Nên mừng hay lo
Mới đây, trang web Seasia vừa đưa ra một dữ liệu về tỷ lệ sở hữu ôtô trên mỗi 1.000 người của các nước Đông Nam Á. Theo đó, Brunei đứng đầu danh sách với 721 xe, tiếp đến là Malaysia với 443 và Thái Lan 225, Việt Nam đứng gần cuối bảng với chỉ 23 xe/1000 người dân. Còn theo danh sách của ASEANstats, Brunei đạt số lượng 971 chiếc xe trên mỗi 1.000 người dân, trong khi Malaysia là 897 xe. Ngoài ra, Thái Lan có tỷ lệ 548 xe, tiếp đến Indonesia với 499 xe.
Mặc dù tỷ lệ sở hữu ô tô thuộc hàng thấp nhất khu vực, tình trạng ùn tắc tại Hà Nội và TP.HCM lại rất trầm trọng. Ở hai đô thị lớn nhất cả nước này, cứ vào giờ cao điểm, nhiều tuyến đường lại rơi vào tình trạng hỗn loạn và ùn tắc kéo dài. Ở một số đô thị khác, tình trạng kẹt xe, tắc đường cũng bắt đầu trở thành bài toán nan giải.
Trước số liệu thống kê trên, nhiều ý kiến cho rằng: Nếu tỷ lệ về số người dân ở nước ta sở hữu ô tô tăng lên và ở mức cao, trong khi hạ tầng giao thông không được cải thiện, đường sá nội đô vẫn chật hẹp như hiện nay thì chắc chắn các đô thị lớn sẽ rơi vào tình trạng quá tải, giao thông tê liệt.
Theo đánh giá của một số đơn vị chuyên môn, thị trường ô tô Việt Nam đạt mức tăng trưởng 38% trong giai đoạn 2012 – 2016, tốc độ tăng cao nhất nếu so với các nước láng giềng như Malaysia, Thái Lan và Indonesia. Thế nhưng, đa phần các ô tô được đăng ký mới và sử dụng thường xuyên tại các đô thị lớn. Chỉ tính riêng Hà Nội và TP.HCM, lượng xe ô tô đăng ký mới hàng năm chiếm khoảng 50% lượng xe ô tô đăng ký của cả nước.
Nhu cầu sở hữu xe ô tô của người Việt là hoàn toàn chính đáng, nhưng nếu như mọi người đều có khả năng sở hữu xe ô tô và tỷ lệ ở mức cứ 1000 người dân thì sẽ có 700 người có xe ô tô thì không biết tình trạng giao thông ở Việt Nam sẽ như thế nào? Hàng loạt các vấn đề khó khăn sẽ xảy ra như: các thành phố sẽ quá tải, nạn tắc đường sẽ trầm trọng, thiếu bãi đỗ xe….
Các thống kê cho thấy, tỷ lệ đất dành cho giao thông nội đô ở các đô thị nước ta còn ở mức thấp, ví dụ như tại Hà Nội, tỷ lệ này chỉ chiếm 9%. Trong khi đó tiêu chuẩn thông thường của các đô thị trên thế giới tỷ lệ đất dành cho giao thông chiếm 22 - 24%. Không chỉ có tỷ lệ đất giao thông thấp mà mật độ dân số tại Hà Nội cũng rất cao. Với thực trạng đó việc ách tắc giao thông ở Hà Nội cũng là một điều tất yếu.
Cần phát huy lợi thế ô tô
Bên cạnh bài toán khi lưu thông, việc tìm chỗ đỗ xe ô tô tại các thành phố lớn cũng là bài toán nan giải. Cũng theo một khảo sát khác, 49% người đang ở hữu xe ô tô tại Hà Nội và 53% tại TP.HCM đang cân nhắc có nên sử dụng ôtô nữa không vì những bất cập do phương tiện này mang lại. Ngoài lý do tắc đường, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này là không tìm được chỗ đỗ xe. Tại Hà Nội, 77% người được hỏi cho biết họ thường bị mất rất nhiều thời gian vì loay hoay tìm chỗ đỗ xe, trong khi con số tương ứng tại TP.HCM là 68%.
Bên cạnh những bất cập mà xe ô tô mang lại, việc phát triển thị trường ôtô lớn mạnh, nâng cao tỷ lệ sở hữu xe ô tô của người Việt cũng mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Điều đầu tiên là góp phần giãn dân cư khỏi trung tâm đô thị. Khi người người đều có thể sở hữu xe ô tô, người dân có thể sống xa vùng trung tâm, làm việc tại các đô thị vệ tinh, thậm chí cách xa trung tâm hàng chục km. Việc giãn dân khỏi vùng trung tâm sẽ khiến thị trường bất động sản trung tâm giảm nhiệt, giá đất bình ổn.
Lấy ví dụ tại TP.HCM, nếu xe ô tô trở thành phương tiện phổ biến, người dân có thể sống tại các khu vực Đồng Nai, Bình Dương hay Củ Chi, Long An… nhưng vẫn dễ dàng làm việc tại trung tâm. Còn tại Hà Nội, người dân có thể sinh sống tại các vùng cách trung tâm khoảng 60km – 80km như: Sơn Tây, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hoà Lạc, Ba Vì… Thực tế hiện nay tại Hà Nội, một số khu vực như Đồng Mô, Bắc Ninh, Sóc Sơn, Đông Anh… thời gian di chuyển đến khu vực vành đai 3 là rất ít. Ngược lại, thời gian từ vành đai 3 vào trung tâm chính của thành phố có thể nhiều hơn gấp đôi, thậm chí gấp 3.
Thế nhưng, để làm được điều này, giao thông kết nối giữa trung tâm và các thành phố vệ tinh phải được hoàn thiện, bao gồm hệ thống đường cao tốc và giao thông công cộng, hệ thống giao thông trong nội đô cũng phải được mở rộng, nâng cấp và liên kết với nhau. Cùng với đó là chính sách di dời các cơ quan, trụ sở xí nghiệp ra khỏi nội đô phải được thực hiện.
Giai đoạn phổ cập ô tô sẽ diễn ra vào khoảng từ 2020-2030
Theo dự báo, giai đoạn phổ cập ô tô sẽ diễn ra vào khoảng từ 2020-2030. Việc phát triển công nghiệp ô tô cần được xem là giải pháp dài hạn góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đưa Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, có tác động lan tỏa kéo theo sự phát triển của các ngành công nghiệp có liên quan, góp phần tăng trưởng kinh tế. Đó cũng là mục tiêu chung quy hoạch phát triển ngành mô tô Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn 2030.
Nhìn nhận về tương lai của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam ông Đỗ Hữu Hào, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương - Chủ tịch Hội kỹ sư ô tô Việt Nam nhận định: "Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ phát triển vững chắc trong tương lai và Việt Nam dần dần sẽ hình thành tổ hợp những nhà máy sản xuất ô tô đáp ứng nhu cầu nội địa".
Theo thống kê từ Bộ Tài chính, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã phát triển khá nhanh trong vài năm trở lại đây. Tốc độ tăng trưởng trung bình xe sản xuất lắp ráp trong nước giai đoạn 2015-2018 đạt 10%. Năm 2015, sản lượng sản xuất, lắp ráp xe ô tô trong nước đạt trên 200 nghìn xe/năm, tốc độ tăng so với 2014 đạt 51%. Năm 2016, sản lượng tiếp tục tăng mạnh, đạt trên 283,3 nghìn xe/năm, tăng 38% so với năm 2015. Năm 2017, sản lượng sản xuất, lắp ráp đạt 258,7 ngàn xe, giảm 9% so với năm 2016; năm 2018 đạt 250 ngàn xe, giảm khoảng 3% so với năm 2017.