Trong các kiến nghị của các địa phương này; nhất là Hải Phòng, Quảng Ninh; có nội dung kiến nghị Trung ương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến chỉ tiêu sử dụng đất, đấu giá đất, lấn biển. Đất nước ta, từ Bắc xuống Nam có 28/63 tỉnh, thành có biển. Mở rộng không gian phát triển hướng biển, từ lâu đã là chiến lược quốc gia và các tỉnh, thành có biển. Do vậy, một trong những xung đột pháp lý lâu nay đặt ra là lấn biển. Lấn biển ở đây không chỉ là làm đường bao biển như ở TP Hạ Long (Quảng Ninh) đã làm, còn nhiều vấn đề lớn hơn, thuộc phạm trù phát triển bền vững.
Cần phải nói rõ, 28 tỉnh, thành đã và đang có dư địa lớn để phát triển đô thị biển, cảng biển, vận tải biển, khai thác hải sản, du lịch và bất động sản nghỉ dưỡng. Trong chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2045, Chính phủ quan tâm đặc biệt trong đầu tư hạ tầng cơ sở và định hướng phát triển du lịch nghỉ dưỡng.
Cuối những năm 2000, các đầu óc hoạch định chiến lược của thế giới đã khẳng định “Thế kỷ XXI là thế kỷ đại dương”. 24 năm qua, thành tựu cũng như những xung đột địa chính trị hiện nay đã chứng minh nhận định đó. Với nước ta, Đảng đã có nghị quyết về Chiến lược biển Việt Nam (hiện nay là Nghị quyết 36-NQ/TW); Quốc hội đã thông qua Luật Biển Việt Nam (Luật số 18/2012/QH13). Điều đó cho thấy tầm nhìn của Đảng và Nhà nước.
Với vấn đề lấn biển, không chỉ lấn biển như Quảng Ninh, Kiên Giang... đã làm mà nhìn nhận xa hơn, không chỉ lấn biển sát bờ mà còn cần tính đến cả các dự án cách xa bờ. Những khu vực có điều kiện lấn biển nên tính đến các dự án trong tương lai. Chúng ta cũng cần nghĩ đến việc kết nối các đảo nhỏ còn ít người ở, làm kè biển, đê biển, san lấp phát triển thành các điểm dân cư, khu đô thị mở, vừa có thêm quỹ đất vừa bảo đảm công tác an ninh, quốc phòng... Đó là xu thế. Vấn đề hiện nay là hành lang pháp lý.
Thực tế, các dự án lấn biển của Việt Nam hiện nay mới chỉ dừng lại ở việc mở mang đất đai, chưa đặt ra các mục tiêu khác kiểm soát nước triều, chống triều cường, tăng khả năng thoát lũ; điện tái tạo, phát triển xanh, biển nước mặn thành nước ngọt cung cấp cho dân sinh và phát triển kinh tế ven biển; đáp ứng sinh kế của người dân; phương án đối phó với biến đổi khí hậu toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ...
Còn rất nhiều việc để làm. Lấn biển vì vậy cần phải có tầm nhìn, đặt trong khung khổ luật pháp đất nước cũng như cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.