Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật thông qua mô hình "Bản sáng vùng biên" - Bài 1: Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân biên giới qua mô hình "Bản sáng vùng biên”

(PLVN) - Thanh Hóa có gần 214km biên giới, 147 thôn, bản, khu phố thuộc 16 xã, thị trấn ở 5 huyện miền núi, vùng cao biên giới với 6 dân tộc sinh sống chủ yếu (Kinh, Mường, Thái, Mông, Khơ Mú, Dao). Thực hiện kết luận của Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai xây dựng thí điểm mô hình “Bản sáng vùng biên” tại một số đồn biên phòng trên địa bàn.

Mô hình “Bản sáng vùng biên” xác định tập trung xây dựng vào 04 nhóm nội dung: Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị cơ sở tuyên truyền, vận động Nhân dân ở khu vực biên giới nâng cao ý thức chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, quy định của địa phương; Tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền cấp xã tập trung củng cố chi uỷ chi bộ, ban quản lý bản và ban công tác mặt trận trong sạch vững mạnh; Tham gia phát triển kinh tế - xã hội, gắn với củng cố quốc phòng, an ninh tại thôn, bản khu vực biên giới và Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội, thực hiện nghiêm Quy chế dân chủ cơ sở; duy trì, phát huy tốt các nội dung về quy ước, hương ước trong thôn, bản.

Trên cơ sở thống nhất lựa chọn 11 thôn, bản, khu phố (gọi chung là bản) khó khăn nhất thuộc 11 đồn Biên phòng theo dõi để thực hiện mô hình “Bản sáng vùng biên” gồm: Đồn Biên phòng Bát Mọt thực hiện tại thôn Ruộng, xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân; đồn Biên phòng Yên Khương thực hiện tại bản Tứ Chiềng, xã Yên Khương, huyện Lang Chánh; đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Na Mèo thực hiện tại bản Cha Khót, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn…

Bộ đội biên phòng cùng người dân trồng cây xanh, vệ sinh môi trường - hoạt động nằm trong mô hình xây dựng “Bản sáng vùng biên

Đây được xem là chủ trương đúng đắn, kịp thời và cần thiết, đóng góp quan trọng trong việc phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, huy động và tập trung mọi nguồn lực xây dựng nông thôn mới, giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng công tác dân vận và hiệu quả phối hợp giữa các đơn vị Bộ đội Biên phòng (BĐBP) với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia và xây dựng thế trận Biên phòng toàn dân, nền Biên phòng toàn dân vững mạnh.

Giai đoạn 1 để thực hiện mô hình “Bản sáng vùng biên” là trong khoảng 3 năm (2024-2027), Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Thanh Hóa sẽ phối hợp với cấp Ủy, chính quyền của 11 thôn, bản, khu phố khó khăn nhất tại 05 huyện biên giới bao gồm: Quan Sơn, Lang Chánh, Thường Xuân, Quan Hóa và Mường Lát triển khai thực hiện mô hình “Bản sáng vùng biên”, sau đó sẽ tổng kết, đánh giá hiệu quả của mô hình điểm để tiến tới nhân rộng ra các thôn, bản khác.

Thanh Hóa là tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng an ninh và đối ngoại. Trong quá trình phát triển, địa phương luôn nhận được sự quan tâm, nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên đầu tư nguồn lực vào khu vực biên giới, miền núi giúp diện mạo của địa phương thay đổi theo chiều hướng tích cực. Tuy nhiên, tại khu vực biên giới, miền núi tỉnh Thanh Hóa vẫn còn nhiều khó khăn, kinh tế chậm phát triển, thu nhập bình quân đầu người còn thấp, đặc biệt, trình độ, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, hiểu biết về kiến thức pháp luật vẫn còn hạn hẹp, vẫn còn duy trì các hủ tục lạc hậu, tội phạm và tệ nạn xã hội vẫn còn len lỏi trong đời sống hằng ngày, nhất là tội phạm về ma túy; tình trạng di cư tự do, buôn lậu, gian lận thương mại, xuất nhập cảnh trái phép vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp.

Bộ đội biên phòng hỗ trợ bà con chăm sóc vườn tược - một hình ảnh đẹp đẽ của “tình quân dân ”

Triển khai mô hình “Bản sáng vùng biên” bước đầu với nhiều khó khăn, thử thách. Tuy nhiên, với quyết tâm cao độ, Bộ đội biên phòng tỉnh Thanh Hóa kết hợp cùng chính quyền địa phương, các phòng ban chuyên môn và bà con nhân dân đã gặt hái được những thành quả đáng khích lệ.

Tại huyện Quan Hóa, Đồn biên phòng Hiền Kiệt cùng với bà con bản Chiềng Căm đã bắt tay vào cuộc thi công 150m đường, 250m2 sân bê tông nhà văn hóa, tích cực tổng vệ sinh môi trường xung quanh và xây bồn trồng hoa…

Nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết của người dân về bình đẳng giới, xóa bỏ định kiến giới với những hủ tục lạc hậu, xây dựng môi trường sống bình đẳng đối với phụ nữ và trẻ em, Đồn biên phòng Trung Lý (huyện Mường Lát) đã phối hợp với UBMTTQ, Hội liên hiệp phụ nữ xã tổ chức các hội nghị tuyên truyền trực tiếp đến hội viên phụ nữ và nhân dân các bản.

Đóng chân tại địa bàn khu phố Đoàn Kết, thị trấn Mường Lát (huyện Mường Lát), thực hiện mô hình “Bản sáng vùng biên”, Đồn biên phòng cửa khẩu Tén Tằn đã phối hợp phòng, ban chuyên môn khu phố Đoàn kết lắp đặt hệ thống loa truyền thanh, soạn thảo văn bản và phát các bản tin tuyên truyền, phổ biến về các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, các quy định của địa phương đến bà con.

Trao đổi với phóng viên báo Pháp luật Việt Nam tại nhà văn hóa Bản Tứ Chiềng (xã Yên Khương, huyện Lang Chánh), ông Lò Văn Trung – Bí thư Chi bộ bản Tứ Chiềng hồ hởi cho biết: Bà con thôn bản rất phấn khởi và tâm đắc với chủ trương thực hiện mô hình “Bản sáng vùng biên” để xây dựng một thôn bản trong sạch, vững mạnh. Thông qua việc triển khai thực hiện chương trình, bà con nhân dân trong bản đã góp phần lớn vào việc nâng cao nhận thức của bà con.

“Bản Tứ Chiềng có 110 hộ, với 515 nhân khẩu, 60 hộ cận nghèo và 30 hộ nghèo. Thời gian qua, bản Tứ Chiềng cùng với chính quyền xã, các phòng ban chuyên môn và Đồn biên phòng Yên Khương cùng với bà con nhân dân thực hiện theo kế hoạch đã đề ra. Trong quá trình thực hiện, địa phương đã tổ chức phân công nhiệm vụ, công việc và trách nhiệm đối với cá nhân cụ thể. Địa phương đã phối hợp với cán bộ tư pháp, BĐBP, công an để tuyên truyền kiến thức giáo dục pháp luật nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật cho bà con như tuyên truyền luật giao thông, luật hôn nhân và gia đình; cùng với đó, kết hợp với lực lượng của đồn biên phòng tổ chức tuần tra kiểm soát, kiểm tra người ra vào khu vực biên giới để quản lý công tác tạm trú, tạm vắng, nhập khẩu, nhập tịch. Nhờ đó, an ninh trật tự được giữ vững”.

Ông Lò Văn Trung – Bí thư Chi bộ bản Tứ Chiềng (xã Yên Khương, huyện Lang Chánh) trao đổi với phóng viên báo Pháp luật Việt Nam về những kết quả khởi sắc từ việc triển khai mô hình “Bản sáng vùng biên (Ảnh: Dương Trang)

Qua một thời gian triển khai, thực hiện mô hình “Bản sáng vùng biên” đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, bà con thôn bản vùng biên hân hoan trong niềm vui mới khi chất lượng cuộc sống được cải thiện, an ninh trật tự được giữ vững, kinh tế - xã hội ngày một được nâng lên… đó không chỉ là niềm vui của riêng bà con dân bản mà còn là minh chứng cho mối quan hệ gắn bó, khắng khít tình quân dân, tô thắm hình ảnh tốt đẹp của những người lính “quân hàm xanh” nơi phên dậu của Tổ quốc.