62% học sinh vào trường công lập
Học kỳ I năm học 2020-2021 kết thúc, cũng là lúc ngành Giáo dục Hà Nội bắt đầu chuẩn bị cho công tác tuyển sinh lớp 10 năm học 2021-2022. Giữ ổn định phương thức thi tuyển là chủ trương của thành phố Hà Nội trong công tác tuyển sinh lớp 10.
Năm học 2021-2022, chỉ tiêu vào lớp 10 các trường công lập sẽ chiếm khoảng 62% số học sinh dự tuyển. Những học sinh không đỗ vào lớp 10 công lập sẽ học các trường công lập tự chủ, trường tư thục, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên.
Trước đó, để chuẩn bị cho kỳ thi lớp 10 năm 2021, Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu các trường THPT hoàn thành hồ sơ xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Theo đó, việc xây dựng chỉ tiêu phải dựa trên căn cứ thực tế về điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Việc tổ chức thi tuyển để tuyển học sinh vào lớp 10 được thành phố Hà Nội áp dụng từ năm học 2018-2019 với 4 môn thi, trong đó có 3 môn cố định là toán, ngữ văn, ngoại ngữ; môn thứ tư do Sở GD-ĐT Hà Nội công bố vào khoảng tháng 3 hằng năm. Đây là năm học thứ 3 Hà Nội áp dụng phương thức thi tuyển để tuyển sinh lớp 10 với 4 môn thi.
Tuy nhiên, năm học 2020-2021, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên Hà Nội quyết định điều chỉnh phương thức thi tuyển sinh lớp 10 để giảm khó khăn cho học sinh do phải nghỉ học dài ngày. Thay vì thi 4 môn, học sinh dự tuyển lớp 10 năm học này chỉ thi 3 môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ.
Ông Phạm Văn Đại - Phó Giám đốc, phụ trách Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, Sở đang xây dựng dự thảo tờ trình thành phố Hà Nội về kế hoạch tuyển sinh năm học 2021-2022, với chủ trương giữ ổn định phương thức thi tuyển để tuyển sinh học sinh vào lớp 10 các trường trung học phổ thông công lập.
Sau khi được UBND thành phố phê duyệt vào khoảng tháng 2/2021, Sở sẽ công bố công khai số lượng môn thi, hình thức thi, thời gian thi. Để chuẩn bị cho công tác tuyển sinh, Sở GD-ĐT Hà Nội đã yêu cầu các trường thực hiện 3 công khai, gồm: công khai thu - chi, cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế.
Chậm nhất ngày 25/1, các trường phải hoàn thành hồ sơ xác định chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. Việc xây dựng chỉ tiêu phải dựa trên căn cứ thực tế về điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Sở sẽ kiểm tra điều kiện tuyển sinh, tuyệt đối không giao chỉ tiêu cho các trường không đáp ứng đủ yêu cầu.
Sẵn sàng cho phương án thi tuyển ở bất cứ môn nào
Hiện công tác chuẩn bị để bảo đảm chất lượng giáo dục, trang bị đầy đủ kiến thức cho học sinh, phục vụ cho kỳ thi vào lớp 10 sắp tới, các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội đã chủ động dạy học đồng đều ở tất cả các môn, kiểm tra, đánh giá bảo đảm thực chất, sẵn sàng cho phương án thi tuyển lớp 10 ở bất cứ môn nào.
Được biết, một số trường THPT của Hà Nội đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ xác định chỉ tiêu cho kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập. Theo các trường, chỉ tiêu tuyển sinh năm nay ít biến động, gần giống như năm trước.
Trường THPT Việt Đức dự kiến tuyển khoảng 720 học sinh, không biến động so với năm học trước. Trường THPT Khương Đình, quận Thanh Xuân dự kiến tăng nhẹ với chỉ tiêu tuyển khoảng 12 lớp. Trường THPT Lương Thế Vinh trình Sở GD-ĐT xin chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 THPT với 540 chỉ tiêu ở cả hai cơ sở, tương đương năm ngoái. Trường THPT Trương Định, quận Hoàng Mai dự kiến giữ nguyên chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 như năm học trước là 720 em…
Cùng với việc hoàn thiện điều kiện tuyển sinh, các trường trung học phổ thông ngoài công lập đang mong thông tin về phương thức tuyển sinh. Ông Nguyễn Viết Cẩn, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Hà Thành quận Bắc Từ Liêm cho biết, để phụ huynh học sinh yên tâm đăng ký dự tuyển, trường sẽ công khai các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, học phí, cam kết về chất lượng... Nếu được thành phố phê duyệt, ngoài việc sử dụng kết quả kỳ thi lớp 10, trường sẽ sử dụng thêm phương án xét học bạ để tuyển sinh.
Có thể nói, năm nào cũng vậy, tuyển sinh lớp 10 ở Hà Nội và nhiều thành phố lớn khác luôn “nóng” ngay từ đầu năm học bởi tính chất khốc liệt của kì thi. Hàng năm, sẽ chỉ có trên 60% thí sinh vào trường công lập, số còn lại, nếu không đủ điểm, các em sẽ phải học trường ngoài công lập phù hợp với sức học và thu nhập của phụ huynh.
Bởi thế, gần như từ năm lớp 8, phụ huynh đã rốt ráo tìm hiểu về các trường THPT công tốp đầu và các tốp sau để định hướng theo lực học của con. Và cuộc đua học thêm dày đặc vì thế cũng tăng dần cho tới tận ngày thi. Tuy nhiên, thực tế, nếu đi học thêm quá nhiều, các con sẽ không có thời gian tự học, thu nạp kiến thức. Và cũng không phải cứ tìm thầy giỏi thì con sẽ giỏi. Điều quan trọng, phụ huynh cần biết chính xác sức học của con để lựa chọn trường phù hợp.