Sáng 12/6, với 464/469 ĐBQH tham gia biểu quyết bỏ phiếu tán thành (chiếm 95,28% tổng số ĐBQH), QH đã thông qua Luật Cạnh tranh (sửa đổi).
Một trong những điểm đáng chú ý trong Luật vừa được thông qua là quy định về vấn đề tập trung kinh tế được nêu ở Chương V của Luật.
Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi), có ý kiến đề nghị bổ sung quy định tại Điều 42 dự thảo Luật trường hợp hết thời hạn thẩm tra chính thức mà Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia không ban hành hoặc không gửi đến doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế quyết định về việc tập trung kinh tế thì việc tập trung kinh tế được thực hiện để tránh chậm trễ, gây ảnh hưởng, thiệt hại cho doanh nghiệp.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc tập trung kinh tế phải chuyển từ thẩm định sơ bộ sang thẩm định chính thức là những trường hợp tập trung kinh tế có thể gây tác động hoặc có khả năng gây tác động một cách đáng kể trên thị trường. Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cần thẩm định kỹ, đánh giá tổng hợp khả năng tác động hạn chế cạnh tranh và khả năng tác động tích cực của tập trung kinh tế để làm cơ sở xem xét, quyết định về việc tập trung kinh tế.
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phải có trách nhiệm thẩm định chính thức và ra quyết định về việc tập trung kinh tế đúng thời hạn nhằm bảo vệ môi trường cạnh tranh, đồng thời bảo đảm quyền của doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh.
Trường hợp Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia không ra quyết định đúng thời hạn, nếu gây thiệt hại cho doanh nghiệp thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật (quy định tại khoản 3 Điều 41 dự thảo Luật).
Trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo Luật, QH cũng đã bỏ phiếu thông qua quy định tại Điều 8 của dự thảo Luật về các hành vi bị cấm đối với cơ quan nhà nước với tỉ lệ 471 ĐBQH tán thành (chiếm 96,71% tổng số ĐBQH).
Theo luật vừa được thông qua, trường hợp cơ quan nhà nước thực hiện hành vi bị cấm quy định tại khoản 1 Điều 8 của Luật Cạnh tranh (sửa đổi), Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có trách nhiệm yêu cầu cơ quan nhà nước chấm dứt hành vi vi phạm và khắc phục hậu quả. Cơ quan nhà nước được yêu cầu phải chấm dứt hành vi vi phạm, khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.