Tại thị trường trong nước, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.131 VND/USD, giảm 14 đồng so với phiên sáng qua.
Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước là 22.750 VND/USD ở chiều mua vào và 23.789 đồng/USD bán ra.
Tỷ giá ngoại tệ tại các ngân hàng thương mại, giao dịch lúc 8h sáng nay:
Tỷ giá Vietcombank niêm yết ở mức 22.625 đồng/USD (mua vào) – 22.855 đồng/USD (bán ra), giữ nguyên mức giá cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch sáng qua.
VietinBank niêm yết tỷ giá ở mức 22.653 đồng/USD (mua vào) – 22.853 đồng/USD (bán ra), giữ nguyên mức giá cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch sáng qua.
BIDV niêm yết tỷ giá ở mức 22.655 đồng/USD (mua vào) – 22.855 đồng/USD (bán ra), giữ nguyên mức giá cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch sáng qua.
Tại thị trường thế giới (cùng giờ Việt Nam): Chỉ số Dollar Index (DXY), đo lường đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đứng ở mức 93,35 điểm, giảm 0,02%. Hiện 1 Euro đổi 1,168 USD; 1 bảng Anh đổi 1,379 USD; 1 USD đổi 113,42 yên.
Tỷ giá đồng USD quay đầu giảm khi Mỹ công bố GDP tăng trưởng ở mức thấp hơn nhiều so với kỳ vọng. Báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ, đưa ra ngày 28/10 cho thấy ước tính GDP của Mỹ trong quý III tăng 2%, thấp hơn khá nhiều so với kỳ vọng 2,8%. Biến thể Delta đã làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lao động tại các nhà máy, hầm mỏ và bến cảng, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng tại Mỹ.
Tuy nhiên, hiện nước Mỹ đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng chứ không chỉ có sự gián đoạn chuỗi cung ứng. Thực tế cho thấy, lạm phát tại Mỹ đã nóng trong nhiều tháng nay. Với lạm phát cao hơn và tăng trưởng chậm hơn thì số lựa chọn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) là khá hạn chế. Fed được cho là đang bị mắc kẹt bởi chính chính sách tiền tệ của mình khi bất kỳ sự thắt chặt nào cũng có thể là thảm họa đối với nền kinh tế và thị trường tài chính.
Chính phủ Mỹ đã bơm hàng nghìn tỷ USD trực tiếp cho các hộ gia đình. Đây là yếu tố thực sự thúc đẩy lạm phát trong 19 tháng qua.
Theo một số chuyên gia, nhiều quốc gia cũng đang đứng trước ngã ba đường nguy hiểm khi họ phải đối phó với áp lực lạm phát gia tăng nhưng cần đảm bảo rằng nền kinh tế vẫn vững mạnh.
Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu cho thấy hoạt động kinh tế tăng lên vào cuối quý này trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 liên quan đến biến thể Delta giảm.