Đồng Tháp đứng thứ 3 cả nước về sản lượng lúa, mỗi năm sản xuất trên 03 triệu tấn, năng lực chế biến trên 03 triệu tấn gạo/năm cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nên việc xuất khẩu lúa gạo cũng không tránh khỏi những khó khăn.
Ngày 10/4/2020, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho xuất khẩu gạo trở lại, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 1106/QĐ-BCT công bố hạn ngạch xuất khẩu gạo trong tháng 4/2020 là 400.000 tấn. Nhưng trong đó, tỉnh Đồng Tháp chỉ đăng ký mở được tờ khai hải quan theo hợp đồng đã ký là 14.150 tấn. Theo đó, lượng gạo còn lại đã ký hợp đồng giao trong tháng 4/2020 chưa đăng ký mở được tờ khai hải quan là 24.657 tấn (trong đó có 12.701 tấn nằm tại cảng chưa mở được tờ khai hải quan).
Người dân đang thu hoạch lúa, ảnh minh họa |
Bên cạnh đó, mặt hàng gạo nếp tại Đồng Tháp đang có nguồn cung dồi dào do diện tích sản lượng lớn nhưng không thể xuất khẩu, trong khi thị trường trong nước tiêu thụ rất ít do thói quen tiêu dùng của người dân thường là gạo tẻ.
Trước khó khăn của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo và trên cơ sở cân đối ưu tiên nguồn lúa gạo trong nước đảm bảo an ninh lương thực, ngày 20/4, Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho các doanh nghiệp tiếp tục xuất khẩu gạo với những hợp đồng đã ký và phải giao trong tháng 4/2020. Trước mắt là cho thông quan ngay với những lô hàng đã nằm tại cảng chờ xuất và có thể tính vào chỉ tiêu xuất khẩu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5/2020. Ngoài ra, cho mặt hàng gạo nếp được xuất khẩu không theo hạn ngạch.
Còn đối với những doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp cũng xin đề nghị xem xét được phân phối mặt hàng gạo tại thị trường nội địa trong điều kiện mặt hàng gạo được điều hành xuất khẩu theo hạn ngạch như hiện nay.