Sự kiện do Tiểu ban Điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid -19 tổ chức tại Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tể.
Ra mắt Trung tâm quản lý, điều hành hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị Covid-19. Ảnh: NDĐT |
PGS, TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Phó Trưởng Tiểu ban Điều trị, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19 cho biết, ngay khi nhận định có nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã thành lập Hội đồng chuyên môn với sự tham gia của đội ngũ giáo sư, chuyên gia đầu ngành các chuyên khoa Truyền nhiễm, Hồi sức tích cực, Nhi khoa, Kiểm soát nhiễm khuẩn, Cận lâm sàng từ các Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TƯ, Bệnh viện Bạch Mai, Học viện Quân y, Bệnh viện Nhi TƯ, Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh… xây dựng một hệ thống tài liệu chuyên môn và trực tiếp hỗ trợ tuyến dưới.
Cũng trong dịp này, Cục quản lý Khám, chữa bệnh cũng công bố Bộ tài liệu phục vụ cho công tác chẩn đoán và điều trị bệnh Covid-19 bao gồm: Sổ thông tin y tế Đội cơ động phản ứng nhanh chống dịch Covid-19; Hướng dẫn phòng và Kiểm soát lây nhiễm bệnh Covid-19; Hướng dẫn Chẩn đoán và Điều trị bệnh Covid-19. Đây là những tài liệu quan trọng đã được sử dụng tại Hội nghị trực tuyến 700 điểm cầu hướng dẫn chẩn đoán và phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona, giúp các cơ sở khám, chữa bệnh và nhân viên y tế toàn hệ thống phát hiện, chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa nhiễm khuẩn trong bệnh viện.
Với phương châm bốn tại chỗ: “cách ly tại chỗ”, “điều trị tại chỗ”, “nguồn lực tại chỗ” và “chỉ huy tại chỗ” cùng với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, đồng bộ của các bộ, ngành và nỗ lực của các thầy thuốc, sự hợp tác của người bệnh, đồng lòng của người dân với tinh thần "chống dịch như chống giặc”, “không được chủ quan, không để dịch lây lan” đã giúp Việt Nam nhanh chóng hạn chế được sự lây lan của dịch bệnh và điều trị thành công cho 16 ca bệnh Covid-19.
Việc kết nối giữa chuyên gia, bệnh viện tuyến cuối với các bệnh viện tuyến dưới giúp chuyển tải nhanh chóng các chỉ đạo điều hành, tư vấn, hỗ trợ chuyên môn từ các lãnh đạo, chuyên gia tới những bác sĩ ở tuyến đầu đang trực tiếp điều trị người bệnh.
Việc áp dụng công nghệ thông tin hiệu quả trong tư vấn điều trị từ xa giúp nâng cao năng lực xử lý dịch bệnh của hệ thống khám, chữa bệnh, kịp thời đối phó với các cấp độ kịch bản bệnh dịch.
PGS, TS Lương Ngọc Khuê cho biết, "Trung tâm quản lý, điều hành hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị bệnh Covid-19" được thành lập theo Quyết định số 771/QĐ-BYT ngày 4-3-2020 trực thuộc Cục Quản lý Khám, chữa bệnh có chức năng quản lý và điều hành các nguồn lực và hoạt động chuyên môn, nhằm hỗ trợ các cơ sở khám, chữa bệnh trong thu dung, cách ly chẩn đoán và điều trị người bệnh Covid-19 trực tiếp hoặc trực tuyến từ xa thông qua công nghệ thông tin và viễn thông.
Trung tâm có nhiệm vụ xây dựng, sửa đổi, bổ sung, cập nhật các hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và quy trình kỹ thuật khám chữa bệnh, quy trình chăm sóc và các hướng dẫn chuyên môn liên quan; Thành lập các Hội đồng chuyên môn liên quan để tư vấn hỗ trợ trực tiếp và hỗ trợ trực tuyến từ xa cho các cơ sở khám chữa bệnh về công tác thu dung, chẩn đoán và điều trị người bệnh nhiễm Covid-19;
Tổ chức đào tạo, tập huấn tại chỗ hoặc từ xa; Ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông để kết nối mạng lưới các cơ sở khám chữa bệnh có khả năng thu dung chẩn đoán và điều trị người bệnh Covid-19; Xây dựng hệ thống thông tin giám sát tình hình dịch bệnh, ghi nhận diễn biến từng ca bệnh lâm sàng tại các cơ sở khám, chữa bệnh, các cơ sở xét nghiệm.
"Trung tâm quản lý, điều hành hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị Covid - 19" do Bộ Y tế phối hợp với Tập đoàn VMED cùng các đơn vị khác sẽ triển khai với các giải pháp y tế số 4.0 sẽ tận dụng được tất cả ưu điểm của các giải pháp y tế số 4.0 trong công tác đẩy lùi dịch trên toàn quốc.
Đó là các giải pháp tích hợp công nghệ truyền hình hội nghị (teleconferencing), bệnh án điện tử tập trung, kết nối với máy monitoring bệnh nhân, hệ thống PACS cloud để hội chẩn kết quả chẩn đoán hình ảnh..... Giải pháp này cho phép các chuyên gia, các nhà quản lý tư vấn chuyên môn và chỉ đạo điều hành cho tuyến dưới một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, góp phần nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị. Trung tâm có khả năng kết nối đến 23 điểm cầu trọng điểm chống dịch và hơn 1.400 bệnh viện trên cả nước.
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội, đến sáng 5/3, kết quả xét nghiệm 99 trường hợp nghi ngờ mắc dịch COVID-19 đều âm tính với virus SARS-CoV-2. 587 trường hợp tiếp xúc gần cũng đều đã kết thúc giám sát y tế.