Tương lai của “kỳ lân” công nghệ Việt

(PLVN) - Trong năm 2021, các startup (công ty khởi nghiệp) Việt Nam đã thiết lập kỷ lục vốn đầu tư lên đến 1,4 tỷ USD. Đồng thời nước ta chính thức sở hữu bốn “kỳ lân” công nghệ để đưa Việt Nam xếp thứ ba trên bản đồ khu vực Đông Nam Á.
Việt Nam có bốn “kỳ lân” công nghệ. (Ảnh minh họa)

“Kỳ lân” công nghệ Việt

Nhắm đến mục tiêu trở thành “kỳ lân” là một trong những ưu tiên hàng đầu của các công ty khởi nghiệp. Đạt đến ngưỡng “kỳ lân” cũng đồng nghĩa là startup đã phát triển đến một quy mô và giá trị lớn, thu hút được nhiều vốn đầu tư và đã khẳng định được vị thế, thương hiệu của mình trên thị trường (trong nước và quốc tế). Tuy nhiên việc để trở thành starup “kỳ lân” với định giá doanh nghiệp trên 1 tỷ USD là chuyện không hề dễ dàng.

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có bốn “kỳ lân” là VNG, VNLIFE, Sky Mavis và MoMo. Năm 2014, Việt Nam lần đầu tiên sở hữu “kỳ lân” khi doanh nghiệp VNG có giá trị vốn hoá chạm ngưỡng 1 tỷ USD. Và phải 5 năm sau đó, Việt Nam mới bắt đầu có thêm “kỳ lân” tiếp theo là VNLIFE. Trong năm 2021, Việt Nam bổ sung vào danh sách hai “kỳ lân” mới là MoMo và Sky Mavis – một “kỳ lân” thế hệ mới của làng khởi nghiệp.

Đặc điểm chung, tất cả đều là những “kỳ lân” công nghệ. Đây là điều dễ hiểu, bởi trong thời đại 4.0, công nghệ là yếu tố tiên quyết cho sự phát triển của mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực. Bốn “kỳ lân” công nghệ đang chia đều về hai lĩnh vực là doanh nghiệp phát triển, kinh doanh, phân phối trò chơi trực tuyến (game online) và doanh nghiệp công nghệ tài chính (fintech).

Tại lĩnh vực game online, VNG và Sky Mavis là hai “anh lớn” trong ngành này. Chỉ khác là, VNG có doanh thu game online chủ yếu từ mảng game truyền thống còn Sky Mavis, doanh thu chủ yếu đến từ game NFT (Non-Fungible-Token, tạm dịch là “Mã không thể sửa đổi”) phát triển trên nền công nghệ blockchain đang trở thành trào lưu mới trên thị trường thế giới. Nếu coi VNG là “anh lớn” bởi thâm niên lâu đời (thành lập năm 2004) trong làng game thì Sky Mavis lại là “anh lớn” (thành lập năm 2018) nhờ danh hiệu “kỳ lân” của mình. Thông thường các “kỳ lân” thế hệ cũ phải mất tới 10-20 năm để trở thành “kỳ lân”, riêng trường hợp của Sky Mavis chỉ mất hơn 3 năm.

Hai “kỳ lân” còn lại là VNLIFE mạnh về cổng thanh toán và MoMo mạnh về ví điện tử cũng là những cái tên nổi bật trong lĩnh vực fintech, lĩnh vực đang có sức nóng đầu tư tại Việt Nam trong vài năm trở lại đây và cũng đang diễn ra cạnh tranh quyết liệt. Trong đó, lĩnh vực ví điện tử có sự cạnh tranh còn diễn ra gay gắt hơn khi Việt Nam hiện tại đã cấp phép hoạt động cho trên dưới 30 ví. Trước sự cạnh tranh đó, từ năm 2020, MoMo công bố mục tiêu phát triển thành siêu ứng dụng, mở rộng thị trường thông qua việc cung cấp giải pháp chuyển đổi số cho hàng triệu doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tại Việt Nam, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào các công ty Việt Nam để mở rộng hệ sinh thái.

Có thể nói năm 2021 là một năm thành công của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam, bên cạnh việc bổ sung vào danh sách hai “kỳ lân” công nghệ mới thì các startup Việt Nam còn mang về số tiền đầu tư kỷ lục. 1,4 tỷ USD là vốn đầu tư vào các startup Việt Nam trong năm 2021, gấp 1,5 lần so với con số 874 triệu USD kỷ lục vào năm 2019.

Tổng số thương vụ đầu tư cũng đạt mức cao nhất từ trước tới nay, 165 thương vụ, tăng 57% so với năm 2020. Các thương vụ trị giá trong khoảng từ 500 ngàn đến 3 triệu USD xuất hiện nhiều nhất, trong khi 82% giá trị đầu tư tập trung vào các thương vụ giao dịch có giá trị trên 10 triệu USD. Đặc biệt, một số công ty huy động vòng gọi vốn trên 50 triệu USD là những tên tuổi đã có chỗ đứng trên thị trường.

Xét về tốc độ tăng trưởng theo năm, Việt Nam dẫn đầu về số lượng đầu tư và đứng thứ ba về giá trị đầu tư. Tổng số vốn đầu tư vào Việt Nam cũng chiếm 13% tổng giá trị đầu tư vào các công ty khởi nghiệp ở Đông Nam Á, tăng so với mức 8% của năm 2020. Indonesia và Singapore vẫn là hai quốc gia thu hút nhiều vốn đầu tư mạo hiểm nhất Đông Nam Á.

Để đạt được những con số trên nhiều chuyên gia cho rằng một phần là nhờ sức hút đặc biệt của những “kỳ lân” công nghệ Việt. Trên thực tế, sức hấp dẫn của một môi trường khởi nghiệp được đánh giá thông qua số lượng “kỳ lân” hiện hữu như một tiêu chí. Đây được coi là bằng chứng cho quy mô và khả năng hấp thụ nguồn vốn của thị trường. Chính vì vậy việc một nước sở hữu càng nhiều “kỳ lân” sẽ mang lại càng nhiều lợi ích cho hệ sinh thái khởi nghiệp của nước đó.

Nuôi dưỡng thế hệ “kỳ lân”

Tháng 7/2022, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã phát hành báo cáo Hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ của Việt Nam và xem xét tiến triển của các công ty khởi nghiệp. Theo đó, ADB cho rằng “kỳ lân” khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tiếp theo của châu Á và Thái Bình Dương có thể đến từ Việt Nam, khi nền móng để xây dựng một hệ sinh thái vững chắc có thể hỗ trợ những doanh nghiệp này đang được tiến hành thuận lợi.

Báo cáo của ADB cũng chỉ ra rằng mục tiêu dài hạn của Chính phủ Việt Nam đối với lĩnh vực này là thu hút tri thức, các tổ chức, cá nhân và doanh nhân để góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế và tham gia tạo lập các công ty khởi nghiệp thành công. Một ví dụ về sự hỗ trợ của Chính phủ là Đề án 844, với mục tiêu phát triển 600 doanh nghiệp vào năm 2025 và 100 doanh nghiệp trong số đó sẽ gọi được vốn đầu tư với tổng giá trị ít nhất là 2 nghìn tỷ đồng (khoảng 85,44 triệu USD).

Cho tới thời điểm hiện tại, Việt Nam có nhiều startup cận “kỳ lân” và có triển vọng như thương mại điện tử Tiki, Giao hàng tiết kiệm, Giao hàng nhanh, Trusting Social, Kyber Network, KiotViet,… Đây đều là những cái tên quen thuộc trên thị trường Việt Nam. Nhìn chung, các startup triển vọng nhất đều liên quan đến hệ sinh thái thương mại điện tử, fintech, logistics, blockchain, game online… Đây là những lĩnh vực sẽ ngày càng phát triển trong 2-3 năm tới và là cái nôi để các startup vươn mình trở thành các “kỳ lân” tiếp theo.

Khởi nghiệp lĩnh vực công nghệ đang là xu hướng.

Không phải ngẫu nhiên khi ADB cho rằng trong tương lai gần Việt Nam có thể sẽ sở hữu “kỳ lân” công nghệ tiếp theo của châu Á và Thái Bình Dương. Nhìn lại trong 10 năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã chứng kiến sự hình thành và phát triển rất năng động của phong trào khởi nghiệp nước nhà. Đặc biệt những năm gần đây, Việt Nam đang đặt nền móng để xây dựng các “kỳ lân” khởi nghiệp tiếp theo của châu Á.

Như trong năm 2022, đã có nhiều sự kiện về khởi nghiệp được Chính phủ và các cơ quan Bộ ngành tổ chức. Điển hình trong đó là sự kiện Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia TECHFEST VIỆT NAM 2022. Đây là sự kiện thường niên lớn nhất dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành,... Năm nay, TECHFEST VIỆT NAM 2022 hướng đến thúc đẩy các giải pháp đổi mới sáng tạo từ các doanh nghiệp khởi nghiệp trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ, thu hút nguồn lực chuyên gia, trí thức, doanh nhân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài để tăng trưởng nền kinh tế.

Ngoài ra, các trường đại học và viện nghiên cứu ở Việt Nam đang phối hợp với chính quyền các tỉnh và các Bộ ngành trung ương để thành lập các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp. Họ cũng đang tổ chức các sự kiện khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên để thúc đẩy văn hóa khởi nghiệp trong giới trẻ. Hay sự nổi tiếng của những chương trình như Thương vụ bạc tỷ (Shark Tank Việt Nam) đã cho thấy mức độ quan tâm của người dân với khởi nghiệp là tương đối cao cũng như để lại ấn tượng trong mắt các startup, tạo động lực cho họ thực hiện đam mê khởi nghiệp.

Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng trong khu vực Đông Nam Á vì vậy việc trở thành một môi trường khởi nghiệp năng động bậc nhất là điều mà nước ta đang hướng đến. Việc đất nước ngày càng có thêm nhiều “kỳ lân” không chỉ thêm niềm vui cho nền kinh tế mà còn tạo niềm cảm hứng, động lực nhiều hơn cho cộng đồng startup Việt.

Startup “kỳ lân” (unicorn startup) là thuật ngữ chỉ những startup được định giá trên 1 tỷ . Kỳ lân là loài vật trong trí tưởng tượng của con người, gắn liền với sự hiếm có. Tương tự, các startup “kỳ lân” đạt được mức định giá 1 tỷ USD trong 10 năm cũng chỉ chiếm 0,07% trên tổng số các công ty khởi nghiệp. Thuật ngữ “startup kỳ lân” được sử dụng lần đầu tiên bởi Aileen Lee – đồng sáng lập quỹ đầu tư Cowboy Venture – trong bài viết đăng trên TechCrunch năm 2013.

Đọc thêm