U70 náo nức rủ nhau đi tập thể hình

(PLO) - Để duy trì sức khỏe và tăng cường các hoạt động kết nối xã hội, lượng người già Nhật Bản tìm đến các câu lạc bộ thể hình đang gia tăng nhanh chóng, trở thành nhóm chiếm đa số trong số các thành viên tại các cơ sở này.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhân tố thúc đẩy ngành công nghiệp thể dục

Khác với các câu lạc bộ thể hình thường thấy, không khí ở trung tâm thể hình Central Sports nằm ở quận Adachi thuộc thủ đô Tokyo của Nhật Bản vào các buổi sáng sớm khá tĩnh lặng. Những người tham gia câu lạc bộ chỉ đi bộ quanh hồ bơi, xoa chân xoa tay ở các phòng tập, tập các bài tập vận động nhẹ nhàng hay nằm trên ghế massage ở phòng thư giãn. 

Trong khi nhiều câu lạc bộ thể hình khác thường bật những bản nhạc sôi động để kích thích sự vận động của người tập thì ở Central Sports chỉ là những bản nhạc cổ điển với âm lượng đủ nhỏ để người ta vẫn có thể nghe thấy đâu đó cuộc chuyện trò của một số người tập. 

“Tôi đến đây vừa là để rèn luyện sức khỏe, vừa là để chuyện trò với bạn bè. Tôi bắt đầu đến phòng tập này khi chuyển đến quận Adachi sinh sống 10 năm trước. Trước đó, tôi chẳng bao giờ đi tập gym nhưng giờ mỗi tuần tôi đi tập 5 buổi”, một cụ bà 67 tuổi, là thành viên của câu lạc bộ yoga buổi sáng của trung tâm thể hình cho hay. 

Những người cao tuổi ở Nhật Bản tỏ ra khá thích những câu lạc bộ thể hình. Ở đó, các giáo viên thường hướng dẫn họ những bài tập có cường độ vận động nhẹ, di chuyển chậm, tập trung vào các hoạt động chức năng của cơ thể. Sau mỗi buổi tập như vậy, họ có thể tắm ở những phòng tắm lớn, ăn trưa hoặc sử dụng dịch vụ massage trong nhà. Đa phần các cụ đến các trung tâm vào buổi sáng, ít đến vào buổi chiều. 

Những trung tâm thể hình đầy đủ dịch vụ như Central Sports thường là các khu phức hợp đa tầng, có quy mô lớn, có bể bơi, các phòng tập gym và các phòng chức năng. Chính sự tham gia của những người già đã góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp thể dục ở Nhật Bản trong nhiều thập kỷ qua. 

Ngành công nghiệp thể dục của Nhật Bản phát triển mạnh từ sau Thế vận hội Tokyo năm 1964 Tokyo. Central Sports được một vận động viên bơi lội từng tham gia Olympic đứng ra thành lập chung với một nhóm người khác vào năm 1969. Được mở ra khi những hoạt động thể chất phát triển mạnh ở Nhật Bản sau kỳ Thế vận hội, Trung tâm thể hình People cũng từng giữ danh hiệu là chuỗi câu lạc bộ thể hình lớn nhất tại nước này trước khi được bán cho công ty trò chơi Konami vào năm 2001. 

Trong vòng 16 năm kể từ mốc thời gian năm 2001, số câu lạc bộ thể hình ở Nhật Bản đã tăng gấp đôi và có doanh thu đạt 5 tỉ USD, là nước có ngành công nghiệp thể dục lớn thứ 4 thế giới. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là phần lớn sự tăng trưởng của các câu lạc bộ thể hình đa dịch vụ này được thúc đẩy bởi sự tham gia của những người già. 

Theo thống kê, những người từ 60 tuổi trở lên chiếm đến 40% tổng số thành viên của Central Sports. Người già cũng là những người “thống trị” các cơ sở này vào buổi sáng, khi các thành viên trẻ còn lo đi làm. 

“Số thành viên từ 70 tuổi trở lên tại cơ sở của chúng tôi đang gia tăng”, Chủ tịch Central Sports Seiji Goto cho biết. Một chuỗi câu lạc bộ thể hình khác là Renaissance cũng đã ghi nhận sự gia tăng tỉ lệ các thành viên từ 60 tuổi trở lên từ 26,9% lên thành 32,5% trong vòng 5 năm qua. Một khảo sát do Bộ Nội vụ Nhật Bản thực hiện cho thấy, trung bình, tỉ lệ những người từ 60 tuổi trở lên nên đến các câu lạc bộ thể thao nhiều hơn so với tất cả các nhóm tuổi còn lại.

Nhận thức được xu hướng trên, nhiều câu lạc bộ thể hình ở Nhật Bản cũng đã có những điều chỉnh để thu hút người già. Ví dụ, chuỗi câu lạc bộ Anytime Fitness thường đặt cơ sở tại các tòa nhà gần trạm xe điện. Bên trong các cơ sở này chủ yếu bao gồm các máy tập thể hình và máy nâng tạ. Ở đây cũng không bố trí nhiều nhân viên trực ca sáng và đêm muộn mà để các thành viên tự sử dụng chìa khóa nhựa vào tập. Phí tập ở đây cũng khá rẻ so với nhiều nơi khác, rơi vào khoảng 7.000 yên (63 USD) mỗi tháng. 

Renaissance cũng chuyển sang mô hình nhà dưỡng lão tập trung vào các hoạt động thể chất nhằm hướng tới nhóm đối tượng khách hàng từ 65 tuổi trở lên. Tại đây, các hướng dẫn viên có chứng chỉ hành nghề thường hướng dẫn các bài tập vận động cường độ chậm nhằm phục hồi chức năng. 

Một số nơi mở phòng tập chuyên biệt cho người già ngay trong các trung tâm thương mại để họ vừa có thể kết hợp đi mua sắm đồ cho gia đình,  vừa có thể tranh thủ tập thể dục.

Theo thống kê của Bộ Kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản, trong năm 2000, tổng số thành viên của các câu lạc bộ thể hình trên khắp cả nước này là 1,42 triệu người. Đến năm 2006, con số này đã tăng mạnh lên thành 2,07 triệu người, tức tăng 6,6% mỗi năm. 

Tuy nhiên, trong 2 năm tiếp theo đó, con số này liên tục giảm trước khi bắt đầu tăng trở lại và đạt mức 2,51 triệu người vào năm 2016. Sự gia tăng mạnh mẽ của số thành viên trong các câu lạc bộ này ở giai đoạn 2000 đến 2006 được cho là do người già tích cực tham gia các hoạt động thể chất nhằm ngăn ngừa hội chứng chuyển hóa và các bệnh tật liên quan đến lối sống.

Lợi cho cả bản thân, gia đình và xã hội

Câu lạc bộ 3-Fit Gym tuy thiếu các máy chạy bộ nhưng lại có nhiều thiết bị giúp căng cơ và các thiết bị hỗ trợ tập thể dục cho người già nên vẫn thu hút rất nhiều người  đến. 

Cụ bà Nemoto Kazue, 82 tuổi, cho biết bà rất thích tham gia các hoạt động thể chất cùng với những người cùng nhóm tuổi. Bà cũng thích những nhân viên trẻ trung và dễ thương tại câu lạc bộ. 

“Bọn trẻ cũng như cháu tôi vậy. Chúng khiến cho tôi cảm thấy mình trẻ đi nhiều khi đến đây thường xuyên”, cụ bà từng là một kế toán thuế cho biết. Mỗi ngày, không bỏ ngày nào, cụ đều đặn đến trung tâm để tập.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ông Takamitsu Sawa – một giáo sư ở Kyoto – cho biết ông đã duy trì thói quen tới phòng tập gym từ khi còn là giáo sư thỉnh giảng tại trường Đại học Illinois ở Mỹ. Sau khi trở về nước, ông tiếp tục duy trì thói quen thường xuyên vận động thể chất và sớm tìm được cho mình một câu lạc bộ quen để gắn bó. Kể từ khi nghỉ hưu vào năm 2016, ông đều đặn đi tập gym 3 lần mỗi tuần, không chỉ vào cuối tuần mà cả các ngày trong tuần. Mỗi buổi, ông tập khoảng 2 tiếng, bao gồm các bài tập từ bơi lội tới các bài tập cải thiện cơ bắp và đi bộ nhanh. 

“Tôi nhận thấy có đến 9 trên 10 người thực hiện các bài tập cơ bắp và đi bộ nhanh là hơn 60 tuổi. Tôi cũng thấy rằng những người già thường xuyên đi tập có vẻ ngoài trẻ trung hơn nhiều so với những người có cùng độ tuổi. Nhiều người trong số họ có thể đi bộ nhanh trên máy với tốc độ hơn 6km/giờ trong gần 1 giờ đồng hồ. Đặc biệt, tôi thấy phần lớn người già đều đi tập gần như mỗi ngày”, ông Sawa cho biết. 

Ông Sawa cũng cho biết, ngay cả vào những ngày cuối tuần hay những ca tập vào cuối ngày, độ tuổi trung bình của những người tới các phòng tập gym là khoảng 55 tuổi, hiếm khi thấy những người từ 20 đến ngoài 30 tuổi. “Những phòng tập gym cũng là nơi để người già tán gẫu sau những bài tập, giúp họ tăng cường tính kết nối trong xã hội”, ông nói thêm về một lợi ích của việc tập gym ở người già. 

Hiện nay, những người sinh sau Chiến tranh thế giới II đã bước qua tuổi 70, đồng nghĩa với việc số người già ở Nhật Bản gia tăng nhanh chóng trong thời gian qua. Người già hiện vẫn chiếm một tỉ lệ áp đảo trong các phòng gym ở nước này và dự kiến sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Đa số những người tích cực tham gia các câu lạc bộ như vậy đều giảm thiểu được các triệu chứng sức khỏe xấu.

Do đó, có thể nói các phòng tập gym đang đóng góp tích cực vào việc cải thiện sức khỏe của người dân, giúp giảm chi phí chăm sóc sức khỏe cho cả các gia đình và xã hội đồng thời giúp nâng cao sức khỏe và tuổi thọ của cộng đồng.