Theo đài RT, tuyên bố trên được Thủ tướng Đức Olaf Scholz đưa ra tại một phiên hỏi đáp ở Prenzlau, Brandenburg, ngày 14/9.
"Tôi vẫn giữ nguyên lập trường của mình, ngay cả khi các quốc gia khác quyết định khác. Tôi sẽ không làm như vậy vì tôi nghĩ đó là một vấn đề", ông Scholz nêu rõ.
Cho đến nay, Berlin vẫn giữ nguyên chính sách không cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa do Đức cung cấp cho các cuộc tấn công nhằm vào lãnh thổ Nga.
Đức là nhà tài trợ quân sự lớn thứ hai của Ukraine, sau Mỹ. Song, đến nay, Berlin vẫn từ chối trang bị tên lửa tầm xa cho Ukraine.
Vào tháng 5, ông Scholz nói rằng việc cung cấp cho Ukraine tên lửa Taurus có tầm bắn 500 km sẽ tương đương với việc Berlin tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột.
Về phía Nga, mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo các cường quốc phương Tây về việc gỡ bỏ các hạn chế đối với việc Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây.
"Điều này có nghĩa là các nước NATO, Mỹ, các nước châu Âu đang chiến đấu chống lại Nga", ông Putin nhấn mạnh.
Theo Tổng thống Nga, sự tham gia trực tiếp như vậy sẽ thay đổi "bản chất của cuộc xung đột", và Nga sẽ phải "đưa ra quyết định phù hợp về các mối đe dọa" đối với nước này.