GTVT vừa trình Thủ tướng Chính phủ phương án thoái vốn kinh doanh xăng dầu mặt đất của công ty Xăng dầu Hàng không (Vinapco). Theo đó, Vinapco sẽ chuyển nhượng hệ thống kinh doanh xăng dầu mặt đất cho một đơn vị của…Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
“Bỗng dưng… thoái vốn”
Vinapco là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, đơn vị của Tổng công ty Hàng không Việt Nam. Ngoài nhiệm vụ cung ứng nhiên liệu hàng không, Vinapco còn có hệ thống kinh doanh xăng dầu mặt đất (hoạt động từ năm 1997 tới nay). Hoạt động kinh doanh xăng dầu mặt đất của Vinapco được giao cho xí nghiệp TMDKHK miền Bắc, xí nghiệp XDHK miền Trung, hoạt động dưới hình thức đơn vị hạch toán phụ thuộc. 14 cửa hàng của 2 XN này đều nằm ở các trung tâm, thành phố lớn và được nhận định có khả năng phát triển kinh doanh tương đối tốt.
Trong một báo cáo của Vinapco gần đây cho thấy sản lượng kinh doanh bán lẻ của các cửa hàng xăng dầu khá cao (năm 2012 trung bình đạt 144,8 m3/ tháng, 6 tháng đầu năm 2013 trung bình đạt 169,7 m3/ tháng). Lợi nhuận hoạt động kinh doanh xăng dầu mặt đất 6 tháng đầu năm 2013 ước đạt khoảng 16 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh tốt, nhiều tiềm năng, thế nhưng “một ngày đẹp trời”, Tổng công ty HKVN lại yêu cầu Vinapco xây dựng phương án thoái vốn kinh doanh xăng dầu mặt đất.
Trong văn bản số 1676/TCTHK – BĐT ngày 25/6/2013 của Tổng công ty HKVN gửi Bộ GTVT và Bộ Tài chính, đơn vị này “giải thích” nguyên nhân Vinapco phải thoái vốn kinh doanh xăng dầu mặt đất là để “tập trung cho hoạt động kinh doanh chính là cung ứng nhiên liệu cho lĩnh vực vận tải hàng không”. Tại văn bản số 2410/ TCTHK – BĐT, đơn vị này tiếp tục giải trình rõ hơn, theo đó hoạt động kinh doanh xăng dầu mặt đất của Vinapco không phải dịch vụ đồng bộ trong dây chuyền vận tải hàng không. Trong khi Đề án tái cơ cấu tổng công ty HKVN giai đoạn 2012- 2015 là “ cơ cấu hợp lý, tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vận tải hàng không và các dịch vụ đồng bộ trong dây chuyền vận tải hàng không”.
Điều lạ lùng là, Tổng công ty HKVN đề nghị Vinapco thoái vốn vì không coi kinh doanh xăng dầu mặt đất là “dịch vụ đồng bộ trong dây chuyền vận tải hàng không” nhưng ngày 18/9/2013 Ban đầu tư của Tổng công ty HKVN lại có báo cáo đề nghị cho phép một đơn vị khác trong Tổng công ty là XN TMMĐ (Niags) được xây trạm cấp nhiên liệu để kinh doanh và cấp nhiên liệu cho các trang thiết bị, phương tiện mặt đất hoạt động tại Cảng HKQT Nội Bài. Báo cáo này thậm chí nêu rõ: sẽ báo cáo TGĐ để bổ sung chức năng, ngành nghề hoạt động kinh doanh xăng dầu cho Niags, dự kiến Niags được hoạt động kinh doanh xăng dầu với chức năng là chi nhánh của Tổng công ty tại Nội Bài ???
Người lao động không đồng tình
Theo văn bản số 1676/TCTHK – BĐT ngày 25/6/2013, Tổng công ty HKVN đề xuất phương án chuyển nhượng 14 cửa hàng xăng dầu mặt đất của Vinapco cho Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOiL), đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Vinapco sẽ thực hiện chuyển nhượng có điều kiện cho PVOiL toàn bộ hệ thống kinh doanh xăng dầu mặt đất bao gồm tài sản cố định, công cụ dụng cụ, các dự án XDCB dở dang, hàng tồn kho, đất đai, lao động, nghĩa vụ ngân sách…
|
Người lao động trong Vinapco mong muốn tái cơ cấu theo hướng cổ phần hóa thay vì bán cho đơn vị khác |
Ngay sau khi biết thông tin Vinapco sẽ chuyển nhượng hệ thống kinh doanh xăng dầu mặt đất cho PVOiL, hơn 100 CBCNV đang làm việc trong hệ thống này tỏ ra hết sức bi quan, hoang mang. Báo cáo tổng hợp ý kiến của cán bộ, công nhân viên về chủ trương này của XN TMDKHK miền Bắc cho thấy người lao động rất lo lắng và đều mong muốn giữ lại hệ thống bán lẻ này, không bán hoặc bàn giao cho người khác. “Nói thật là cán bộ công nhân viên rất lưu luyến Vinapco, mấy chục năm xây dựng đơn vị rồi, không ai muốn đi sang đơn vị khác”, ông Lê Văn Bàn, giám đốc XN khá rụt rè chia sẻ quan điểm khi phóng viên PLVN tới XN tìm hiểu vấn đề.
“Ngày xưa công ty vẫn nói bán hàng dưới mặt đất và bán hàng trên không đều trong công ty hàng không cả, không phân biệt, tại sao giờ đây lại nói chúng tôi không phải “dịch vụ đồng bộ trong dây chuyền vận tải hàng không” để bán cho đơn vị khác. Tại sao không cổ phần hóa để người lao động chúng tôi được góp phần tái cơ cấu theo chủ trương của Nhà nước, cửa hàng ở vị trí đắc địa như thế này, kinh doanh đang ổn đinh, đang có lãi, vì sao phải bán tống bán tháo đi”, một cán bộ có thâm niên gần 30 năm công tác tại XN, hiện đang làm việc tại cửa hàng xăng dầu Mai Lâm đặt câu hỏi.
“Chúng tôi nghe nói cửa hàng của mình khi chuyển nhượng được định giá chỉ hơn 1 tỷ đồng, trong khi ngay bên cạnh, diện tích đất nhỏ hơn họ bán 39 tỷ đồng. Chưa biết chuyển nhượng xong thì sẽ ra sao ngày sau, chúng tôi cũng có tuổi rồi, cống hiến hàng chục năm rồi nhưng không biết có được ở đây không hay bị điều đi đâu”, một cán bộ “lão làng” khác cũng buồn rầu chia sẻ. Tại cửa hàng trên đường Nguyễn Sơn (Long Biên), cán bộ công nhân viên cũng chia sẻ với phóng viên nguyện vọng của họ là sự ổn định. “Cái cây đang ở vị trí này dù có cằn cỗi đi chăng nữa nhưng nó vẫn sống, nhưng nếu đánh nguyên nó sang vùng đất khác nó có thể chết luôn, quyền lợi chính sách cũng như cái cây, thiếu dinh dưỡng thì bổ sung cho nó chứ không nên bứng đi nơi khác. Chúng tôi ủng hộ tái cơ cấu nhưng là tái cơ cấu nội bộ, cổ phần hóa cho CBCNV được tham gia”.
Một số CBCNV của xí nghiệp TMDKHK miền Bắc thậm chí đã có đơn kiến nghị gửi lên Thủ tướng Chính phủ và Tổng LĐLĐVN đề đạt nguyện vọng được giữ lại hệ thống kinh doanh xăng dầu mặt đất.Không rõ Tổng công ty HKVN nghĩ gì trước tâm tư này song gần đây nhất, khi Bộ KHĐT, Bộ Tài chính có ý kiến về phương án thoái vốn tại Vinapco, đặt vấn đề quan ngại hoạt động của Vinapco sau thoái vốn có còn đảm bảo, nhất là khi đơn vị này là một trong số các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh XNK xăng dầu được Bộ Công Thương giao chỉ tiêu nhập khẩu xăng dầu hàng năm thì ngày 9/9/2013 đơn vị này vẫn “một mực” đòi thoái vốn. Trước ý kiến của Bộ KH&ĐT về việc chào bán cho các nhà đầu tư khác có cùng chức năng kinh doanh xăng dầu mặt đất như Petrolimex hay Xăng dầu quân đội…Tổng công ty HKVN cũng “một mực” bảo lưu phương án PVOiL mới là phù hợp nhất.
Uẩn khúc dường như đang “lộ diện” ở đây, khi chính trong báo cáo của mình, Tổng công ty HKVN nêu rõ : PVOiL sẽ tiến hàng cổ phần hóa vào năm 2015.
PLVN tiếp tục cập nhật thông tin.