UBTVQH cho ý kiến Dự án Luật Đất đai (sửa đổi): ‘Nới’ thời hạn cấp sổ đỏ có thể có tác dụng ngược

(PLVN) - Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, việc tiếp tục nới thời hạn cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mỗi lần sửa đổi Luật Đất đai có thể có tác dụng ngược, dẫn tới giảm tính nghiêm minh của quy định pháp luật.
Quang cảnh phiên họp sáng 25/8. (Ảnh: Quochoi.vn)
Quang cảnh phiên họp sáng 25/8. (Ảnh: Quochoi.vn)

Sáng 25/8, tiếp tục Phiên họp thứ 25, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh báo cáo tại phiên họp.

Tránh hợp thức hóa các sai phạm về thẩm quyền giao đất

Trong Báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Thường trực Ủy ban Kinh tế xin ý kiến về cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất (Điều 138) và Điều 140 (giao đất trái thẩm quyền) của Luật này.

Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, Điều 138 Dự thảo Luật xử lý việc cấp Giấy chứng nhận không thuộc trường hợp quy định tại Điều 139 (sử dụng đất có vi phạm) và Điều 140 (giao đất trái thẩm quyền) của Luật này. Đây là các trường hợp đất đã được sử dụng lâu đời và không có vi phạm pháp luật trong suốt quá trình sử dụng đất.

Việc mở rộng thời hạn đến ngày 1/7/2014 là nội dung tiếp thu ý kiến nhân dân để giải quyết việc cấp Giấy chứng nhận cho trường hợp hộ gia đình sinh sống thời gian dài (trước ngày 1/7/2014, có nhà ở, các công trình phục vụ sinh hoạt hộ gia đình…) nhưng chưa được công nhận quyền sử dụng đất.

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh, việc tiếp tục nới thời hạn này mỗi lần sửa đổi Luật Đất đai cho thấy quy định về thời hạn là chưa phù hợp với thực tiễn cuộc sống, có thể có tác dụng ngược, dẫn tới giảm tính nghiêm minh của quy định pháp luật.

Trên cơ sở thảo luận, Dự thảo Luật thiết kế 2 phương án. Phương án 1: chỉnh sửa thời điểm công nhận đến trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành. Phương án 2: chỉnh sửa thời điểm công nhận theo hướng từ ngày 15/10/1993 trở về sau.

Thường trực Ủy ban Kinh tế cơ bản thống nhất với Phương án 1. Để giải quyết căn cơ vấn đề này, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Chính phủ bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất không vi phạm pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đất đai, bảo đảm hiệu lực pháp lý của quy định.

Riêng về cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất được giao không đúng thẩm quyền (Điều 140), theo Thường trực Ủy ban Kinh tế, đây là chính sách mới được bổ sung sau khi lấy ý kiến nhân dân. Trong quá trình thảo luận, có ý kiến đề nghị nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng tránh tình trạng hợp thức hóa cho các sai phạm về thẩm quyền giao đất.

Do vậy, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo tình hình, thống kê sơ bộ các trường hợp giao không đúng thẩm quyền từ ngày 1/7/2014 đến nay và việc xử lý thu hồi đất trong các trường hợp này trên thực tế, việc giải quyết đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có vi phạm pháp luật đất đai trước ngày 1/07/2014, làm cơ sở xem xét, quyết định.

Chưa ngã ngũ quy định về thu hồi đất

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, quy định tại Dự thảo Luật liệt kê các trường hợp Nhà nước thu hồi đất là cứng nhắc, chưa phản ánh đầy đủ, chưa khắc phục được căn cơ các vấn đề bất cập.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh báo cáo tại phiên họp. (Ảnh: Quochoi.vn)

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh báo cáo tại phiên họp. (Ảnh: Quochoi.vn)

Cũng trong Báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Thường trực Ủy ban Kinh tế (cơ quan thẩm tra) cho biết, quy định theo hướng liệt kê các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng có ưu điểm bảo đảm sự rõ ràng, dễ theo dõi, dễ áp dụng.

Tuy nhiên, việc liệt kê quá cụ thể, chi tiết các dự án, công trình thu hồi đất có nhược điểm khó bảo đảm bao quát, đầy đủ. Trong quá trình thảo luận, có ý kiến cho rằng cách tiếp cận theo hướng liệt kê chưa làm rõ được sự cần thiết của dự án, công trình.

Do đây là nội dung cụ thể hóa Nghị quyết 18 của Trung ương nên Thường trực Ủy ban Kinh tế báo cáo, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo cấp có thẩm quyền cho ý kiến chỉ đạo.

Thảo luận về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đồng ý với cách quy định chi tiết các trường hợp thu hồi đất tại Dự thảo Luật. Tuy nhiên, bà đề nghị cần lường hết các trường hợp cần thu hồi để đảm bảo minh bạch trong quá trình thực hiện.

Còn Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, vấn đề khó nhất ở các lần sửa đổi Luật Đất đai là quy định thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, nguyên nhân chủ yếu là do cách tiếp cận.

Chủ tịch Quốc hội phân tích, nếu theo cách chọn "cho", tức là cứ liệt kê hết các trường hợp cần thu hồi thì không thể hết được, có khi càng liệt kê càng thiếu. Vì thế, nên chăng theo cách chọn "bỏ", tức là trừ những trường hợp áp dụng phương pháp thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, còn lại là trường hợp Nhà nước thu hồi đất thì có được không?.

Chủ tịch Quốc hội phân tích thực tế, chỉ có hai cách thu hồi và thỏa thuận, đồng thời gợi ý có thể nêu thêm nguyên tắc là chỉ được thu hồi đất trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.

Đọc thêm