Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Cục trưởng Phan Hồng Nguyên cho biết, qua 05 năm triển khai Quyết định số 14, hiện cả nước có 1.722 TSPL tại các xã đặc biệt khó khăn, hơn 9.300 TSPL tại các đơn vị lực lượng vũ trang. Việc triển khai chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, theo dõi, kiểm tra việc xây dựng, quản lý, khai thác TSPL đã được các bộ, ngành trung ương, địa phương tổ chức triển khai thực hiện đi vào nề nếp với nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả; từ đó góp phần nâng cao dân trí, hiểu biết pháp luật, hướng công tác PBGDPL về cơ sở.
Tuy nhiên, trong bối cảnh công nghệ thông tin, chuyển đổi số phát triển nhanh chóng, văn hóa đọc ngày càng gặp nhiều thách thức, việc triển khai xây dựng, quản lý, khai thác TSPL còn nhiều tồntại, khó khăn, nhất là số lượng người đến mượn, tìm đọc tại các TSPL ở cơ sở còn khiêm tốn, người dân chủ yếu tìm hiểu pháp luật qua thông qua mạng Internet, báo điện tử...
|
Phó Cục trưởng Phan Hồng Nguyên phát biểu khai mạc Hội thảo. |
Vì vậy, Phó Cục trưởng Phan Hồng Nguyên bày tỏ mong muốn các đại biểu tham dự Hội thảo trao đổi, chia sẻ, thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, khó khăn, bất cập, để từ đó đưa ra những giải pháp thiết thực, nhất là các giải pháp về công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng công tác này.
|
Toàn cảnh Hội thảo. |
Theo báo cáo tại Hội thảo, nhìn chung, những kết quả đạt được sau 05 năm triển khai thực hiện Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg đã khẳng định TSPL là một hình thức PBGDPL, hướng về cơ sở, đưa pháp luật vào cuộc sống. TSPL đã đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật của cán bộ, công chức ở cơ sở, cán bộ, chiến sĩ quân đội nhân dân, công an nhân dân ở cơ quan, đơn vị và đáp ứng một phần nhu cầu tìm hiểu pháp luật của một bộ phận Nhân dân.
Việc sáp nhập TSPL mà không thuộc đối tượng áp dụng tại khoản 1 Điều 1 của Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg thành bộ phận sách, tài liệu pháp luật của Thư viện hoặc điểm Bưu điện - Văn hóa, Trung tâm học tập cộng đồng hiện có đang hoạt động hiệu quả trên địa bàn cấp xã đã góp phần tiết kiệm nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận thông tin pháp luật. Với việc TSPL được xây dựng, khai thác ở hầu hết các xã đặc biệt khó khăn đã góp phần giảm chênh lệch về điều kiện tiếp cận thông tin pháp luật giữa khu vực thành thị và vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới…; đa dạng hóa thiết chế văn hóa – thông tin tại cơ sở.
|
Ông Trần Văn Tuỳ, Phó Trưởng phòng Phòng Truyền thông chính sách, Cục PBGDPL báo cáo tại Hội thảo. |
Phát biểu tại Hội thảo, Trung tá Đỗ Văn Huy, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an cho biết, hiện nay, Công an đơn vị, địa phương đã xây dựng hơn 3.300 TSPL với hơn 80.000 đầu sách, đồng thời đã kịp thời, thường xuyên bổ sung sách, tài liệu pháp luật mới. Bên cạnh đó, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 14, đã có nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả trong xây dựng, quản lý, khai thác TSPL.
Vì vậy, thời gian tới, cần củng cố, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của TSPL; tăng cường công tác tuyên truyền về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của TSPL trong việc phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, tìm hiểu chính sách, pháp luật của cán bộ, chiến sĩ bằng các hình thức phù hợp, trong đó ứng dụng công nghệ thông tin vào xây dựng, quản lý, khai thác TSPL.
|
Trung tá Đỗ Văn Huy, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an phát biểu tại Hội thảo. |
Bà Nguyễn Thị Hoa Phượng, Trưởng phòng PBGDPL, Sở Tư pháp tỉnh Hà Tĩnh cho biết, việc thực hiện Quyết định số 14 là phù hợp với xu thế chuyển đổi số hiện nay, việc sáp nhập TSPL trong các năm qua tại UBND các xã, phường, thị trấn đã giúp tiết kiệm các chi phí trong việc bổ sung cập nhật đầu sách, thúc đẩy các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức và người dân tìm hiểu và khai thác các tài liệu pháp luật thông qua internet, đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin và tìm hiểu pháp luật của người dân.
|
Các đại biểu tham dự Hội nghị. |
Qua đó, Sở Tư pháp tỉnh đề nghị Bộ Tư pháp sớm hoàn thiện các điều kiện cần thiết đưa TSPL điện tử quốc gia vào vận hành, khai thác và sử dụng, áp dụng thống nhất trong phạm vi toàn quốc, tạo điều kiện cho người dân tra cứu thông tin pháp luật, tạo thói quen đọc sách và nâng cao tính chủ động trong việc tiếp cận pháp luật của Nhân dân. Đồng thời tăng cường tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác xây dựng, quản lý, khai thác TSPL cho đội ngũ cán bộ, công chức được giao phụ trách trực tiếp quản lý, theo dõi TSPL của các địa phương.
|
Các đại biểu tham dự Hội nghị. |
|
Các đại biểu tham dự Hội nghị. |