Ung thư không đồng nghĩa với 'án tử'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ung thư là thử thách lớn, nhưng cũng là dịp để nhận ra giá trị cuộc sống, tình yêu thương, sự đoàn kết; để chúng ta sống tốt hơn sau biến cố...
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Dữ liệu ung thư tại Việt Nam cũng như thế giới được Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (Globocan) khảo sát ghi nhận hàng năm, công bố gối đầu. Số liệu mới nhất là Globocan 2022 được công bố vào 2023. Theo đó, năm 2000 Việt Nam ghi nhận hơn 68.000 ca mắc mới ung thư. Số ca tăng dần qua từng năm, đến 2022 khoảng 182.000 ca, tức tăng gấp 2,6 lần trong 22 năm.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia Hội Ung thư Việt Nam, số ca tăng không có nghĩa tỷ lệ người mắc ung thư tăng. Có nhiều yếu tố như già hóa dân số, tuổi thọ tăng, môi trường sống thay đổi, ô nhiễm không khí, nước, tỷ lệ người tiếp cận dịch vụ y tế ngày càng cao. Tuổi càng cao, thời gian tích tụ phơi nhiễm các yếu tố nguy cơ càng nhiều thì tỷ lệ mắc bệnh càng cao.

Trên thế giới, Hiệp hội Ung thư Mỹ (ACS) ghi nhận số ca tử vong do ung thư giảm gần 1/3 kể từ năm 1991 đến nay. Tỷ lệ sống sót của ung thư nói chung sau 5 năm là hơn 69%, so với khoảng 50% vào năm 1975. Trong hai thập kỷ qua, các nhà khoa học đã tìm ra nhiều phương pháp để phòng tránh ung thư. Hai phần ba trong số 200 loại ung thư đã điều trị được như một tình trạng mạn tính hoặc chữa khỏi hoàn toàn.

Một công trình nghiên cứu mới đây của ACS cũng cho thấy khoảng 40% số ca tử vong do ung thư có thể phòng ngừa được từ việc thay đổi lối sống. Để giảm khả năng mắc ung thư, mỗi người cần hành động ở cấp độ cá nhân trước tiên, nỗ lực tránh hoặc giảm tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ gây bệnh, như bỏ thuốc lá, tuân thủ hướng dẫn về chế độ ăn uống, duy trì hoạt động thể chất, trọng lượng cơ thể hợp lý, hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá mức.

Nhờ những tiến bộ y học, dù không còn là nguyên nhân gây chết người lớn nhất, nhưng ung thư vẫn là căn bệnh đáng sợ nhất. Nguyên nhân, là từ tâm lý của người mắc bệnh, hiểu chưa đúng, hoặc sợ ung thư một cách quá mức. Nếu có quan điểm không đúng đắn về căn bệnh này, người mắc không chỉ phải chiến đấu với bệnh tật, mà còn đối mặt với nỗi đau về tinh thần. Thậm chí, có những trường hợp chết vì sợ trước khi chết vì bệnh.

Thực tế cho thấy khi một người nhận được chẩn đoán ung thư, đó không chỉ là tin dữ với họ, mà còn là “cơn ác mộng” với cả gia đình, người thân. Những ngày dài mệt mỏi trong bệnh viện, những lần điều trị hóa trị, xạ trị đau đớn, cơ thể suy yếu, tóc rụng, có những khi có cảm giác bất lực. Mỗi ngày với họ là một cuộc chiến đấu với bệnh tật mà với chính bản thân mình; giày vò với những lo lắng về tương lai, gia đình, công việc.

Nhưng trong những ngày tháng khó khăn nhất, người bệnh có thể tìm thấy sức mạnh từ những điều giản dị như nụ cười và sự lạc quan của người thân, sự quan tâm, yêu thương, đồng cảm, sẻ chia của bạn bè và những người xung quanh. Tình yêu và sự ủng hộ từ gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp là liều thuốc quý giá, giúp người bệnh có thêm sức mạnh để chiến đấu mỗi ngày. Chưa hết, còn các tổ chức từ thiện, những quỹ hỗ trợ nghiên cứu, những chiến dịch nâng cao nhận thức về bệnh ung thư góp phần mang lại hy vọng và cơ hội cho những người bị bệnh. Sự chung tay của cộng đồng giúp lan tỏa thông điệp rằng không người bệnh nào phải chiến đấu cô đơn, rằng luôn có những người sẵn sàng cùng họ vượt qua.

Ung thư là thử thách lớn, nhưng cũng là dịp để nhận ra giá trị cuộc sống, tình yêu thương, sự đoàn kết; để chúng ta sống tốt hơn sau biến cố.

Đọc thêm