Tập trung thu hút nguồn đầu tư vốn FDI
Theo Kế hoạch triển khai thực hiện đề án thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025, đến năm 2025, tỉnh sẽ thu hút 25.000 tỷ đồng vào xây dựng khu đô thị, khu dân cư; 9.000 tỷ đồng đầu tư vào công nghiệp; 5.600 tỷ đồng đầu tư phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp, bến xe, bến cảng, bến thủy nội địa; 5.300 tỷ đồng đầu tư dịch vụ thương mại, du lịch; 2.500 tỷ đồng đầu tư vào lĩnh vực thể thao; 2.000 tỷ đồng đầu tư vào sản xuất nông nghiệp và 970 tỷ đồng đầu tư vào y tế, giáo dục, môi trường. Tổng nguồn vốn thu hút đầu tư khoảng 45.000 - 50.000 tỷ đồng, trong đó vốn FDI khoảng 15.000 - 20.000 tỷ đồng.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII cũng đã xác định phương hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2025 là phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng. Đặc biệt, là hạ tầng giao thông kết nối, đô thị động lực; khai thác tiềm năng, nguồn lực tập trung phát triển mạnh du lịch và các ngành dịch vụ, tiếp tục phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng, hiệu quả, chú trọng phát triển một số ngành công nghiệp có lợi thế, hiệu quả cao nhằm thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Phấn đấu đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.
Trong năm 2022, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã triển khai một số dự án lớn ở lĩnh vực du lịch, dịch vụ như: Khu du lịch sinh thái và dịch vụ thể thao Sơn Dương của Tập đoàn FLC và Khu vui chơi giải trí nghỉ dưỡng Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm của Tập đoàn Vingroup.
Các dự án đi vào hoạt động, đóng góp lớn vào ngân sách như: Nhà máy giấy và bột giấy An Hòa 396 tỷ đồng/năm, Nhà máy gang thép Tuyên Quang gần 94 tỷ đồng/năm, Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang 45 tỷ đồng... Những dự án này, sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 25-30 nghìn lao động, với mức thu nhập bình quân 4,5- 5 triệu đồng/người/tháng.
Lễ hội trung thu 2023 giúp Tuyên Quang thu hút lượng lớn du khách trong và ngoài nước về thăm quan(Ảnh: Tuyên Quang gov) |
Chú trọng mời gọi các đối tác có năng lực tài chính lớn
Trong năm 2023, tỉnh Tuyên Quang tiếp tục triển khai thực hiện tích cực Chương trình xúc tiến đầu tư. Trong đó, tập trung vào các đối tác có năng lực tài chính lớn, có kinh nghiệm là các tập đoàn, tổng công ty. Ngoài ra, cũng hướng đến các công ty có hệ thống kinh doanh trên cả nước; các doanh nghiệp đến từ các nền kinh tế phát triển, như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore...
Tỉnh Tuyên Quang, đặc biệt chú trọng thu hút đầu tư các đối tác trọng tâm theo quốc gia, vùng lãnh thổ như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore . Thu hút các nhà đầu tư, từ các nước có nền kinh tế phát triển, các nước sở hữu công nghệ thuộc nhóm G7 bao gồm: Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Ý, Anh; các nước có nền kinh tế mới nổi như: Ấn Độ, Nga, Brazil...
Tỉnh Tuyên Quang cũng đặt ra mục tiêu trong năm 2023, thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách đạt 10.000 tỷ đồng, tăng trên 20% so với năm 2022. Để đạt được con số này, tỉnh đã và đang triển khai 5 nội dung quan trọng bao gồm: Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư sản xuất kinh doanh.
Tuyên Quang cũng tập trung thu hút, mời gọi nhà đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp và hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp. Tỉnh tạo quỹ đất sạch để thu hút dự án sản xuất kinh doanh; lựa chọn, thu hút đầu tư theo hướng chọn lọc các dự án có chất lượng, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, sử dụng công nghệ hiện đại, công nghệ cao, thân thiện với môi trường.
Tuyên Quang quan tâm thu hút các dự án có quy mô lớn và vừa, sản phẩm cạnh tranh, tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, có giá trị gia tăng cao; ưu tiên thu hút các dự án cung cấp nước sạch sinh hoạt, dự án thu gom xử lý nước thải, rác thải đô thị, rác thải trong khu công nghiệp; dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; khuyến khích gắn phát triển chăn nuôi với công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Tiếp theo, Tuyên Quang ưu tiên thu hút nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực có thế mạnh, lĩnh vực có nhiều dư địa để phát triển như: Sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực; phát huy tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ, thông tin đồng bộ, theo hướng hiện đại.
Tỉnh đồng thời triển khai, thu hút nhà đầu tư vào các khu du lịch trọng điểm, phát triển các dịch vụ lưu trú, khu vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng cao cấp, khu du lịch sinh thái, khu du lịch quốc gia đặc biệt Tân Trào, khu du lịch sinh thái Na Hang, khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm…
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tích cực phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan để kịp thời cập nhật các xu hướng đầu tư trên toàn thế giới, các định hướng của trung ương. Đồng thời, phối hợp với các đại diện xúc tiến đầu tư tại các nước, để nắm bắt các định hướng chính sách của nước sở tại và các tập đoàn lớn.
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục thực hiện các chương trình hợp tác đầu tư và ngoại giao kinh tế để tìm kiếm cơ hội hợp tác, quảng bá nhằm xúc tiến đầu tư tại chỗ, thu hút mở rộng các nguồn vốn và quy mô dự án của nhà đầu tư.