Tuyến thủy lộ thúc đẩy kinh tế đất “Chín Rồng”

(PLO) -“Các cảng biển sẽ ngày một nhộn nhịp, các trung tâm nhiệt điện cũng sẽ “mọc” lên, nhà đầu tư sẽ quan tâm nhiều hơn tới khu vực Tây Nam bộ sau khi tuyến luồng sông Hậu khơi thông”, ông Nguyễn Văn Thể - Bí thư Tỉnh ủy  Sóc Trăng khẳng định với PLVN.

Tuyến đường thủy xuyên miền Tây Nam bộ nhìn từ trên cao.
Tuyến đường thủy xuyên miền Tây Nam bộ nhìn từ trên cao.
Sau gần 2 năm triển khai, ngày 20/1 Dự án luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu chính thức được khơi thông. Tuyến thủy lộ này sẽ nối các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với biển Đông, qua đó tạo “đòn bẩy” cho “vựa lúa”,  “vựa thủy sản”... và những lợi thế khác của vùng đất “Chín Rồng”  được phát triển và tiếp tục được đánh thức trong tương lai.
Giao thông khó, sức cạnh tranh giảm

Là một trong những tỉnh có con sông Hậu chảy qua rộng nhất, Sóc Trăng kỳ vọng sẽ là địa phương được hưởng lợi lớn từ tuyến giao thông thủy nói trên. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thể - cựu Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), nay là Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng nói: “Ai cũng biết miền Tây nhiều tiềm năng, nhưng sự thực lâu nay giao thông đi lại quá khó khăn. 

Tàu bè ra vào khu vực này qua sông Hậu chỉ có trọng tải tối đa 5.000 tấn, lớn hơn là mắc cạn vì cửa ra biển thường xuyên bồi lắng. Hàng hóa xuất hoặc nhập khẩu về đây vì thế phải đi bằng tàu nhỏ hoặc qua đường bộ đến cảng xuất tốn kém thời gian, tiền bạc, làm cho sức cạnh tranh của vùng giảm sút. Nhưng từ giờ, mọi chuyện sẽ khác vì tuyến luồng này khơi thông có thể đáp ứng cho tàu 2 vạn tấn ra, vào”.

- Dự án này trước đây nếu không gặp khó khăn về vốn và tiến độ thi công thì kế hoạch thông luồng sẽ sớm hơn, và miền Tây chắc chắn thu lợi nhiều hơn?  

- Đúng là dự án đã triển khai cách đây 2 năm, nhưng thời kỳ đầu, tiến độ chậm do vướng các giải pháp kỹ thuật, nguồn cung vật liệu... Đầu năm 2015, khi còn công tác ở Bộ GTVT, tôi mới chính thức phụ trách dự án này. Sau 3 tháng vào việc, với sự trợ giúp của chuyên gia các trường đại học, viện nghiên cứu, chúng tôi đã giải được “bài toán” vật liệu. 

Tiếp đó là “xốc” lại đơn vị tư vấn, áp dụng cơ chế chỉ định thầu đối với tư vấn mới kèm giải pháp mời nhiều đơn vị tư vấn giám sát (mỗi tư vấn phụ trách một gói thầu)...; đồng thời tăng cường nhân lực và điều hàng chục tàu xén thổi loại 1.000 - 2.000 mã lực khắp cả nước về đây thi công, nạo vét... Vì thế, đến đầu tháng 4/2015, tiến độ mới bắt đầu vào guồng. 

Đáng nói, trong quá trình này, Ban Quản lý Dự án hàng hải đã kiểm soát rất gắt gao về khối lượng thi công của nhà thầu (đặc biệt ở Gói thầu 10A), “ông” nào làm ăn bết bát, chúng tôi chỉ đạo cắt chuyển khối lượng, bổ sung thầu phụ để bù tiến độ. Với những giải pháp này, chủ đầu tư đã cơ bản kiểm soát được tiến độ, và dự án cũng theo đà đó mà tiến triển tốt lên.

Kỳ vọng nhiều cụm công nghiệp ven sông
Tuyến thủy lộ xuyên miền Tây hoàn thành sẽ tác động như thế nào đến việc giao thương, phát triển kinh tế - xã hội... của khu vực ĐBSCL và Sóc Trăng nói riêng, thưa ông? 
- Đến thời điểm này, luồng đã thông từ sông Hậu ra biển; đoạn luồng cắt với quốc lộ 53 cũng đã bố trí phà để bà con đi lại. Theo tôi biết, các đơn vị thi công đang tiếp tục nạo vét toàn tuyến để luồng đạt cao trình -6m, đồng thời đúng kích thước bề rộng đáy để trong quý I/2016 tàu lớn có thể vận hành  đúng thiết kế. 

Theo tôi, không chỉ Sóc Trăng mà các tỉnh khu vực ĐBSCL đều mong đợi ngày này. Vì luồng thông thì các cảng trung tâm ở khu vực Cần Thơ mới có cơ hội khai thác hết công suất. Cụ thể, ở cảng Cái Cui đã có 2 cầu cảng đáp ứng cho tàu 2 vạn tấn ra vào, nhưng lâu nay tuyến này chỉ có thể là đường đi của tàu có trọng tải tối đa 5.000 tấn vào Sóc Trăng, Hậu Giang, Cần Thơ... như vậy, rõ ràng là lãng phí công suất cảng. 

Nhưng tới đây sẽ không còn tình cảnh này vì hàng hóa cả khu vực có thể tập trung về cảng trung tâm ở Cần Thơ để đóng container rồi lên tàu xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài hoặc ngược lại. Không những thế, tuyến đường thủy này còn góp phần giảm tải cho đường bộ nối ĐBSCL và Cần Thơ với TP HCM. Ngoài ra, với địa thế như thế, lực lượng Hải quân cũng có thể nghiên cứu hình thành quân cảng trên tuyến này để tăng cường khả năng bảo vệ quốc phòng - an ninh cho khu vực ĐBSCL.

Ở Sóc Trăng, tại khu nhiệt điện Long Phú, Tập đoàn Điện lực đang tiến hành xây dựng 2 nhà máy nhiệt điện chạy, than dự kiến đến 2018 sẽ hoàn thành việc phát điện cả 2 nhà máy. Ngoài ra, ở đây còn có dự án của nhà đầu tư Ấn Độ. Việc Bộ GTVT hoàn thành giai đoạn 1 dự án này sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp vận chuyển thiết bị lắp đặt các nhà máy nói trên, và cũng thuận lợi cho việc chuyên chở than phục vụ phát điện trong tương lai.  
Chúng tôi kỳ vọng, từ khu nhiệt điện ở Long Phú đến Kế Sách rồi TP Cần Thơ, sắp tới sẽ được các nhà đầu tư trong, ngoài nước để ý nhiều hơn và sẽ tới đây đầu tư những khu, cụm công nghiệp ở ven bờ sông Hậu. Cùng với Cảng hàng không quốc tế ở Cần Thơ, việc tiếp xúc giao thương giữa các nhà đầu tư với các địa phương lại càng thuận tiện hơn, vì thế rất có thể trong tương lai, ĐBSCL sẽ đón một “làn sóng” đầu tư mới.  
Cảm ơn ông!

Đọc thêm