Ứng phó và vượt qua đại dịch Covid-19: Thiết kế chính sách theo hướng nào?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chúc mừng Việt Nam kiểm soát thành công dịch Covid-19 và có tăng trưởng dương trong năm 2020, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam - TS. Jaques Morisset lưu ý, không phải cứ ban hành nhiều chính sách là hiệu quả và nêu nhiều khuyến nghị về việc thiết kế, ban hành các chính sách hỗ trợ tiếp theo.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhiều chính sách khó tiếp cận, chưa phù hợp

Tại Hội thảo Khoa học quốc gia để đánh giá kinh tế Việt Nam năm 2020 và triển vọng năm 2021 do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) phối hợp cùng Ban Kinh tế Trung ương tổ hôm 31/3,  PGS, TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng, trước những tác động tiêu cực nặng nề của đại dịch, Chính phủ các nước trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã phản ứng với quy mô và tốc độ nhanh chóng và quyết liệt chưa từng có trong lịch sử. 

“Những phản ứng chính sách kịp thời đó ban đầu được đánh giá là đã giúp làm giảm bớt những khó khăn kinh tế mà đại dịch đem lại đối với người dân và doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, nhiều gói chính sách còn được coi là khó tiếp cận, không phù hợp với thực tiễn, tiêu tốn nguồn lực và không đem lại hiệu quả như mong đợi...” - Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương thẳng thắn.

Tại Hội thảo này, NEU đã công bố ấn phẩm thường niên với chủ đề “Ứng phó và vượt qua đại dịch Covid-19, hướng tới phục hồi và phát triển”. Chủ biên ấn phẩm, PGS.TS Tô Trung Thành đưa ra một số dẫn chứng cụ thể.

Đơn cử như Chính sách giảm 30% thuế thu nhập DN năm 2020 cho các DN, hợp tác xã và tổ chức khác có tổng doanh thu không quá 200 tỷ đồng. Chính sách này bị cho là chưa thật sự hiệu quả.

Về gói hỗ trợ lần một an sinh xã hội, hỗ trợ người bị giãn, mất việc, nhóm nhiên cứu cho rằng, những người được hỗ trợ đa phần là các nhóm lao động thuộc khối bảo trợ xã hội, người có công, hộ nghèo. Trong khi đó, nhóm lao động chịu tác động mạnh nhất là nhóm lao động tự do, nhóm yếu thế thuộc khối phi chính thức lại không tiếp cận được với khoản hỗ trợ này. Còn gói chính sách 16 nghìn tỷ đồng hỗ trợ DN vay với lãi suất 0% để trả lương cho người lao động, thủ tục vay rất phức tạp với các điều kiện khá ngặt nghèo. 

“Có không ít DN phàn nàn, đánh giá thấp về mức độ thuận lợi khi tiếp cận thông tin về chính sách hỗ trợ. Do vậy, các chính sách hỗ trợ cần rõ ràng, minh bạch và các rào cản không cần thiết cần được rà soát gỡ bỏ....” - PGS.TS Tô Trung Thành đề nghị.

Cần biến khủng hoảng thành cơ hội

Trong ấn phẩm được công bố, nhóm nghiên cứu đã đưa ra một loạt khuyến nghị chính sách trong ngắn hạn, dài hạn. 

Đáng chú ý, trong đề xuất chính sách ngắn hạn, nhóm nghiên cứu cho rằng chính sách an sinh xã hội phải là ưu tiên hàng đầu, cắt giảm lãi suất cho vay hơn là lãi suất huy động, hỗ trợ chi phí thay vì lợi nhuận…

Với các chính sách hỗ trợ thông qua giảm mức thu các loại phí, lệ phí hiện đang được thực hiện một cách dàn trải, ít có tác động thực mà có thể gây lãng phí ngân sách, các chuyên gia khuyến nghị, Chính phủ cần thu hẹp đối tượng thụ hưởng các chính sách hỗ trợ này dựa trên mức độ chịu tác động bởi đại dịch. 

Trong bài phát biểu của mình, Chuyên gia kinh tế trưởng WB tại Việt Nam, TS. Jacques Morisset đánh giá, Việt Nam đã thể hiện được khả năng kiểm soát khủng hoảng Covid-19 và biến khủng hoảng thành cơ hội với việc bước đầu thực hiện được mục tiêu kép. Thất nghiệp được hạn chế, vay nợ công ít, dự trữ ngoại hối tăng mạnh, hàm lượng giá trị mội địa gia tăng trong các mặt hàng xuất khẩu, quá trình chuyển đổi số được đẩy nhanh…

Tuy nhiên, Covid-19 khiến tại Việt Nam xuất hiện những nguy cơ tổn thương mới: Thu nhập nhiều hộ gia đình sụt giảm, các chương trình xã hội hiện vẫn không đủ bao phủ, chưa được thực hiện tốt, tỷ lệ đối tượng được nhận hỗ trợ còn thấp…

Khuyến nghị về việc thiết kế ban hành các chính sách tiếp theo, TS Jacques Morisset cho rằng Việt Nam cần cân nhắc để thực thi các chính sách tốt hơn, để biến khủng hoảng thành cơ hội. 

Theo TS Jacques Morisset, thách thức lớn nhất của Việt Nam hiện tại không phải làm nhiều hơn mà phải hiệu quả hơn, cần minh bạch hơn nữa, chống tham nhũng hơn nữa…  

Ví dụ về hệ thống thuế, theo TS. Jacques Morisset, các DN phải chịu nhiều loại thuế phí khác nhau, tuy cũng có nhiều chính sách hỗ trợ cắt giảm thuế, nhưng “càng nhiều chính sách càng nảy sinh kẽ hở…”.

3 rủi ro cần lưu ý:

Trong ấn phẩm vừa công bố, nhóm nghiên cứu của NEU cũng đặc biệt nhấn mạnh, quan trọng nhất, trong quá trình thực thi chính sách, các chính sách hỗ trợ cần rõ ràng và minh bạch về thủ tục cũng như đối tượng được hưởng các gói chính sách. Chính phủ cần giảm thiểu những phiền hà về thủ tục và quy trình tiếp cận các gói hỗ trợ, đặc biệt là thủ tục chứng minh về tài chính. 

Ngoài ra, Chính phủ cũng cần lưu ý một số rủi ro sau: Rủi ro thể chế làm chậm tiến độ kích thích tiêu dùng và đầu tư; rủi ro tham nhũng và sợ trách nhiệm làm giảm hiệu lực và hiệu quả của gói kích thích kinh tế; rủi ro chệch mục tiêu, không hướng vào đúng và trúng đối tượng cần được nhận hỗ trợ...

Đọc thêm