội vàng liên hệ kênh you tube yêu cầu gỡ bỏ đoạn phim. 

Nhiều người còn nhớ, năm ngoái, khi phim “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” đang chiếu tại một số cụm rạp, đã có khán giả quay lén và phát tán ra ngòai. Thấy trên mạng đang có đoạn live stream, nhà làm phim vội truy tìm và phát hiện ra khán giả nói trên tại một cụm rạp, yêu cầu chấm dứt ngay hành động phát tán phim. Chuyện khán giả lén quay phim trong rạp cũng đã trở thành một chuyện thường ngày ở các suất chiếu phim. Hàng ngày, nhân viên các cụm rạp đã phải nhắc nhở không ít khán giả vô ý thức lén lút quy lại phim, trong khi quy định tại rạp luôn nhắc nhớ rõ, không được sử dụng camera trong rạp.

Hàng loạt bộ phim “hot” trước đây như: “Taxi, em tên gì, Chạy đi rồi tính, Sài Gòn, em yêu anh”… cũng từng rơi vào tình trạng bị quay lén, phát tán phim trên mang ngay trong giai đoạn công chiếu, “nước sôi lửa bỏng” về doanh thu.

Cần xử lý mạnh tay hành vi vi phạm

Tất nhiên, không chỉ có phim Việt trở thành nạn nhân của những kẻ quay lén mà các phim “bom tấn” nước ngoài cũng rơi vào tình trang tương tự. Khi phim “Kong” mới chiếu được hơn một tuần tại Việt Nam, bản quay lén đã được phát tán rộng rãi trên mạng. “Bom tấn” “Fast and Furious 8” đang công chiếu thời điểm hiện tại cũng đã “hé lộ” vài cảnh quay lén trên mạng. 

Thậm chí, phim nước ngoài còn có mức độ bị phát tán bản lậu cao hơn phim Việt nhiều. Chỉ cần một bộ phim ra rạp tầm 10 ngày, trên các trang web phim ảnh lập tức có bản cam (bản quay lén) công khai cho khán giả xem. Sau khi phim ra rạp xong ít thời gian, bản HD cũng được chính thức đăng tải.

Cho đến nay, rất nhiều vụ việc phát tán phim chiếu rạp trái phép đã diễn ra, tuy nhiên, hầu hết đều không bị xử lý, cao nhất là chịu gỡ bỏ đoạn quay lén cũng như xin lỗi nhà sản xuất một cách không chính thức. Nhiều nhà sản xuất phát hiện ra phim mình bị quay lén, phát tán lén, dù ban đầu phản ứng mạnh, nhưng sau đó chỉ xử lý sao cho thật êm thấm, cuối cùng chỉ đạt đến mục đích bản quay lén được gỡ bỏ, còn kẻ quay lén không phải chịu bất cứ trách nhiệm gì. Đó là lý do khiến hành vi quay lén liên tục được tái diễn. Nhiều khán giả còn tuyên bố “quay cho vui, không cho đăng thì thôi”. Không chỉ quay “cho vui” không, nhiều trang mạng, trang facebook còn tận dụng các bản quay lén này để trục lợi, thu hút lượng view cho trang của mình.

Dù các nhà sản xuất không tính cụ thể thiệt hại mà các bản quay lén phim chiếu rạp gây ra, nhưng điều chắc chắn, thiệt hại về doanh thu là có thật. Tâm lý “xem trên mạng cho đỡ tốn tiền mua vé” cũng là một tâm lý có thật, tồn tại đã lâu trong một số bộ phận khán giả Việt. Không ra rạp, chỉ cần ngồi nhà lên mạng, họ có thể được xem một bản phim chất lượng thấp hơn chiếu rạp, hoặc kiên nhẫn chờ một thời gian, sẽ có bản đẹp để xem.

Và, câu chuyện phát tán phim nói trên không còn ở phạm trù vô ý thức, không chỉ dừng ở thiệt hại về doanh thu. Đó là chuyện hành vi vi phạm pháp luật diễn ra một cách ngang nhiên, trở thành một thói quen của người dân. Có lẽ, đã đến lúc, các nhà sản xuất phim nên liên kết để có động thái mạnh mẽ, cùng cơ quan chức năng xử lý đến cùng các sự việc vi phạm như trên. Có như thế mới tạo tiền đề cho một văn hóa xem phim “sạch” và tuân thủ pháp luật, đó cũng là sự công bằng mà người làm phim xứng đáng nhận được.

Đọc thêm