Tỷ lệ giới trẻ Nhật Bản dùng thuốc lá làm nóng không đáng quan ngại

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đây là thông tin được TS.BS Hiroya Kumamaru, chuyên gia tim mạch Nhật Bản, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa AOI phân tích tại tọa đàm “Dựng hàng rào pháp lý ngăn chặn giới trẻ tiếp xúc thuốc lá mới” do Báo VietnamPlus tổ chức mới đây.

Tỷ lệ giới trẻ sử dụng thuốc lá làm nóng tiệm cận zero

Theo một báo cáo công bố năm 2021, kể từ năm 2014, sau 6 năm thuốc lá làm nóng được hợp pháp hóa tại Nhật Bản, tỷ lệ giới trẻ Nhật sử dụng sản phẩm này gần bằng 0.

Cụ thể, TS.BS Hiroya Kumamaru cho hay, trong 3 năm từ 2018-2020, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã công bố kết quả một khảo sát quy mô lớn trên hơn 60.000 học sinh THPT và THCS. Kết quả cho thấy, chỉ 0,1% học sinh sử dụng thuốc lá làm nóng, dù sản phẩm này vẫn được cung cấp cho người dùng trưởng thành.

TS.BS Hiroya Kumamaru. (Ảnh: H.T)

TS.BS Hiroya Kumamaru. (Ảnh: H.T)

Trong khi đó, tính từ năm 2014, khoảng 1/3 số người hút thuốc lá điếu của nước này đã chuyển sang dùng thuốc lá làm nóng. Theo TS.BS Hiroya Kumamaru, việc chuyển đổi này giúp người dùng có thể giảm đến 90% mức độ phơi nhiễm với các chất có hại. Điều này có nghĩa, sự hiện diện hợp pháp của thuốc lá làm nóng đã làm sụt giảm nhanh chóng tỷ lệ người hút thuốc lá điếu. Song song đó, vì con số quá thấp nên tỷ lệ sử dụng thuốc lá làm nóng ở giới trẻ không khiến Bộ Y tế Nhật Bản lo ngại về nguy cơ tạo ra thế hệ nghiện thuốc lá mới.

Năm 2017, khảo sát ghi nhận tỷ lệ tiêu thụ thuốc lá điếu tại Nhật đã giảm xuống gấp 5 lần mà không cần sự can thiệp về thuế của Chính phủ. Từng là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêu thụ thuốc lá điếu bậc nhất thế giới, đến nay Nhật Bản đã giảm 44% tỷ lệ này, vượt xa mục tiêu 30% của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Lý giải thành tựu khi giới trẻ Nhật gần như không dùng thuốc lá làm nóng, TS.BS Hiroya Kumamaru cho biết, Chính phủ Nhật cấm hoàn toàn giới trẻ sử dụng mọi loại thuốc lá. Nếu phát hiện học sinh sử dụng bất kỳ loại thuốc lá nào, nhà trường sẽ kỷ luật nghiêm khắc, thậm chí buộc thôi học.

Tìm giải pháp ngăn chặn việc sử dụng thuốc lá mới trong giới trẻ

Với bối cảnh trong nước, ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp khẳng định, những quy định nhằm ngăn ngừa giới trẻ tiếp cận, sử dụng thuốc lá đã được bao hàm trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) 2012, bao gồm hành vi bị cấm và khung xử phạt đi kèm với đối với thanh thiếu niên. Do vậy, ông Hải khẳng định, luật đã đầy đủ, chỉ còn thiếu khâu thực thi. Đồng thời, ông Hải nêu vấn đề, cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm trong việc giám sát, xử phạt hành vi mua, bán thuốc lá đối với người dưới 18 tuổi.

ThS.BS Lê Đình Phương cho rằng nên cung cấp hợp pháp các sản phẩm thuốc lá mới đã được khoa học chứng minh về mức độ giảm tác hại. (Ảnh: H.T)

ThS.BS Lê Đình Phương cho rằng nên cung cấp hợp pháp các sản phẩm thuốc lá mới đã được khoa học chứng minh về mức độ giảm tác hại. (Ảnh: H.T)

Cùng quan điểm với ông Hải, ThS.BS Lê Đình Phương, Trưởng khoa Nội tổng quát và Y học Gia đình, Bệnh viện FV ủng hộ việc cấm hoàn toàn mọi loại thuốc lá đối với người dưới 18 tuổi. Nhưng với đối tượng là bệnh nhân hoặc người dùng trưởng thành, BS Phương cho rằng nên cung cấp hợp pháp các sản phẩm thuốc lá mới đã được khoa học chứng minh về mức độ giảm tác hại.

Đây được xem là giải pháp thay thế, giúp hạn chế tác hại của thuốc lá điếu, từng bước tiến đến việc cai thuốc hoàn toàn, nên cần phân biệt rõ với việc “vẽ đường cho hươu chạy”, “mời mọc” giới trẻ sử dụng. Ngoài ra, BS. Phương bày tỏ mong muốn các cơ quan chức trách phân biệt rõ mức độ độc hại của từng loại sản phẩm để có hướng ứng xử phù hợp.

Ngoài ra, TS.BS Hiroya Kumamaru cũng đưa ra dẫn chứng, việc Nhật Bản quản lý chặt chẽ thuốc lá làm nóng đã đem đến nhiều thành công trong y khoa, đồng thời rút ngắn quá trình giảm tỷ lệ hút thuốc lá điếu trong cộng đồng.

“Nếu người hút thuốc chưa thể cai được thuốc thì việc chuyển đổi sang thuốc lá làm nóng vẫn là giải pháp được khuyến khích để giảm thiểu các bệnh liên quan đến khói thuốc”, TS.BS Hiroya Kumamaru nhận định.

Bên cạnh đó, BS Lê Đình Phương lý giải quan điểm khác biệt của WHO: “Có sự khác biệt giữa WHO và một số tổ chức chính phủ, tổ chức nghiên cứu. Tuy nhiên, là một người làm nghiên cứu lâm sàng và dựa trên các bằng chứng hiện hữu, tôi nhận ra vô số nghiên cứu cho thấy khả năng giảm thiểu tác hại của thuốc lá làm nóng. Và những bằng chứng về giải pháp giảm thiểu tác hại càng ngày càng nhiều hơn".

Cụ thể, Tạp chí Y học JAMA vừa công bố kết quả nghiên cứu mới nhất của Tổ chức Tim mạch Mỹ về thuốc lá mới. Theo đó, 4 điểm đáng chú ý của các sản phẩm này gồm không liên quan đến tỷ lệ tăng huyết áp, không làm tăng tỷ lệ đột quỵ, nhồi máu cơ tim và có tăng nhẹ tỷ lệ tiểu đường… “Do đó, tôi không có gì ngạc nhiên khi một số nước như New Zealand, Anh, Nhật, Hà Lan, Ba Lan… quản lý thuốc lá làm nóng như một giải pháp thay thế giảm tác hại của thuốc lá điếu”, BS Phương cho hay.