Ông Đặng Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp và ông Yokomaku Kosuke, Cố vấn trưởng, chuyên gia Dự án JICA đồng chủ trì Tọa đàm.
Phát biểu khai mạc, Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (THPL) Đặng Thanh Sơn đánh giá: Công tác xây dựng pháp luật thời gian qua đã đạt được những thành tựu quan trọng, tuy nhiên công tác tổ chức THPL lại chưa theo kịp yêu cầu của sự phát triển, bộc lộ những tồn tại, hạn chế. Trước bối cảnh đó, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII đã nêu rõ một số nội dung liên quan tới công tác THPL. Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã giao “Bộ Tư pháp chủ trì tăng cường công tác theo dõi THPL; nâng cao năng lực phản ứng chính sách và các vấn đề mới phát sinh; nghiên cứu xây dựng Luật về tổ chức THPL”.
Ngày 26/02/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 242/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức THPL giai đoạn năm 2018 – 2022”. Theo đó, xác định nhiệm vụ tiếp tục hoàn thiện pháp luật về tổ chức THPL theo hướng quy định rõ ràng về trách nhiệm, thẩm quyền và nội dung tổ chức THPL thông qua hoạt động nghiên cứu, xây dựng đề xuất chính sách phục vụ việc lập hồ sơ trình Chính phủ đề nghị xây dựng Luật về tổ chức THPL. Nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện thể chế về tổ chức THPL cũng đã được xác định là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Bộ Tư pháp trong thời gian tới.
Với tinh thần đó, Tọa đàm được tổ chức nhằm đánh giá thực trạng công tác tổ chức THPL, thực trạng về thể chế điều chỉnh hoạt động tổ chức THPL ở Việt Nam hiện nay, nắm bắt được những kết quả, hạn chế, bất cập và nguyên nhân về thể chế cũng như trong quá trình thực tiễn triển khai công tác tổ chức THPL tại Bộ, ngành và địa phương.
Đồng thời tạo diễn đàn để trao đổi thảo luận và tham khảo kinh nghiệm lập pháp, tổ chức THPL của Nhật Bản nói riêng và kinh nghiệm quốc tế nói chung. Từ đó đề xuất những định hướng phát triển và hoàn thiện đối với hoạt động tổ chức THPL ở Việt Nam, phục vụ việc nghiên cứu, lập đề nghị xây dựng Luật Tổ chức THPL.
Ông Sơn nhấn mạnh: “Kết quả Tọa đàm sẽ là căn cứ quan trọng để Bộ Tư pháp tiếp tục triển khai các hoạt động lập đề nghị xây dựng Luật Tổ chức THPL trình Chính phủ trong năm 2020 với tư cách là một nhiệm vụ được giao tại Đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức THPL giai đoạn 2018 – 2022” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 242/QĐ-TTg ngày 26/2/2018.
Còn ông Yokomaku Kosuke, Cố vấn trưởng, chuyên gia Dự án JICA cũng nhấn mạnh tới tầm quan trọng của công tác tổ chức THPL. Theo ông, các đạo luật dù có hoàn thiện đến đâu nhưng nếu không tổ chức thi hành hiệu quả thì cũng không phát huy hết ý nghĩa, vai trò trong đời sống. Vì vậy, để bảo đảm tính hài hòa, thống nhất giữa các văn bản luật thì cần đảm bảo cả sự hài hòa trong khâu xây dựng và khâu thực thi.
Sau khi nghe đại diện Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi THPL giới thiệu tổng quan về công tác tổ chức THPL tại Việt Nam hiện nay, các đại biểu tham dự Tọa đàm đã cùng nhau trao đổi, thảo luận. Theo đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết Bộ luôn chú trọng đến công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của ngành. Song song với đó, Bộ cũng chú trọng đến công tác tổ chức THPL bằng việc triển khai đồng bộ, kịp thời các biện pháp, hình thức khác nhau để đảm bảo đưa luật vào cuộc sống như: ban hành đầy đủ, kịp thời văn bản quy định chi tiết các Luật; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân, doanh nghiệp; thực hiện theo dõi tình hình THPL; sơ kết, tổng kết quá trình thực hiện các văn bản luật trong lĩnh vực quản lý của Bộ…
Liên quan tới việc lập đề nghị xây dựng Luật Tổ chức THPL, đại diện Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho rằng cần lưu ý một số vấn đề bao gồm: xác định cụ thể chủ thể gắn với phạm vi tổ chức THPL; nội dung công tác tổ chức THPL; cơ chế pháp lý xem xét, xử lý đối với vi phạm trong quá trình tổ chức THPL; đảm bảo các điều kiện cho công tác THPL…
Còn đại diện Sở Tư pháp TP. Hà Nội đề nghị Bộ Tư pháp xem xét nghiên cứu đề xuất ban hành Luật Tổ chức THPL nhằm tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác THPL; đẩy nhanh tiến độ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 59/2012/NĐ-CP về theo dõi THPL. Cùng với đó, thường xuyên phối hợp hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho địa phương trong việc THPL và triển khai thực hiện Đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức THPL”; tăng cường tập huấn nghiệp vụ chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác theo dõi THPL tại địa phương.