Ước mơ chung của trẻ em thế giới

(PLVN) - Trẻ em trên toàn cầu có quyền được sống trong môi trường an toàn, không phân biệt đối xử về bất kỳ phương diện nào. Các em còn có quyền được lắng nghe ý kiến trong mọi quyết định có tác động đến hạnh phúc và phúc lợi của bản thân.
Thế giới đang đối mặt với một “kỷ nguyên khủng hoảng mới” với trẻ em. (Ảnh: UNICEF/ Elfatih)

Bước vào kỷ nguyên khủng hoảng đa chiều đối với trẻ em

Theo báo cáo từ Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tháng 1/2025, thế giới đang đối mặt với một “kỷ nguyên khủng hoảng mới và ngày càng trầm trọng hơn đối với trẻ em”. Bối cảnh địa chính trị, xung đột và chiến tranh là một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với sinh mạng và phúc lợi của trẻ em. Hiện có hơn 473 triệu trẻ em, tương đương hơn 1/6 trẻ em toàn cầu, đang sống ở những khu vực chịu ảnh hưởng của xung đột, trong khi thế giới đang trải qua số lượng xung đột cao nhất kể từ Thế chiến II. Liên hợp quốc đã xác minh hơn 27.000 vụ vi phạm nghiêm trọng đối với gần 19.000 trẻ em trong năm 2022, bao gồm việc các em bị giết, bị thương tật, bị bắt cóc và bị buộc phải gia nhập các nhóm vũ trang. Trong những hoàn cảnh này, hệ thống bảo vệ trẻ em phải mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Các quy tắc rõ ràng về tham chiếu của lực lượng quân sự, biện pháp xử lý vi phạm của các nhóm phi nhà nước, cùng hệ thống giám sát và báo cáo hiệu quả đều rất quan trọng để bảo vệ sinh mạng và quyền trẻ em ở các vùng xung đột.

An toàn của trẻ em cũng đang bị đe dọa nghiêm trọng trên nhiều phương diện khác. Tình trạng bạo lực đối với trẻ em vẫn diễn ra với tỷ lệ đáng báo động. Theo thống kê từ UNICEF năm 2022, cứ ba bé gái thì có một em từng trải qua ít nhất một hình thức bạo lực thể chất hoặc tình dục trong đời. Những hậu quả lâu dài về thể chất và tinh thần mà các em phải gánh chịu là vô cùng to lớn, ảnh hưởng đến cả tương lai và sự phát triển của các em. Không chỉ bạo lực, mà tình trạng nghèo đói và thiếu thốn các nhu cầu cơ bản cũng là những rào cản lớn đối với sự an toàn và hạnh phúc của trẻ em. Theo báo cáo năm 2024 của UNICEF, trên toàn cầu, có khoảng 333 triệu trẻ em đang sống trong cảnh nghèo cùng cực, phải vật lộn để tồn tại với mức dưới 2,15 đô la Mỹ (khoảng 56.000 VND) mỗi ngày. Gần 1 tỷ trẻ em đang sống trong cảnh nghèo tuyệt đối - điều này đồng nghĩa với việc các em đang bị tước đoạt những nền tảng cơ bản nhất cho sự sống và phát triển như giáo dục, an toàn, chăm sóc sức khỏe tốt và dinh dưỡng đầy đủ.

Bức tranh kinh tế cũng không kém phần đáng báo động. Hiện nay, ngân sách nhà nước đang gặp nhiều khó khăn do thu thuế giảm, nguồn viện trợ ít đi và nợ công ngày càng tăng. Đặc biệt, khoản nợ lớn đang gây ra áp lực rất lớn lên ngân sách, vượt xa những gì từng xảy ra trước đây. Gần 400 triệu trẻ em đang sống ở các quốc gia có tình trạng nợ nghiêm trọng. Áp lực tài chính góp phần làm suy giảm các khoản đầu tư vào giáo dục, y tế và mạng lưới an sinh xã hội. Tổ chức Save the Children cảnh báo rằng tình trạng bất ổn kinh tế toàn cầu hiện nay đang đẩy hàng triệu trẻ em vào cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt tồi tệ nhất trong một thế hệ, khiến các em dễ bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến khả năng vui chơi, học tập và phát triển. Theo UNICEF, năm 2025 là thời điểm cấp thiết để đưa ra những quyết định quan trọng về cải cách khuôn khổ thể chế, chính sách, quy tắc và thực tiễn quản lý hệ thống tài chính toàn cầu. Những quyết định này có thể định hình lại bối cảnh tài chính để ưu tiên phát triển bền vững, công bằng liên thế hệ, đặc biệt là đầu tư vào trẻ em.

Trẻ em trên toàn cầu có quyền được sống trong một môi trường an toàn, hạnh phúc. (Ảnh: World Vision/Evelyn Lopez)

Biến đổi khí hậu cũng là cuộc khủng hoảng ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống trẻ em. Từ thời tiết cực đoan phá hủy trường học đến dịch bệnh lan rộng, trẻ em là một trong các đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Năm 2025, nhiều chính phủ trên thế giới đã bảo đảm xây dựng và thực thi cơ chế quản trị và trách nhiệm giải trình về khí hậu phục vụ lợi ích trẻ em, từ việc lồng ghép quyền trẻ em vào chính sách giảm thiểu và thích ứng quốc gia đến cung cấp tài chính cần thiết để thực hiện các kế hoạch này. Tăng cường báo cáo và giám sát khí hậu dựa trên luật pháp là chìa khóa để hành động hiệu quả vì trẻ em.

Thế giới hiện đại, với những tiến bộ công nghệ vượt bậc, vừa mang lại những cơ hội phát triển to lớn cho trẻ em, nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn không ít rủi ro, đe dọa đến sự an toàn và bình yên trong tâm hồn các em. Cụ thể, UNICEF đánh giá, một trong những xu hướng có thể tạo ra thay đổi hệ thống và chuyển đổi căn bản cách chính phủ tương tác với người dân là việc áp dụng nhanh chóng cơ sở hạ tầng công cộng số (DPI). Tóm gọn, DPI cho phép người dân tiếp cận dịch vụ công số và tham gia vào nền kinh tế số thông qua định danh số, chia sẻ dữ liệu và hệ thống thanh toán điện tử. Do đó, DPI có thể đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao phúc lợi trẻ em bằng cách bảo đảm tiếp cận công bằng các dịch vụ thiết yếu như giáo dục, y tế và bảo trợ xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, hạn chế đáng lo ngại nhất của DPI là trẻ em ở các khu vực thu nhập thấp thường xuyên bị bỏ lại phía sau. Thực tế đó yêu cầu các hệ thống này cần cân nhắc tới việc ưu tiên quyền trẻ em và tạo điều kiện trao đổi dữ liệu liền mạch, an toàn giữa các lĩnh vực y tế, giáo dục và dịch vụ xã hội để xây dựng hệ thống hỗ trợ toàn diện cho sự phát triển của trẻ.

Chung tay vì một tương lai an toàn và hạnh phúc cho trẻ em

Hạnh phúc của trẻ em không chỉ nằm ở việc tránh xa nguy hiểm, mà còn là sự hiện diện của những điều kiện sống tích cực nuôi dưỡng sự phát triển toàn diện. Trẻ cần được đáp ứng các nhu cầu thiết yếu như dinh dưỡng đầy đủ, môi trường sống an toàn, ổn định và tràn đầy yêu thương. Giáo dục chất lượng và các mối quan hệ tích cực với gia đình, bạn bè, cộng đồng chính là nền tảng bền vững cho một tuổi thơ hạnh phúc.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo đảm an toàn và hạnh phúc cho trẻ em, cộng đồng quốc tế đã và đang triển khai nhiều nỗ lực và sáng kiến khác nhau. Điển hình, chỉ riêng trong lĩnh vực an toàn trực tuyến, Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) đã khởi xướng Sáng kiến Bảo vệ Trẻ em Trực tuyến (COP) để nâng cao nhận thức về an toàn cho trẻ em trên mạng và phát triển các công cụ thiết thực hỗ trợ chính phủ, ngành công nghiệp và các nhà giáo dục, cung cấp một bộ các khuyến nghị toàn diện cho tất cả các bên liên quan về các đóng góp vào việc xây dựng một môi trường trực tuyến an toàn và mang tính trao quyền cho trẻ em và thanh, thiếu niên.

Nhiều quốc gia cũng đã có những cam kết mạnh mẽ trong việc bảo vệ quyền trẻ em và xây dựng một môi trường an toàn và hạnh phúc cho các em. Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em là một khuôn khổ pháp lý quốc tế quan trọng, đặt ra các tiêu chuẩn về quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa của trẻ em. Các quốc gia phê chuẩn công ước này có nghĩa vụ thực hiện các biện pháp lập pháp, hành pháp và tư pháp để bảo đảm các quyền này được tôn trọng và thực hiện đầy đủ.

Trẻ em là hiện tại và tương lai, cần được nuôi dưỡng, bảo vệ để góp phần xây dựng thế giới tốt đẹp hơn. (Ảnh: World Vision/Tessema Getahun)

Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres, thế giới cần một “khế ước xã hội mới” đặt trẻ em vào trung tâm của các chính sách và hành động. Điều này đòi hỏi các quốc gia phải tăng cường đầu tư vào các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục và bảo trợ xã hội cho trẻ em, đồng thời tạo ra một môi trường pháp lý và xã hội an toàn, thân thiện với trẻ em. Các doanh nghiệp cũng có vai trò quan trọng trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội, bảo đảm không có sự bóc lột trẻ em trong chuỗi cung ứng của mình và hỗ trợ các chương trình giáo dục và phát triển cho trẻ em. Mỗi cá nhân, với tư cách là những người trưởng thành, đều có trách nhiệm bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Họ có thể đóng góp vào nỗ lực chung này bằng cách nâng cao nhận thức về các vấn đề liên quan đến quyền trẻ em, lên tiếng chống lại mọi hình thức bạo lực và xâm hại trẻ em, hỗ trợ các tổ chức hoạt động vì trẻ em và tạo ra một môi trường yêu thương, tôn trọng và khuyến khích sự phát triển của trẻ em trong gia đình và cộng đồng.

Nhìn chung, ước mơ về một thế giới nơi mọi trẻ em đều được sống trong an toàn và hạnh phúc là một mục tiêu cao đẹp và hoàn toàn có thể đạt được nếu tất cả các bên liên quan cùng nhau hành động một cách quyết liệt và bền bỉ. Nguyên nhân và động lực cho điều này là bởi trẻ em không chỉ là tương lai của nhân loại mà còn là hiện tại, là những mầm non cần được nuôi dưỡng và bảo vệ để vươn lên mạnh mẽ, góp phần xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.

Đọc thêm