Út Bạch Lan, từ cô bé hát rong đến ngôi sao huyền thoại

Ít ai biết có có một em bé hát rong, sống lê lết trên đường phố, nhờ tài năng thiên phú, cô đã bước qua một số phận khác, một khúc ngoặt cuộc đời và trở thành một ngôi sao sân khấu trong nhiều thập niên. Cô là nghệ sỹ Út Bạch Lan.

Ít ai biết có có một em bé hát rong, sống lê lết trên đường phố, nhờ tài năng thiên phú, cô đã bước qua một số phận khác, một khúc ngoặt cuộc đời và trở thành một ngôi sao sân khấu trong nhiều thập niên. Cô là nghệ sỹ Út Bạch Lan.

Nghệ sỹ Út Bạch Lan
Nghệ sỹ Út Bạch Lan

Tuổi thơ hành khất

Út Bạch Lan tên thật là Đặng Thị Hai, sinh năm 1935 tại ấp Lộc Hóa, xã Lộc Giang, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Cha bà làm nghề nài ngựa ruồng bỏ ngay từ nhỏ, nên người mẹ dẫn con gái lên Chợ Lớn, sống lề đường xó chợ. Hai mẹ con làm thuê làm mướn kiếm sống qua ngày.

Mới 10 tuổi, ban ngày bé Hai phụ mẹ rửa chén, làm việc sai vặt của bạn hàng chợ Bình Tây, tối ngủ trên sạp thịt, không mền không chiếu, chịu đựng muỗi mòng.

Mẹ bé Hai kết nghĩa chị em với người mẹ có đứa trai mù, tên Đinh Văn Dậm, trạc 9 tuổi, ôm đàn ghi ta phím lõm dắt mẹ đi ăn xin. Đó là người thầy thứ hai trong đời nữ nghệ sĩ Út Bạch Lan, biết đàn ghi ta cổ nhạc nên dạy cho bé Hai ca vọng cổ.

Đó cũng chính là nhạc sĩ Văn Vĩ nổi tiếng sau này, đã tạo ra ngón đàn chạy chữ cho bài vọng cỗ.

Bước ngoặt cuộc đời từ một lần không may mắn

Biết ca được vài bài vọng cổ, hai em bé dẫn nhau đi đàn hát dạo để kiếm tiền về giúp gia đình. Một hôm đang đàn ca tại bùng binh Sài Gòn, hai em bị cảnh sát Pháp bắt về nhốt ở bót cảnh sát quận nhì vì tình nghi liên quan đến vụ rải truyền đơn, biểu tình ở khu vực đó.

Sếp bót cảnh sát là dân Pháp lai Việt, bạn với nhạc sĩ cổ nhạc Jean Tịnh, khi xét hỏi hai đứa trẻ bị bắt, đã nói nếu hai đứa ca được một câu vọng cổ có tiếng Tây thì ông sẽ tha ngay và còn cho phép đi hát dạo ở quanh vùng Sài Gòn.

Bé Hai nhớ một câu vọng cổ có tiếng Tây mà một thầy đánh tennis ở sân Cercle Sportif Tao Đàn dạy cho. Câu vọng cổ của một cô gái Việt có chồng Tây, viết thư cho chồng, pha tiếng Tây tiếng Việt, nghe rất vui. Bé Hai ca câu vọng cổ có pha tiếng Tây đó, được sếp bót khen hay, tha về và còn thưởng thêm tiền. Ông sếp bót quận Nhì kể chuyện em bé ca vọng cổ có tiếng Tây cho nhạc sĩ Jean Tịnh.

Nhờ cơ duyên này, nhạc sĩ cổ nhạc đàn violon Jean Tịnh thích giọng ca của bé Hai và ngón đàn guitare của Văn Vĩ nên giới thiệu hai đứa trẻ cho ca sĩ Thành Công, trưởng Ban cổ nhạc Đài Phát thanh Pháp - Á Sài Gòn. Ca sĩ Thành Công đặt nghệ danh cho bé Hai là Bạch Lan để đối với nữ danh ca Bạch Huệ (danh ca tý hon của Đài Phát thanh Sài Gòn).

Bé Hai yêu cầu để thêm tên Út, tên mà má cô thường gọi cô, và nghệ danh Út Bạch Lan ra đời từ năm 1948.

Cô nhanh chóng được thính giả ưa thích. Cô Năm Cần Thơ, chủ nhân quán ca cổ nhạc Họa Mi trong Giải trí trường Đại thế giới Chợ Lớn, mời Út Bạch Lan và Văn Vĩ đàn ca trong quán mình.

Thoát kiếp ăn xin

Tuy được một món tiền kha khá nhưng vẫn chưa đủ để thoát kiếp ăn xin, bốn con người tội nghiệp đó tiếp tục sống vỉa hè. Một người đàn ông tốt bụng xót thương gia cảnh của họ, gợi ý cho hai đứa trẻ mở lớp dạy ca vọng cổ.

Ông ta mua tre lá, che cho cái gia đình ăn xin ấy một cái chái sát nhà ông. Ông kiếm một tấm tôn vẽ nguệch ngoạc: "Lớp dạy ca cổ". Lúc đầu chỉ vài người học. Sau nhờ giọng ca mỹ miều của Út Bạch Lan và tiếng đàn thần sầu của Văn Vỹ, thu hút học trò đến nườm nượp. Nhờ vậy, bốn con người thoát kiếp ăn xin.

Chương trình ca cổ của Đài Phát thanh Pháp - Á đã đưa tiếng đàn Văn Vỹ và giọng ca Út Bạch Lan vang xa. Bà Bảy Cang (con gái của nhà cách mạng Nguyễn An Ninh) bầu đoàn cải lương Đồng ấu Kim Khánh đã rước Út Bạch Lan về đoàn mình.

Một đoàn cải lương khác cũng đến đón Văn Vỹ. Từ đó, hai anh em chia tay nhau, mỗi người một hướng nhưng song song nhau trên con đường danh vọng.

Do bị các bạn diễn ăn hiếp, Út Bạch Lan rời bỏ đoàn cải lương đầu đời và đầu quân cho đoàn Thanh Minh. Ở đoàn này, Út Bạch Lan gặp được người thầy thứ 3, đó là soạn giả Viễn Châu.

Đoàn Thanh Minh của bầu Năm Nghĩa ký hợp đồng với Út Bạch Lan 80 ngàn đồng và lương mỗi suất hát là 250 đồng. Từ em bé hát rong, sống lê lết trên đường phố, nhờ tài năng thiên phú, cô đã bước qua một số phận khác, một khúc ngoặt cuộc đời và trở thành một ngôi sao sân khấu trong nhiều thập niên.

Cô trở thành đào chính của đoàn Thanh Minh, được các hãng dĩa Việt Nam, Asia, Tứ Hải, Hồng Hoa mời ký hợp đồng thu thanh ca dĩa vọng cổ. Cuối năm 1956, Út Bạch Lan gia nhập gánh hát Kim Thanh của bốn ông bà bầu: Út Trà Ôn, Thanh Tao, Kim Chưởng, Thúy Nga. Khi đoàn Kim Thanh tan rã, cô trở về cộng tác với bầu Năm Nghĩa gánh hát Thanh Minh, hợp đồng của Út Bạch Lan ký trong hai năm lên đến 800 ngàn đồng và lương mỗi suất hát là 800 đồng.

Theo Xa lộ pháp luật

Đọc thêm