Ứng phó bão CONSON có khả năng đổ bộ vào miền Bắc gây mưa lớn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) – Theo bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, Bão CONSON có khả năng đổ bộ vào miền Bắc nước ta và gây ra một đợt mưa lớn trên diện rộng ở các tỉnh miền Bắc.
Bão CONSON có khả năng đổ bộ vào miền Bắc nước ta và gây ra một đợt mưa lớn trên diện rộng ở các tỉnh miền Bắc.
Bão CONSON có khả năng đổ bộ vào miền Bắc nước ta và gây ra một đợt mưa lớn trên diện rộng ở các tỉnh miền Bắc.

Hiện nay ở vùng biển Đông Nam Philippines đang xuất hiện cơn bão CONSON với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10; dự báo bão sẽ đi vào khu vực phía Bắc biển Đông trong đêm mùng 08/9 đến ngày 09/9 và có khả năng mạnh thêm.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió Đông mạnh, từ đêm 7/9 đến ngày 9/9, khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình, Sơn La có mưa lớn từ 50-100mm/ đợt, có nơi trên 150mm; các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có mưa từ 100-150mm/đợt, có nơi trên 200mm/đợt. Trong thời gian vừa qua, mưa lớn đã xảy ra và gây thiệt hại tại một số tỉnh miền núi phía Bắc.

Để sẵn sàng ứng phó với diễn biến của bão và mưa lớn trong những ngày tới trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trong khu vực, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các Bộ: Y tế, Công an, Giao thông vận tải và Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận và các tỉnh Bắc Bộ chỉ đạo rà soát phương án ứng phó và triển khai công tác phòng, chống thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, đặc biệt là phương án sơ tán đảm bảo an toàn trường hợp xảy ra bão mạnh, mưa, lũ lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất và đảm bảo phòng, chống dịch và an toàn thiên cho các địa điểm sơ tán.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố theo dõi chặt chẽ các bản tin về bão; thông báo cho các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết biễn biến của bão để chủ động phòng tránh, đảm bảo an toàn và có kế hoạch sản xuất phù hợp; sẵn sàng phương án đảm bảo an cho phương tiện và cho người trên các tàu thuyền vận tải, tàu thuyền đánh cá vãng lai.

Sẵn sàng các biện pháp đảm bảo an toàn các lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản trên biển, ven biển, các tuyến đê biển xung yếu hoặc đang thi công; an toàn cho nhân dân trên các đảo ven biển;

Tổ chức gia cố nhà ở, các công trình công cộng; sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho các khu công nghiệp, nhân dân khu vực chịu ảnh hưởng của bão. Duy trì thông tin liên lạc, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống.

Sẵn sàng phương án vận hành công trình tiêu úng, đề phòng ngập úng khu vực đô thị, vùng trũng thấp bảo đảm hạn chế thấp nhất thiệt hại khi xảy ra mưa lớn.

Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát nhà ở không an toàn, các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn khi có tình huống xảy ra; khơi thông dòng chảy, nhất là trên các suối, khe cạn, các ao hồ có nguy cơ mất an toàn.

Chỉ đạo kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hầm lò, khu khai thác khoáng sản, các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và xử lý các tình huống; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các Bộ Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn trong các lĩnh vực quản lý. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo rà soát phương án, sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn theo đề nghị của địa phương khi có yêu cầu. Bộ Y tế chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt là các khu vực sơ tán tập trung; chỉ đạo đảm bảo an toàn và tạo điều kiện cho lực lượng phòng, chống thiên tai thực hiện nhiệm vụ./.

Đọc thêm