Ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới hình thức thông báo thi hành án

(PLVN) -Thông báo thi hành án là một thủ tục quan trọng trong quá trình tổ chức thi hành án dân sự. Tuy nhiên, các hình thức thông báo hiện nay chưa phát huy được hiệu quả như mong đợi, đòi hỏi cần đổi mới để có các phương thức thông báo phù hợp hơn trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ.
Ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới hình thức thông báo thi hành án

Theo quy định tại Điều 39 Luật THADS, quyết định về thi hành án, giấy báo, giấy triệu tập và văn bản khác có liên quan đến việc thi hành án phải thông báo cho đương sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan để họ thực hiện quyền, nghĩa vụ theo nội dung của văn bản đó. Việc thông báo phải thực hiện trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày ra văn bản, trừ trường hợp cần ngăn chặn đương sự tẩu tán, huỷ hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án.

Văn bản thông báo cho cá nhân phải được giao trực tiếp và yêu cầu người đó ký nhận hoặc điểm chỉ. Trường hợp người được thông báo là cơ quan, tổ chức thì văn bản thông báo phải được giao trực tiếp cho người đại diện theo pháp luật hoặc người chịu trách nhiệm nhận văn bản của cơ quan, tổ chức đó và phải được những người này ký nhận. Trường hợp cơ quan, tổ chức được thông báo có người đại diện tham gia việc thi hành án hoặc cử người đại diện nhận văn bản thông báo thì những người này ký nhận văn bản thông báo. 

Theo đó, việc thông báo được thực hiện theo ba hình thức là: thông báo trực tiếp hoặc qua cơ quan, tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật; niêm yết công khai; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong đó, việc thông báo trực tiếp vẫn là một trong những hình thức được sử dụng nhiều. Điều này dẫn đến việc tống đạt các văn bản thông báo cho đương sự và người liên quan hiện nay của Chấp hành viên rất bị động, mất nhiều thời gian, công sức mà hiệu quả không cao bởi có không ít trường hợp người được thông báo không có nhà hoặc trốn đi nơi khác. Những trường hợp như vậy, cán bộ thi hành án phải lập biên bản không thực hiện được việc thông báo trực tiếp, sau đó thực hiện thủ tục niêm yết theo quy định.

Đối với hình thức niêm yết công khai văn bản thông báo, Điều 42 Luật THADS quy định chỉ được thực hiện khi không rõ địa chỉ của người được thông báo hoặc không thể thực hiện được việc thông báo trực tiếp, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Cơ quan THADS trực tiếp hoặc ủy quyền cho UBND cấp xã nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của người được thông báo hoặc cá nhân, tổ chức có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật thực hiện việc niêm yết. Thời gian niêm yết công khai văn bản thông báo là 10 ngày, kể từ ngày niêm yết. Ngày niêm yết là ngày được thông báo hợp lệ.

Thời gian qua, các cơ quan THADS đã thực hiện nghiêm việc niêm yết các văn bản thông báo thi hành án, nhờ đó góp phần tránh được tình trạng cán bộ tùy tiện, thiếu trách nhiệm dẫn đến khiếu nại, tố cáo. Song, trước thực trạng số lượng các văn bản thông báo trong thi hành án ngày càng phát sinh nhiều, bao gồm các quyết định về thi hành án, thông báo về tổ chức bán đấu giá, thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá, thông báo kết quả thẩm định giá... thì đòi hỏi cần có những đổi mới kịp thời và mang tính đột phá hơn nữa về mặt thủ tục để hạn chế khó khăn cho Chấp hành viên, nhất là tại những nơi lực lượng ít, địa bàn rộng.

Còn việc thông báo về thi hành án trên phương tiện thông tin đại chúng gây tốn kém hơn cho cơ quan THADS và cho đương sự so với các hình thức thông báo khác như hình thức thông báo trực tiếp hoặc niêm yết công khai. Bởi vậy, Điều 43 Luật THADS quy định mang tính hạn chế việc thông báo tràn lan, theo đó thông báo về thi hành án trên phương tiện thông tin đại chúng chỉ được thực hiện khi pháp luật có quy định hoặc khi đương sự có yêu cầu.

Trường hợp xác định đương sự đang có mặt tại địa phương nơi đương sự cư trú thì việc thông báo được thực hiện trên báo ngày trong hai số liên tiếp hoặc trên đài phát thanh, đài truyền hình của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương của địa phương đó hai lần trong 2 ngày liên tiếp. Trường hợp xác định đương sự không có mặt tại địa phương nơi đương sự cư trú thì việc thông báo được thực hiện trên báo ngày trong hai số liên tiếp hoặc trên đài phát thanh, đài truyền hình của Trung ương hai lần trong 2 ngày liên tiếp.

Xuất phát từ những hạn chế nêu trên, ngoài hình thức gửi thông báo trực tiếp hoặc niêm yết công khai do chấp hành viên hoặc thư ký thi hành án thực hiện, cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu, bổ sung các hình thức thông báo thi hành án mới, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Theo đó, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin khi thực hiện thông báo nội dung thi hành án cho đương sự, cơ quan, cá nhân liên quan. Có như vậy sẽ góp phần giúp Chấp hành viên thực hiện các thủ tục THADS được thuận lợi, nhanh chóng, rút ngắn thời gian thi hành án đồng thời tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí, đặc biệt tại những địa bàn có diện tích rộng lớn, địa hình phức tạp, khó đi lại. 

Đọc thêm