Tuyên truyền, xử lý thông tin trên mạng xã hội của cơ quan Đảng, Nhà nước (Kỳ 3): Lựa chọn vấn đề bắt đầu từ nhu cầu xã hội

(PLVN) - Một trong những hạn chế lớn nhất hiện nay là hình thức tuyên truyền đang bị xơ cứng, khuôn mẫu. Do vậy, để đem lại hiệu quả cao nhất trong việc định hướng dư luận trên không gian mạng, điều đầu tiên các cơ quan chức năng cần làm là nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của nhân dân, từ đó đề ra phương pháp tác động phù hợp.
Chiến dịch truyền thông “Niềm tin chiến thắng” của Bộ Y tế trong phòng chống dịch bệnh Covid-19 đã thu được nhiều kết quả tích cực.
Chiến dịch truyền thông “Niềm tin chiến thắng” của Bộ Y tế trong phòng chống dịch bệnh Covid-19 đã thu được nhiều kết quả tích cực.

Hình thức tuyên truyền phải đáp ứng nhu cầu

Theo Thượng tá Nguyễn Hồng Phong, Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa - Bộ Công an, có nhiều phương pháp tác động trên mạng xã hội (MXH), nhưng cách tiếp cận không có gì tốt bằng việc sử dụng MXH để phản bác lại những thông tin, luận điệu xuyên tạc trên MXH. 

Thưa ông, hiện nay ngày càng nhiều thông tin bịa đặt, không đúng sự thật gây hoang mang dư luận xuất hiện trên MXH. Để đấu tranh có hiệu quả với những luận điệu xuyên tạc trên không gian mạng, các cơ quan chức năng cần chú ý những vấn đề gì? 

- Việc đầu tiên khi đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nắm bắt dư luận xã hội để từ đó chủ động đưa ra nội dung phản bác cái gì, chủ thể của phản bác là ai? Chẳng hạn, trước những thông tin về “giang hồ mạng”, như vụ Khá “bảnh” hoặc Đường “Nhuệ”,... trong lúc dư luận xã hội quan tâm về vấn đề này thì với chức năng định hướng dư luận, báo chí phải vào cuộc. Vấn đề đằng sau những tin đồn đó là gì thì chúng ta cũng phải nhận diện và xác minh qua cơ quan chức năng. 

Khi xác minh thông tin, chúng ta nên sử dụng người thật, việc thật và những người trong cuộc, tốt nhất là bằng hình ảnh, video clip ngắn. Theo tôi, không gì chứng minh tốt nhất bằng hình ảnh, bởi nó có sức thuyết phục cao. Phải dùng sự thật để đẩy lùi những điều không phải là sự thật thì mới hiệu quả, chứ từ thông tin không phải sự thật, chúng ta lại cố gắng lấp liếm để giải tỏa thì sẽ gây tác dụng ngược. 

Một trong những hạn chế lớn nhất hiện nay là hình thức tuyên truyền đang bị xơ cứng và khuôn mẫu. Không phải cái gì cũng có thể “bê” lên Truyền hình quốc gia, trong khi giới trẻ sử dụng các MXH như Face book, Tik tok, Zalo, Youtube… lại thao tác rất nhanh và sử dụng trí tuệ nhân tạo để tìm kiếm các thông tin cần thiết. Do đó, trong giai đoạn hiện nay, hình thức tiếp cận là quan trọng, sau đó mới tính đến nội dung.

Chúng ta phải có tư duy ngược, nếu trước đây, nội dung tốt thì mới quan trọng nhưng bây giờ hình thức quan trọng hơn. Ví dụ, một bài viết dù rất hay, thậm chí một nghị quyết rất quan trọng, nhưng nếu chỉ phổ biến trong nội bộ cán bộ, đảng viên thì nó chỉ tồn tại trên giấy và không có sức lan tỏa rộng. Đã đến lúc chúng ta phải coi hình thức cũng quan trọng không kém nội dung. Thậm chí, bây giờ hình thức đang lấn lướt nội dung.

Vậy chúng ta nên sử dụng phương pháp tác động ra sao để đem lại hiệu quả, thưa ông?

- Theo tôi, phải nắm bắt thị hiếu, nhu cầu của nhân dân là gì; lựa chọn vấn đề nên bắt đầu từ nhu cầu xã hội. Có nhiều phương pháp tác động, nhưng điều đầu tiên là sử dụng MXH để giải quyết những vấn đề của MXH.

Không thể sử dụng báo giấy để “đập” lại những vấn đề trên MXH một cách hiệu quả. Vì thế, cách tiếp cận không có gì tốt bằng việc sử dụng MXH để phản bác lại những thông tin, luận điệu xuyên tạc trên MXH, bởi vì các thế lực thù địch cũng dùng công cụ này để tuyên truyền, phao tin đồn nhảm về nhân sự, công tác xây dựng Đảng và phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta. 

Theo tôi, để phát huy có hiệu quả việc tuyên truyền, thuyết phục trên MXH, thời gian tới các cơ quan, ban ngành, đoàn thể phải thay đổi về nhận thức. Văn kiện của chúng ta không chỉ là tờ A4 khô cứng nữa mà có thể thay bằng một đoạn phim ngắn nói về thành tựu của Việt Nam trên các lĩnh vực trong 5 năm, 10 năm, 15 năm...

Thực tế trên thế giới đã có một số nước xây dựng những bộ phim ngắn để nói về sức mạnh của đất nước họ thay vì là những văn bản báo cáo với rất nhiều con số. Xem phim xong nhiều người rất ấn tượng và nhớ rất lâu, vì thế độ tương tác sẽ cao hơn nhiều.

Tuyên truyền bằng những việc đời thường 

Ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm trong việc tuyên truyền, đấu tranh với các luận điệu sai trái, xuyên tạc trên MXH? Chúng ta đã thu được những kết quả như thế nào?

- Thời gian qua, các lực lượng chức năng đã phối hợp rất chặt chẽ, đặc biệt trong công tác tuyên truyền về phòng chống dịch Covid-19 bùng phát trong đợt đầu năm, nhất là việc thực hiện nghiêm Chỉ thị 15 và 16 của Thủ tướng Chính phủ...

Nhiều địa bàn lúc đầu có sự phản kháng nhất định, nhưng sau đó tất cả đều có sự thay đổi mà sự thay đổi này là dưới áp lực của dư luận xã hội trên không gian mạng. Nhiều nơi đã nhận thức và thấy rằng, trong khi cả xã hội đang chấp hành và thực hiện nghiêm việc giãn cách mà họ tổ chức hoạt động đông người sẽ tự thấy không phù hợp. Chính dư luận xã hội đã gây áp lực ngược trở lại đối với họ.

Trước đây, có nhiều phong trào gặp khó khăn khi đi vào thực tiễn, nhưng nếu nhìn vào việc thực hiện việc giãn cách xã hội hoặc việc thực hiện Chỉ thị số 03 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP thì chúng ta thấy người dân rất ủng hộ và nghiêm túc thực hiện.

Rất nhiều hội, nhóm trước đây tưởng rằng sẽ chống đối (như các nhà hàng, quán karaoke, vũ trường...), vậy mà họ đã chủ động thay đổi lối sống. Hay chúng ta nhớ lại câu chuyện của nhiều năm trước là dọn dẹp vỉa hè tại Quận 1 TP Hồ Chí Minh cũng có vai trò rất lớn của MXH trong hoạt động tuyên truyền.

Chính bởi lẽ đó, tôi cho rằng hình thức tuyên truyền, phản bác không gì tốt bằng những việc đời thường được người dân quan tâm và thể hiện trên MXH. Có được kết quả này là sự đồng thuận của người dân, từ đó nhiều đối tượng chưa chấp hành đã chủ động chấp hành. Đây là “quyền lực thứ 4” đã được số hóa.

Tuy nhiên, để làm được điều này thì chúng ta phải bền bỉ duy trì, đồng thời kết hợp với các công cụ khác nhằm mang đến thông điệp mạnh mẽ, và để biến thông điệp trở thành những chuyện thường nhật thì phải có các công cụ khác hỗ trợ, như giáo dục, thuyết phục…

Thưa ông, trong việc xây dựng chính sách, pháp luật, vai trò của MXH được đánh giá thế nào?

- Bất kỳ chính sách pháp luật nào cũng cần đánh giá tác động, vì thế trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0 và truyền thông số có bước phát triển mới thì việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân trên MXH rất quan trọng.

Khi chúng ta định làm điều gì thì phải biết được dư luận phản ứng ra sao, từ đó điều chỉnh hướng tác động cho phù hợp. Việc nắm bắt dư luận xã hội tuyệt đối không được thờ ơ và phải giữ nguyên tắc cho dù nhỏ nhất. Kinh nghiệm đã đúc kết rằng, một đốm lửa nhỏ cũng có thể trở thành đám cháy lớn nếu chúng ta bỏ qua.

Trân trọng cảm ơn ông!

Đăng tải thông tin phải chú ý đến tầm ảnh hưởng

Để phát huy tốt nhất hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động và thuyết phục nhân dân thông qua MXH, theo tôi trước hết cần chú ý đến nội dung và hình thức tuyên truyền. 

Về nội dung, cần đảm bảo thông tin được đăng tải trên MXH phải là thông tin chính thống, có nội dung ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, dễ nhớ. Nội dung thông tin được phân chia theo nhóm phù hợp với từng nhóm đối tượng cần tuyên truyền.

Khi lựa chọn, đăng tải thông tin cần chú ý đến tầm ảnh hưởng, tác động của nội dung thông tin đến người dân và đời sống xã hội. Bên cạnh đó, cần chú ý không đăng thông tin kiểu giật tít, nội dung khó hiểu, thông tin không tường minh... làm cho người dân dễ hiểu sai vấn đề, hoang mang, lo lắng.

Về hình thức, cần lồng ghép với các mô hình phù hợp nhằm thu hút người dùng MXH theo dõi và chia sẻ, như: các thể loại văn vần, thơ ca, hò vè, tranh ảnh biếm họa; các clip mang tính phổ thông như bài hát, nhạc chế, tiểu phẩm... Phát huy vai trò, ảnh hưởng của các fanpage, web, blog... của các cơ quan, địa phương, đơn vị và cá nhân trong việc truyền tải thông tin.

Cần tích cực chia sẻ các trường hợp bị xử phạt hành chính do tung thông tin giả lên MXH để cảnh tỉnh, định hướng nhân dân trong việc đăng tải và tiếp nhận thông tin. (Bà Đào Khánh Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng)

Chọn lọc vấn đề liên quan đến cuộc sống người dân

Điều lưu ý trong tuyên truyền là phải chọn lọc những vấn đề liên quan đến cuộc sống của người dân mà họ đang cần giải thích. Trước, trong và sau Đại hội Đảng các cấp, hai nội dung quan trọng nhất mà chúng ta cần đẩy mạnh tuyên truyền là công tác văn kiện và nhân sự của đại hội.

Với những nội dung mà người dân còn mơ hồ, chưa hiểu biết thì qua công tác tuyên truyền, họ sẽ xác định lại tư tưởng, việc làm của mình cho đúng. Còn những người có hành vi chống đối cũng nhận thức lại để làm sao có hành động phù hợp với luật pháp. (Ông Phạm Văn Hòa, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Đồng Tháp)

Đọc thêm