Bước vào năm 2020, sự phụ thuộc của người dùng vào các sản phẩm và trải nghiệm kỹ thuật cũng tăng lên. Xu hướng mua sắm trực tuyến đang tăng trưởng vượt bậc, chính vì thế UI/UX Designer được dự đoán trở thành xu hướng phát triển trong vòng 5 năm tới.
UX là gì?
Trong những năm gần đây, với sự xuất hiện của lĩnh vực UX tại Việt Nam và sự phát triển không ngừng nghỉ của ngành này trên toàn cầu, giới trẻ Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn khi tìm hướng đi đúng đắn trong sự nghiệp UX.
Với hy vọng cung cấp, chia sẻ những thông tin đầy đủ và khách quan về lĩnh vực này trên thế giới và tại Việt Nam, hôm nay – 28/6, UXMP (UX Mentorship Program) -Chương trình cố vấn UX đầu tiên tại Việt Nam, nơi mọi người quan tâm đến việc trở thành một học viên UX thực sự và có thể học hỏi và phát triển với nhau đã tổ chức buổi trao đổi về thị trường UX, tại Hà Nội.
Trao đổi tại buổi làm việc, anh Dương Quốc Tú - Phó trưởng phòng chuyển đổi Ngân hàng Techcombank cho biêt, thiết kế trải nghiệm người dùng (UX) có nguồn gốc từ một ngành khoa học cổ có tên gọi Ergonomics với mục đích thiết lập các định luật giúp tăng năng suất công việc.
Nghiên cứu UX có hệ thống đầu tiên được tạo ra vào năm 1900 khi Winslow Taylor tìm cách tối ưu hoá hiệu suất làm việc bằng cách xem xét mối tương quan giữa các công nhân và cách sử dụng công cụ của họ.
Anh Dương Quốc Tú - Phó Giám đốc Văn phòng chuyển đổi Ngân hàng Techcombank chia sẻ tại buổi Talks show. |
Vào năm 1940, hãng Toyota áp dụng và cho ra mắt mô hình sản phẩm lấy con người làm trung tâm rất nổi tiếng (Human-Centered-Production) nhằm hình thành môi trường thuận tiện và cải tiến cho người dùng.
Trong suốt những năm 70, khi máy tính cá nhân dần xuất hiện và ngành thiết kế mới đang ở giai đoạn chớm nở, Xerox Parc - một phòng nghiên cứu và phát triển nổi tiếng của Silicon Valley đã chịu trách nhiệm phát triển khái niệm Graphic User Interface (GUI) và chuột máy tính.
Các kỹ sư đã phối hợp làm việc chặt chẽ để sáng tạo những trải nghiệm đáng ngạc nhiên. Lý thuyết của họ đã được áp dụng bởi những hãng rất nổi tiếng như Apple và Microsoft.
Cuối cùng vào năm 1955, một designer nổi tiếng Don Norman đã đề xuất thuật ngữ User Experience (Trải nghiệm người dùng) và áp dụng hàng loạt các hoạt động với team của ông tại Apple Computers.
Còn tại Việt Nam, thị trường UX/UI đã phát triển trong những năm gần đây. Cho tới thời điểm hiện tại, có rất nhiều bạn trẻ theo đuổi ngành này cũng như rất nhiều các doanh nghiệp lớn cũng đang sử dụng nhiều ứng dụng và trang web có thiết kế hiện đại để chinh phục khách hàng bằng những trải nghiệm thực tế của họ trên cơ sở sản phẩm UX mà doanh nghiệp tạo ra.
“Có thể hiểu, thiết kế trải nghiệm người dùng (User Experience, viết tắt là UX) có thể được hiểu là cảm giác của bạn khi sử dụng một sản phẩm hay dịch vụ nào đó. Có thể là trải nghiệm khi sử dụng các sản phẩm vật lý (bàn ghế, cốc chén...), cũng có thể là trải nghiệm một dịch vụ (đăng ký mở tài khoản tại quầy...).
Mọi trường hợp tương tác giữa người và vật/dịch vụ đều mang lại trải nghiệm người dùng. Nhìn chung, trong môi trường kỹ thuật số, những nhà thiết kế UX quan tâm đến mối quan hệ giữa người dùng và máy tính và các sản phẩm dựa trên máy tính - như trang web, ứng dụng (Grab, Foody, etc.) và hệ thống” – anh Dương Quốc Tú chia sẻ.
Xu hướng phát triển trong vòng 5 năm tới
Cũng theo anh Dương Quốc Tú, tại Việt Nam thị trường UX/UI có cơ hội phát triển rất lớn. Đây là một ngành có nhiều cơ hội phát triển, nó thu hút được đông đảo giới trẻ vì đây là một nghề mang tính sáng tạo cao, các bạn trẻ có thể thỏa sức khẳng định mình.
Khi thành công, UX sẽ đem lại một cảm giác rất thú vị bằng những đánh giá trải nghiệm của khách hàng, sự tiện lợi cho doanh nghiệp, tổ chức và xã hội.
“Một sản phẩm tuyệt vời được tạo ra với tầm nhìn, sự nỗ lực và cung cấp giá trị lâu dài cho người dùng”- anh Dương Quốc Tú khẳng định. |
Chia sẻ thực tế về câu chuyện của mình trong 3 năm thực hiện UX tại Techcombank, anh Tự cho biết đã thực hiện được một số những sản phẩm nhất định như việc thiết kế tài chính cho khách hàng, thẻ ngân hàng… mà người dùng chỉ cần thông qua một thao tác, một cú click, người dùng có thể mở tài khoản mà không cần đi tới bất kỳ quầy giao dịch nào.
Sản phẩm này đã được người tiêu dùng đánh giá trải nghiệm rất tốt, vừa tiết kiệm được chi phí đi lại vừa tiết kiệm được thời gian mà vẫn thỏa mãn nhu cầu bảo mật thông tin khách hàng.
Tuy nhiên, để đạt được những thành công đó, anh Tú cho hay cũng đã gặp không ít khó khăn trong những ngày đầu thuyết phục lãnh đạo Ngân hàng techcombank về việc làm UX/UI như vậy.
Đưa ra lời khuyên cho các bạn trẻ theo đuổi ngành UX/UI, anh Dương Quốc Tú cho rằng các bạn trẻ đã theo ngành UX/UI cần phải kiên định, kiên trì tạo dựng.
Khách mời và diễn giả chụp ảnh lưu niệm tại buổi Talks show. |
“Với sự phát triển của kỷ nguyên số 4.0, một số ngành nghề được dự đoán sẽ rơi vào tình trạng bão hòa và có thể biến mất trong thời gian sắp tới. Mặt khác, đó lại là cơ hội cho một số lĩnh vực khác như UX/UI vươn lên và trở thành nghề “hot”, mang lại tương lai làm việc rộng mở.
Ngành số hoá tiếp tục tăng trưởng mạnh tại Việt Nam khi các doanh nghiệp bắt đầu ứng dụng công nghệ và dữ liệu để thúc đẩy kinh doanh.
Những thay đổi trong hành vi người dùng làm gia tăng việc sử dụng điện thoại di động, các doanh nghiệp thương mại điện tử và hướng khách hàng đã liên tục điều chỉnh các chiến lược trực tuyến và di động để duy trì tính cạnh tranh. Tôi tin rằng chỉ trong thời gian 5, 10 năm tới, thị trường UX/UI sẽ rất phát triển tại Việt Nam” – anh Dương Quốc Tú nói.